1. Ông Nguyễn Văn Bảo – huyện Bình Xuyên hỏi: Theo quyết định của bản án số 01/HSST ngày 12/1/2017 của TAND tỉnh tuyên buộc ông Lê Văn X phải bồi thường do thiệt hại về tính mạng sức khỏe cho tôi số tiền 50.000.000đ. Hiện nay, ông Lê Văn X đang kháng cáo bản án trên thì tôi có được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành khoản bồi thường trên cho tôi được không?
Trả lời:
Điều 2 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định bản án, quyết định được thi hành bao gồm:
1. Bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại đã có hiệu lực pháp luật:
- Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
- Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
- Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
- Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, căn cứ điểm a Khoản 2 của Điều 2
Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Ông có
quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành khoản bồi thường theo quyết định của bản án.
2. Anh Lê Duy Tiến- huyện Vĩnh Tường hỏi: Tôi đã nộp tiền án phí, phạt tại Chi cục THADS huyện nhưng tôi làm mất biên lai thu tiền do cơ quan thi hành án cấp cho. Vậy tôi có đề nghị cơ quan thi hành án cấp lại biên lai được không?
Trả lời:
Biên lai nộp tiền án phí, phạt chỉ có 01 liên duy nhất đã cấp cho người nộp tiền. Do vậy, cơ quan thi hành án không cấp lại biên lai này nhưng có thể sao chụp lại biên lai gốc. Căn cứ Điều 53 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Anh có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.
3. Bà Vũ Thị Thắm – Thành Phố Vĩnh Yên hỏi: Tài sản của anh trai tôi bị kê biên để đảm bảo khoản trả nợ cho ngân hàng, hiện nay anh chị tôi đi làm ăn xa không sinh sống tại căn nhà bị kê biên, vậy tôi có được nhận bảo quản tài sản sau khi kê biên không?
Trả lời:
Tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về việc bảo quản tài sản thi hành án như sau:Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
- Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản;
- Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;
- Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.
Như vậy theo quy định của Luật THADS Bà là người thân thích của người phải thi hành án nên có thể được giao bảo quản tài sản kê biên.
4. Chị Nguyễn Lan Hương- Thị xã Phúc Yên hỏi: Chị gái tôi có mượn xe máy của tôi để sử dụng và bị cơ quan thi hành án tạm giữ. Nếu tôi chứng minh được xe máy là của tôi thì có được trả lại hay không?
Trả lời:
Điều 68 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự như sau:
1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.
2. Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.
Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
3. Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.
4. Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.
Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.
5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.
Như vậy, nếu chị chứng minh được tài sản tạm giữ không thuộc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì được trả lại.
5. Ông Nguyễn Văn Trung- Huyện Tam Dương hỏi: Theo bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh, c
hị A phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền 500.000.000đ cho tôi. Hiện, tôi đã có đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục THADS huyện và được biết chị A có đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất 200m2 đất tại thị trấn của huyện Tam Dương. Vậy, tôi có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu của chị A không?
Trả lời:
Tại Điều 66 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.
2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Cũng tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.
Như vậy, Ông có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu của chị A.
6. Bà Lê Thị Doan- Thành phố Vĩnh Yên hỏi: Tôi phải thi hành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Công thương số tiền 1.000.000.000đ theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của thành phố. Chi cục THADS thành phố đã kê biên và bán đấu giá tài sản của tôi. Do tài sản không bán được nên Chấp hành viên đã giảm giá tài sản theo quy định. Hiện nay, tôi thấy giá sau khi giảm xuống quá thấp, vậy tôi có quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 của Luật này.
3. Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.
Như vậy, trường hợp của Bà không được quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên.
7. Anh Hoàng Văn Nam- Huyện Tam Đảo hỏi: Tôi là người được thi hành án, khi tài sản đang bán đấu giá tôi có quyền được nhận tài sản kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án hay không?
Trả lời:
Tại Khoản 2, khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự
(sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
- Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn
10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết.
Trong thời hạn
30 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo về việc người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để thi hành án, nếu người phải thi hành án không
nộp đủ số tiền thi hành án và chi phí thi hành án để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được thi hành án. Đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên ra quyết định giao tài sản cho người được thi hành án để làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó cho người được thi hành án. Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người được thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.
- Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.
Như vậy, phải t
ừ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
8. Anh Nguyễn Mạnh Đông- Huyện Yên Lạc hỏi: Bản án dân sự phúc thẩm TAND tỉnh tuyên buộc ông Nguyễn Văn A phải giao trả cho tôi quyền sử dụng đất có diện tích 100m2. Tôi đã được cơ quan thi hành án tổ chức giao tài sản trên nhưng sau khi cơ quan thi hành án giao xong, gia đình ông A chiếm lại đất, vậy tôi phải làm thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 4 Điều 13 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định:
Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản.
Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại tài sản cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người đã nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
9. Ông Lê Văn Đường – Huyện Lập Thạch hỏi: Anh A là người phải thi hành bản án phúc thẩm của tỉnh về khoản thanh toán nợ cho ông B với tổng số tiền 700.000.000đ. Sau khi bản án có hiệu lực, tôi có mua một mảnh đất có diện tích 200m2 của anh A với giá 500.000.000đ. Tài sản đã chuyển nhượng hợp pháp và tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy khi thi hành bản án trên, tài sản này có bị cơ quan thi hành án kê biên không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 về kê biên tài sản để thi hành án quy định:
Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại
Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Như vậy, trường hợp của Ông cần làm rõ người phải thi hành án có sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án? có tài sản khác hay không? hoặc tài sản khác có đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án? Khi đó mới xem xét tới việc kê biên, xử lý tài sản của bạn đã mua. Khi kê biên tài sản, ông có quyền khởi kiện tranh chấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
10. Chị Nguyễn Thị Hoa- Huyện Sông Lô hỏi: Chồng tôi là người phải thi hành án khoản trả nợ cho ông A số tiền 300.000.000đ, vợ chồng tôi có tài sản chung duy nhất là nhà đất đang ở. Vậy tài sản này có bị kê biên không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:
Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều này;
Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại
Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này;
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Như vậy, tài sản chung của vợ chồng Chị vẫn bị xem xét kê biên để đảm bảo thi hành án theo quy định trên.
11. Ông Đào Văn Tiến- Thành Phố Vĩnh Yên hỏi: Chi cục THADS thành phố đang thi hành bản án dân sự sơ thẩm về việc ông A phải trả cho tôi số tiền 50.000.000đ. Ngày 30/3/2017, Chấp hành viên triệu tập tôi và ông A đến làm việc tại trụ sở UBND phường, tại đây, ông A đã nộp đủ số tiền trên. Vậy, tôi có đề nghị được nhận tiền ngay tại trụ sở UBND phường không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 4 Điều Điều 49 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định về Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án: Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án cùng có mặt, Chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được, sau khi đã trừ khoản phí thi hành án. Việc chi trả tiền, tài sản phải lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của đương sự, Chấp hành viên và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc chi trả tiền, tài sản. Biên bản phải giao cho đương sự, lưu hồ sơ thi hành án và chuyển cho kế toán cơ quan thi hành án dân sự để vào sổ theo dõi.
Như vậy, trường hợp của Ông có thể được chi trả ngay tại UBND phường.
12. Anh Phùng Văn Hợp – Thành phố Vĩnh Yên hỏi: Ngày 15/4/2017, tôi có đơn yêu cầu Chi cục THADS thành phố thi hành án đối với ông X về việc phải trả cho tôi số tiền 100.000.000đ theo Quyết định của bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh. Ngày 18/4/2017, tôi nhận được quyết định thi hành án, ngày 25/4/2017, ông X đã nộp đủ số tiền trên tại cơ quan thi hành án. Vậy, tôi có phải chịu phí thi hành án không?
Trả lời:
Tại Điều 6 Thông tư 126 của Bộ Tài chính ngày 10/11/2016 về việc quy định
mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành dân sự quy định
:
Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án dân sự khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:
1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.
3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.
4. Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.
5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
6. Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.
7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại
điểm b khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự.
8. Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại
Điều 45 Luật thi hành án dân sự.
Như vậy, trường hợp của Anh không phải chịu phí thi hành án.
13. Ông Nguyễn Văn Trai- Huyện Tam Đảo hỏi: Tôi là người được thi hành án và là thương binh hạng 2/4, vậy tôi có được miễn phí thi hành án không?
Trả lời:
Tại Điều 48 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định về miễn, giảm phí thi hành án như sau:
1. Người được thi hành án được miễn phí thi hành án trong trường hợp sau đây:
- Được hưởng chế độ ưu đãi người có
công với cách mạng;
- Thuộc diện
neo đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; thuộc diện tàn
tật, ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
- Người được thi hành án
xác minh chính xác sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại
Khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân
sự xử lý được tài sản để thi hành án.
2. Người được thi hành án được giảm phí thi hành án như sau:
-
Giảm đến 80% đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn
hộ nghèo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận;
-
Giảm 30% phí thi hành án tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà
không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại;
-
Giảm 20% phí thi hành án trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này nếu phải
áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.
Như vậy, trường hợp của Ông được
miễn phí thi hành án.