Sign In

Một số nét về lịch sử hình thành của ngành Thi hành án dân sự

01/07/2022

Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành Thi hành án dân sự đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành Thi hành án dân sự 67 năm qua cho thấy ngành Thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng cả về quy mô tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ, công chức, cùng với đó là những thành tựu nổi bật về kết quả thi hành án dân sự ngày càng tăng, án dân sự chuyển kỳ sau ngày càng giảm. Bên cạnh những kết quả đạt được thì những hạn chế cũng đã giúp toàn Ngành rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, trên cơ sở đó đề ra những định hướng hoàn thiện và phát triển ngành Thi hành án dân sự trong tương lai. 67 năm hình thành và phát triển của ngành Thi hành án dân sự có thể chia ra làm ba giai đoạn chính gồm giai đoạn từ 1945 đến 1980, giai đoạn từ 1981 đến năm 1993 và giai đoạn từ 1993 đến nay. Sau đây là những dấu mốc quan trọng về quá trình hình thành và phát triển, những thành tựu đạt được của ngành Thi hành án dân sự qua các giai đoạn: 
1. Giai đoạn từ 1945 đến 1980
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và thi hành án dân sự, ngày 24/01/1946, năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự trong chế độ mới; tiếp đó ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Theo quy định tại các văn bản trên, từ năm 1945 đến năm 1950 hoạt động thi hành án dân sự đã trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã - một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với Toà án và hoạt động xét xử thực hiện. Việc thi hành án dân sự thể hiện quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế. Thời kỳ này, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số lượng cán bộ ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của Thẩm phán, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho công tác thi hành án dân sự sau này.
Từ năm 1950 đến năm 1960, công tác thi hành án dân sự có một sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, với việc ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”, theo đó Điều 19 của Sắc lệnh này quy định: “Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hay Tòa án trên đã tuyên”. Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.Sắc lệnh này đã giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự cho một cơ quan cấp huyện thay vì cơ quan cấp xã như trước đây, cho thấy vai trò và vị trí của công tác thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao.
Bước sang năm 1960, công tác thi hành án tiếp tục có thêm bước phát triển mới, đó là trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Như vậy, thay bằng quy định Thẩm phán vừa thực hiện công tác xét xử, vừa kiêm nhiệm công tác thi hành án dân sự thì theo quy định mới này từ năm 1960, tại các Tòa án nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành dân sự. Ngày 14 tháng 11 năm 1974,Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án. Trong thời kỳ này, Phòng chỉ đạo thi hành án là một Phòng hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại Tòa án nhân dân các cấp; xây dựng các văn bản chỉ đạo chung về thi hành án.
Có thể nói, từ năm 1960 đến năm 1980 ngành Tòa án nhân dân đã thực sự quan tâm tới việc xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động của hệ thống thi hành án dân sự. Trong thời kỳ này, các cơ quan của Nhà nước và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự và được áp dụng thống nhất trong cả nước; Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho Chấp hành viên và nhân viên thi hành án về lý luận chính trị và nghiệp vụ, tăng cường phương tiện phục vụ công tác thi hành án cho Chấp hành viên và nhân viên thi hành án. Đồng thời với việc ra đời chức danh Chấp hành viên và sự pháp triển đội ngũ Chấp hành viên trong Tòa án nhân dân các cấp, hoạt động của đội ngũ Chấp hành viên đã góp phần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Giai đoạn từ 1981 đến 1993
Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ hoà bình, đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng khi đất nước ta chuyển mình sang một giai đoạn mới: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Hiến pháp năm 1980 đã đưa ra yêu cầu Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 12). Với tinh thần thượng tôn pháp luật đó, Hiến pháp năm 1980 cũng đã lần đầu tiên ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi thành của các bản án, quyết định: Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành (Điều 137). Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành Thi hành án dân sự có những chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển của mình trong giai đoạn 1981-1989.
Tiếp theo, Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Hội đồng Chính phủ thành Hội động Bộ trưởng, trong Luật này có ghi danh sách các Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp, sau đó ngày 22 tháng 11 năm 1981, Nghị định số 143/HĐBT đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ban hành. Sau khi được tái lập, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ nhiều hơn và có hệ thống tổ chức bộ máy lớn hơn so với Bộ Tư pháp trước đây. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý Toà án địa phương, trong đó có công tác thi hành án dân sự (Vụ Quản lý Toà án).
Theo quy định tại Thông tư số 08-TT ngày 06 tháng 01 năm 1982 hướng dẫn thực hiện Nghị định 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, trong cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Phòng quản lý Toà án và Phòng quản lý công tác chấp hành án. Phòng có nhiệm vụ tham mưu cho Sở Tư pháp quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã. Phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân cấp tỉnh trong công tác này; Quản lý công tác tư pháp khác tại địa phương, bao gồm…, chấp hành án. Đối với Ban Tư pháp huyện có nhiệm vụ: Chấp hành các án dân sự và hôn nhân gia đình, do Toà án huyện xét xử hoặc Toà án tỉnh uỷ nhiệm. Đối với Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ: Tham gia đôn đốc việc thi hành các bản án dân sự và hôn nhân gia đình thuộc phạm vi xã do Toà án huyện, và Ban Tư pháp huyện chuyển về.
Cũng ở thời điểm này, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 7 năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức. Nghị định số 143-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp quy định Bộ Tư pháp có chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy chế chấp hành án. Ngày 01 tháng 01 năm 1982, Toà án nhân dân tối cao đã bàn giao nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án trong phạm vi cả nước sang Bộ Tư pháp. Ngày 18 tháng 7 năm 1982, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân Tối cao đã ký Thông tư liên ngành số 472 về công tác quản lý thi hành án trong thời kỳ trước mắt, trong đó quy định:
- Tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh, có Phòng thi hành án nằm trong cơ cấu bộ máy và biên chế của Toà án để giúp Chánh án chỉ đạo công tác thi hành án.
- Tại các Toà án cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác thi hành án dưới sự chỉ đạo của Chánh án.
Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự - một hình thức văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, lần đầu tiên đã được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 và Quy chế chấp hành viên, thì chỉ có chấp hành viên là người được nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trước đây việc thi hành án ngoài Chấp hành viên còn có thể do cán bộ thi hành án thực hiện). Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định số lượng biên chế Chấp hành viên, cán bộ thi hành án cho từng Tòa án địa phương. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Chấp hành viên được bổ nhiệm ở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Với việc ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, cơ chế thi hành án đã có bước thay đổi căn bản. Theo Pháp lệnh này, cơ chế kết hợp quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên đã tạo ra sự phát triển mới trong công tác thi hành án dân sự. Quyền tự định đoạt của đương sự, một trong những nguyên tắc đặc trưng của tố tụng dân sự, trước đây mới chỉ được áp dụng trong giai đoạn xét xử, thì nay đã được vận dụng trong giai đoạn thi hành án dân sự. Thi hành án dân sự là một giai đoạn độc lập tiếp theo giai đoạn xét xử, trong giai đoạn này người được thi hành vẫn có quyền tự định đoạt quyền lợi của mình, có quyền yêu cầu người phải thi hành án thi hành những phán quyết của Tòa án, nhưng cũng có quyền tự hòa giải, thỏa thuận với người phải thi hành án về phương thức thi hành, thậm chí không yêu cầu người phải thi hành án thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án. Quyền tự định đoạt của đương sự đã trở thành một nguyên tắc quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, Pháp lệnh năm 1989 vẫn có những quy định về quyền chủ động thi hành của cơ quan thi hành án trong những trường hợp nhất định nhằm bảo vệ kịp thời lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân.
Cùng với sự đổi mới của cơ chế thi hành án, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án cũng không ngừng được củng cố và tăng cường. Từ chỗ Thẩm phán vừa làm nhiệm vụ xét xử, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án, đội ngũ cán bộ thi hành án đã được chuyên môn hóa, có chức danh, tiêu chuẩn riêng và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện các phán quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, mặc dù cơ chế thi hành án đã từng bước được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ làm công tác này được củng cố, tăng cường một bước, nhưng sự chỉ đạo điều hành công tác thi hành án vẫn chưa được thay đổi phù hợp. Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên thuộc Tòa án, do Tòa án trực tiếp chỉ đạo về nghiệp vụ và chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên về kết quả của hoạt động thi hành án. Mọi quyết định quan trọng trong thủ tục thi hành án đều thuộc thẩm quyền của Chánh án. Chấp hành viên với trách nhiệm là “Người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án”, thực ra chỉ là người thừa hành sự chỉ đạo của Chánh án, không có quyền năng thực sự để đảm bảo thực thi nhiệm vụ của mình. Mặt khác, Chánh án với tư cách là người chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động xét xử phải đồng thời là người chỉ đạo việc thi hành các phán quyết của Tòa án, dẫn đến tình trạng quá tải về công việc, có nơi, có lúc chưa giải quyết kịp thời các yêu cầu thi hành án đặt ra. Hơn nữa, Tòa án vừa là cơ quan xét xử duy nhất, vừa là cơ quan làm nhiệm vụ thi hành án, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, chưa thực sự đảm bảo sự khách quan, công bằng trong hoạt động thi hành án dân sự, gây ra sự băn khoăn, lo lắng trong nhân dân về hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, về cơ chế phối hợp mặc dù công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về việc quản lý Toà án địa phương mặc dù diễn ra thuận lợi trong thời gian đầu nhưng từ năm 1989 đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về trách nhiệm quản lý Toà án địa phương.
Do trọng tâm của Tòa án là xét xử nên trong một thời gian dài tổ chức hoạt động thi hành án chưa được quan tâm đầy đủ. Số cán bộ giỏi thường được bổ sung sang làm Thẩm phán, đội ngũ cán bộ luôn luôn bị xáo trộn không được quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, chế độ, chính sách không được chú ý đúng mức. Lực lượng chấp hành viên, cán bộ thi hành án vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động thi hành án hầu như không được trang bị. Quản lý Nhà nước về công tác thi hành án bị buông lỏng… Số việc tồn đọng chưa được thi hành chiếm tỷ lệ cao, điều này đã vi phạm trật tự kỷ cương Nhà nước, vi phạm pháp chế XHCN, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.
3. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay
Đây là giai đoạn công tác thi hành án dân sự được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ, thông qua việc Quốc hội Khóa IX ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày 02/6/1993 về việc triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự và liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 26/5/1993 hướng dẫn việc bàn giao công tác thi hành án dân sự và Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993. Những cơ sở pháp lý quan trọng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác Thi hành án dân sự từ đó đến nay. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của ngành Thi hành án dân sự cả về thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ Chấp hành viên, công chức Thi hành án dân sự.
Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Theo quy định của Nghị định 30/CP, các cơ quan Thi hành án dân sự gồm có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp; các Phòng Thi hành án cấp quân khu và tương đương. Ở Trung ương, Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý tổ chức, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/1993, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được xây dựng theo cơ cấu từ Trung ương đến cấp huyện, do Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo.
Trong thời gian này, công tác thi hành án dân sự ngày càng trở nên nặng nề hơn. Các cơ quan thi hành án dân sự được bổ sung nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định về kinh tế, lao động, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; bản án, quyết định của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành; giá trị tiền, tài sản phải thi hành ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Đứng trước những khó khăn, thử thách mới, ngành Tư pháp nói chung và Hệ thống Thi hành án dân sự nói riêng đã có nhiều nỗ lực vượt bậc. Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm to lớn đối với công tác thi hành án dân sự. Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, Chính phủ vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án cả về kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên theo dõi, cho ý kiến chỉ đạo về công tác tư pháp, nhất là công tác thi hành án dân sự. Tại các kỳ họp, Quốc hội đều nghe và cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn này đã đạt được kết quả quan trọng, từ năm 1993 đến hết năm 2003, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong 1.195.754 việc, thu được trên 9.697 tỷ đồng. Chính vì vậy, tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đã ghi nhận: "Hệ thống tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự đã được hình thành trong cả nước, công tác thi hành án dân sự đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả bước đầu, làm giảm đáng kể số lượng án tồn đọng".
Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Trên cơ sở của Pháp lệnh này, ngày 11/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP. Theo quy định của Nghị định số 50/NĐ-CP, Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng như tổ chức áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành án dân sự trong toàn quốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án...; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý theo ngành dọc đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết này đã chỉ rõ “Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp, giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án…”
Đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan Thi hành án được tăng cường. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự ngày càng có sự chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, ngày 14/11/2008 Quốc hội khoá 12 đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Ngày 09/9/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Theo quy định của Nghị định số 74/NĐ-CP, ở Trung ương, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước và quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự.   
Từ những văn bản pháp lý trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành Thi hành án dân sự đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhìn lại lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển có thể thấy, ngành Thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng, những thay đổi về tổ chức, những thành tựu và cả những hạn chế đã để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của ngành Thi hành án dân sự, song, dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và về tiền nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Thị Hiên- Văn phòng Cục THADS

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: