Tăng cường công tác phối hợp
5 năm qua, Cục THADS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 02 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác THADS; Tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành 01 Nghị quyết chuyên đề có nội dung chuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong THADS; UBND tỉnh ban hành 01 chỉ thị, 03 Kế hoạch tăng cường công tác THADS. Theo đó Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện thành phố trên địa bàn đã ban hành Thông tri (Chỉ thị) về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch thực hiện Thông tri (chỉ thị) của UBND các huyện thành phố về công tác THADS trên địa bàn tỉnh.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Phương Hoa cùng lãnh đạo và cán bộ chủ chốt Cục THADS Vĩnh Phúc
|
Để đảm bảo hoạt động THADS hiệu quả, thông suốt, Cục THADS đã ký quy Quy chế phối hợp liên ngành với 03 cơ quan Tư pháp là Công an – Tòa án nhân dân – Viện kiểm sát nhân dân; Ký quy chế phối hợp với các cơ quan: Sở Tư pháp, sở Tài nguyên và Môi Trường, Ngân hàng nhà nước, Bưu điện tỉnh...
Việc thực hiện Quy chế phối hợp, các ngành với chức năng và nhiệm vụ của mình đã phối hợp chặt chẽ và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung đề ra trong Quy chế phối hợp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan Thi hành án. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện quy chế được các ngành quan tâm, sâu sát hơn đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công chức,Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên trong các cơ quan.
Việc tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự mà còn giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án, công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát, công tác Điều tra, trại giam, hỗ trợ tư pháp của Công an, ngân hàng.... là cơ sở để mỗi ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành.
Như vậy, việc từng bước hoàn thiện thể chế của Cấp ủy, chính quyền từ Tỉnh đến huyện, xã và ký Quy chế phối hợp liên ngành đã và đang tạo được cơ chế hoạt động cho các cơ quan THADS trên từng địa phương, địa bàn cụ thể; Vị thế, vai trò của THADS được nâng lên, công tác phối hợp và chỉ đạo phối hợp giải quyết các vụ việc THADS, nhất là việc giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo đã tạo được sự đồng thuận của các ngành liên quan; việc quan tâm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất của tỉnh, của huyện với cơ quan THADS từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác để các cơ quan THADS hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vụ thế của ngành được nâng lên rõ rệt.
Đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành
Nhận thức rõ vai trò của công tác chỉ đạo điều hành, sau 05 năm áp dụng việc đổi mới, kết quả công tác chỉ đạo điều hành tại cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định chân lý: Ở đâu công tác chỉ đạo điều hành tốt sẽ tạo ra bộ máy làm việc hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trong công chức người lao động được tăng cường...
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, với mục tiêu trong chỉ đạo, điều hành là “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành”, Công tác THADS trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, công chức THADS từng bước được nâng lên, tuy nhiên hiệu quả công tác vẫn chưa thực sự bền vững.
Trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, trong điều kiện ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19 và là năm diễn ra Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp đã gây ra tác động kép đến hoạt động THADS; buộc THADS Vĩnh Phúc phải đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế mới có thể hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Để có giải pháp phù hợp trong điều kiện khó khăn trên Lãnh đạo cục đã sáng tạo, chủ động, tích cực trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; coi công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương là khâu đột phá. Lãnh đạo Cục đã thực sự sâu sát, quyết liệt, “hướng về cơ sở”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cấp phó thủ trưởng đơn vị gương mẫu đi đầu trong công tác để phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể; đảm bảo tính nhạy bén trong nắm bắt tình hình để kịp thời lên kế hoạch phù hợp, khả thi đối với từng vụ việc cụ thể.
Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp và của Tỉnh, Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc triển khai thực hiện theo quy định. Là cơ quan thường trực của BCĐ THADS tỉnh, ngay từ đầu năm Cục THADS Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu giúp BCĐ THADS tỉnh xây dựng kế hoạch công tác năm, từ đó kịp thời chỉ đạo các vụ việc khó khăn, phức tạp trên địa bàn. Cục đã chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, BCĐ THADS cùng cấp thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với với cơ quan THADS trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội và trật tự an ninh trên địa bàn.
Kết quả, Sau 5 năm đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, THADS Vĩnh Phúc đã có bước tiến vượt bậc; các hoạt động quản lý đi vào nền nếp, khoa học; Kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị luôn đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu được giao.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Xác định công tác tổ chức, cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành nên Lãnh đạo Cục đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong thời gian qua. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đội ngũ công chức các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng có sự chuyển biến về cả số lượng và chất lượng.
Hiện nay, biên chế các cơ quan THADS là 103/105 người (giảm 12 người so với đầu nhiệm kỳ) nhưng về chất lượng công chức đã có bước tiến vợt bậc: Về chuyên môn, trong 50 chấp hành viên hiện tại, Vĩnh Phúc có 22 chấp hành viên Trung cấp (tăng gấp 2 lần số chấp hành viên trung cấp sơ với đầu nhiệm kỳ); Về trình độ, THADS Vĩnh Phúc hiện có 16 công chức có trình độ sau đại học, 85 công chức có trình độ Đại học và 02 công chức trình độ trung cấp (tỷ lệ công chức có trình độ đại học và sau đại học tăng 300% so với đầu nhiệm kỳ); Trình độ lý luận của công chức THADS Vĩnh Phúc hiện có 16 đồng chí trình độ cao cấp, 37 đồng chí trình độ trung cấp chiếm 52% số công chức có mặt đã được đào tạo trình độ lý luận chính trị và tăng gấp 4 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Công tác biệt phái, điều động, luân chuyển trong từng thời kỳ, phụ hợp với tình hình thực tế của đơn vị và đúng quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức được đổi mới căn bản theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm, kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt, ý thức trách nhiệm được tăng cường, kỷ luật làm việc của đội ngũ công chức, người lao động ngày càng đi vào nề nếp. Việc luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức THADS trong nhiệm kỳ vừa qua đã tạo nên đội ngũ lãnh đạo, công chức THADS của tỉnh vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Như vậy, có thể nói công tác tổ chức cán bộ, tổ chức bộ máy của Thi hành án dân sự Vĩnh Phúc được quan tâm củng cố, kiện toàn và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt và ngày càng đi vào nề nếp.
Khẳng định vị thế trong đời sống xã hội
Sự hoàn thiện về thể chế, tổ chức bộ máy, về cơ sở vật chất đã tạo động lực mạnh mẽ cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong 5 năm gần đây, số lượng vụ, việc và tiền được giải quyết năm sau đều cao hơn năm trước đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao; nhiều vụ, việc phức tạp, tồn động nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, cụ thể:
Việc xác minh, phân loại án, thực hiện các trình tự, thủ tục Thi hành án ngày càng đảm bảo chính xác, theo đúng các quy định của pháp luật, so với năm 2016, số có điều kiện thi hành của năm 2020 tăng 1.391 việc = 23.4%; tình trạng ra quyết định thi hành án chưa đúng quy định về thời hạn được chấn chỉnh, khắc phục; kết quả thu cho ngân sách Nhà nước, kết quả thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, việc xét miễn giảm thi hành án... tiếp tục có tiến bộ so với các năm trước.
Kết quả thi hành án về việc và tiền theo các chỉ tiêu được giao trong 5 năm gần đây: Năm 2016 thi hành xong đạt 88% về việc và 31% về tiền trên số có điều kiện (vượt 1,4% về việc và 0,7 về tiền so với chỉ tiêu được giao); Năm 2017 thi hành xong đạt 89% về việc và 47% về tiền trên số có điều kiện (vượt 16,7% về việc và 17,4% về tiền so với chỉ tiêu được giao); Năm 2018 thi hành xong đạt 88% về việc và 35% về tiền trên số có điều kiện (vượt 10% về việc và 2,5% về tiền so với chỉ tiêu được giao); Năm 2019 thi hành xong đạt 86% về việc và 70% về tiền trên số có điều kiện (vượt 13% về việc và 10,1% về tiền so với chỉ tiêu được giao); Năm 2020 thi hành xong đạt 86% về việc và 43% về tiền trên số có điều kiện(vượt 4,1% về việc và 4,5% về tiền so với chỉ tiêu được giao).
Như vậy, so với năm 2015, số thi hành xong của năm 2020 tăng 1.087 việc (21%) và tăng 34.869.400.000 đồng (37%). Tổng thi hành xong trong 5 năm của các cơ quan THADS trong tỉnh là 33.260 việc = 877,5 tỷ. Trong đó thu cho ngân sách nhà nước 92,9 tỷ đồng, thu cho công dân, tổ chức 784,6 tỷ đồng.
Từ bước tiến vượt bậc về kết quả THADS nên trên đã góp phần nâng cao Chỉ số thiết chế pháp lý cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc tăng từ 5,48 điển (2016) lên 6,49 điểm (2020). Trong đó việc thực hiện pháp quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng do Cục THADS chủ trì thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua đã tăng 26,3% (từ 63,71% (2016) lên 90% (2020)).Trong khi toàn quốc chỉ số tăng trong nhiệm kỳ là 16,3% (từ 62,8% (2016) lên 79,1% (2020)).
Với những kết quả trên cho thấy, công tác Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được cả lượng và chất, từ kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến hiệu quả hoạt động, khẳng định được vị trí vai trò và tầm quan trọng của công tác Thi hành án dân sự trong đời sống xã hội. Việc thi hành đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động, Thủ tướng chính phủ tặng cờ, bằng khen; Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao, đặc biệt đối với tập thể Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2015 đến nay đã được Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Riêng năm 2020 được đề nghị tặng cờ thi đua Chính Phủ.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”, bằng chính tình yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ công chức, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, tập thể cán bộ, công chức THADS tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2021 và những năm tiếp theo; tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức THADS đạt hiệu quả cao nhất; góp phần xây dựng các cơ quan Thi hành án dân sự không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam , xứng đáng với vị thế của ngành được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho, đồng thời góp phần vào việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà.