Sign In

Hoàn thiện quy định về thế chấp, xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản

24/05/2022

Thực tế thi hành Luật Khoáng sản trong những năm qua cho thấy, nhu cầu thế chấp quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm cho các quan hệ tín dụng ngày một tăng, nhưng việc xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức tín dụng hay của các cơ quan thi hành án dân sự khi tổ chức thi hành mà tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản được xác định theo nội dung Bản án, quyết định của Tòa án đều gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn vì các quy định về thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là quyền khai thác khoáng sản còn thiếu, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.
Một là về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản
Luật khoáng sản năm 2010 có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản nhưng không có quy định về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản mà chỉ quy định chung “quyền khác theo quy định của pháp luật” (điểm i khoản 1 Điều 55). Trong các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật nói trên cũng không có bất cứ quy định nào về giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật dân sự thì “quyền tài sản là quyền giá trị được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác” (Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015), Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định về quyền khai thác khoáng sản có thể được chuyển nhượng, được đấu giá (điểm g khoản 1 Điều 47, Điều 55, Điều 78, Điều 79, khoản 3 Điều 82), Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã có quy định về điều kiện, thủ tục chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã có quy định về trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Như vậy, theo quy định hiện hành thì “quyền khai thác khoáng sản” là “quyền tài sản”. Theo Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (khoản 8 Điều 3) thì “quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên” thuộc trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm.  
Hai là về thẩm quyền kê biên, xử lý quyền khai thác khoáng sản
Có quan điểm cho rằng theo quy định của về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ tại Điều 80 Luật Khoáng sản năm 2010 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: “đ, … tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền”. Đồng thời, tại Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định: “Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Do đó, quyền khai thác khoáng sản được cơ quan nào cấp phép thì cơ quan đó sẽ tổ chức đấu giá.
Như đã nêu ở trên, quyền khai thác khoáng sản là một loại tài sản được đưa ra thế chấp để thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Luật Khoáng sản quy định trình tự, thủ tục đấu giá Quyền khai thác khoáng sản (ở khu vực chưa thăm dò và ở khu vực đã có kết quả thăm dò) được áp dụng trong trường hợp Nhà nước thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để nộp ngân sách thông qua hình thức đấu giá (Điều 76, 77, 79 Luật Khoáng sản năm 2010; Điều 24 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP).  Khi quyền khai thác khoáng sản được đưa vào giao dịch dân sự, phát sinh tranh chấp và được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trình tự, thủ tục xử lý quyền khai thác khoáng sản phải tuân theo quy định pháp luật THADS, Luật Đấu giá tài sản.
Ba là những lưu ý khi xử lý quyền khai thác khoáng sản
Quyền khai thác khoáng sản là tài sản đặc thù, thuộc diện phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 66 Luật Khoáng sản, Điều 37 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì mới được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, quá trình xử lý, cơ quan THADS cần rà soát làm rõ thực trạng tài sản; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án; lưu ý tính chính xác, căn cứ để thẩm định giá; thông báo công khai, minh bạch, đầy đủ về điều kiện để tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá theo đúng pháp luật chuyên ngành; đồng thời, lưu ý công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản để thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan.
Những nội dung phân tích nêu trên có thể thấy rằng, việc thế chấp, kê biên, xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản đã có cơ sở. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu để sửa đổi pháp luật có liên quan để việc kê biên, xử lý tài sản là quyền khai thác khoáng sản được thuận lợi hơn.
 
Theo: https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1001


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: