Sign In

THADS TỈNH BÌNH ĐỊNH NHÌN LẠI SAU 27 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

23/07/2020

Ngày 06/10/1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã thông qua Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ vào tháng 6 năm 1993. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày 02/6/1993 về việc triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự. Đây là giai đoạn công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ; việc tổ chức và hoạt động của cơ quan Thi hành án được thực hiện theo Pháp lệnh Thi hành án năm 1993.
Tại tỉnh Bình Định, ngày 13 tháng 6 năm 1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định thành lập Phòng Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định và 11 Đội Thi hành án dân sự cấp huyện. Công tác bàn giao giữa cơ quan Tòa án và Sở Tư pháp tỉnh được thực hiện, đảm bảo để cơ quan Thi hành án đi vào hoạt động động từ ngày 01/7/1993. Về biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh sau khi thành lập và nhận bàn giao là 47 người (nhận bàn giao từ tòa án là 31 biên chế, tiếp nhận mới 16 người), trong đó Phòng Thi hành án dân sự tỉnh lúc này có 08 biên chế, 11 Đội Thi hành án dân sự cấp huyện có 39 biên chế (mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có từ 02 đến 04 biên chế). Về cơ sở vật chất, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được chính quyền địa phương giao trụ sở để làm việc nhưng chỉ là tạm thời, trang thiết bị phục vụ cho công tác còn thiếu. Về công tác thi hành án, lượng án toàn tỉnh nhận bàn giao từ tòa án chuyển sang là: 2.253 việc, số tiền trên 10 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm tòa án chưa giải quyết.

Thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004, ngày 04/5/2005 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-BTP về việc thay đổi tên gọi của cơ quan THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan THADS huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp đổi thành: Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp đổi thành: Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố và trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Đến năm 2009, theo qui định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2894/QĐ-BTP ngày 06/11/2009 về việc thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định trực thuộc Tổng Cục Thi hành án dân sự và Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định. Trong giai đoạn này, Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự nói chung được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao.
Phải nói rằng, kể từ sau khi có Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, mà nhất là sau khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 ban hành, đội ngũ công chức các cơ quan THADS của tỉnh được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, theo yêu cầu công tác thi hành án, biên chế của Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tăng lên: 154 biên chế, trong đó có 57 Chấp hành viên, 11 Thẩm tra viên và các chức danh tư pháp khác, ngoài ra còn có nhiều cán bộ hợp đồng lao động. Đến nay, do yêu cầu của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghi quyết số 18-NQ/TW, toàn Ngành có: 136 biên chế, trong đó 21 Chấp hành viên trung cấp,  44 Chấp hành viên sơ cấp, 6 Thẩm tra viên, 29 Thư ký thi hành án, 8 Thư ký trung cấp, 27 các chức danh khác và 46 hợp đồng lao động. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của công chức, người lao động trong ngành qua từng giai đoạn được đào tạo bài bản, kịp thời, chất lượng không ngừng nâng lên; các chế độ chính sách luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan Thi hành án trong tỉnh luôn được tăng cường; đã xây dựng mới, khang trang các trụ sở làm việc phục vụ tốt cho cơ quan Thi hành án dân sự hoạt động; phương tiện đi lại, trang thiết bị phục cho yêu cầu công tác cũng được trang bị, cơ bản đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác của mỗi đơn vị và của toàn ngành.

Về kết qủa THADS, hàng năm toàn ngành luôn đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao được thể hiện qua từng giai đoạn, cụ thể:

 Năm 1994, sau khi có Pháp lệnh THA năm 1993, toàn tỉnh thụ lý thi hành 4.100 việc, số tiền phải thi hành trên 11 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.150 việc/3.200 việc có điều kiện, đạt tỷ lệ 67%, số tiền tài sản thu được 3,8 tỷ/6 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 63%.

 Năm 2003, tổng số việc thụ lý thi hành 7.100 việc, đã thi hành xong 3.568/4.690 có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 77%;  tổng số tiền thụ lý 40.160.095.000đ (so với năm 1994, số việc thụ lý tăng hơn gần 2 lần, tiền tăng lên gần 4 lần), đã thi hành xong 14.786.264.000 đ/17.659.858.000 đ có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 83,7%.

Năm 2009, sau khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ban hành, tổng số việc thụ lý thi hành 11.891 việc (so với năm 2003  tăng lên gần 1,7 lần), đã thi hành xong 7.030/8.253 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 85%; tổng số tiền thụ lý 272.659.887.000đ (so với năm 2003 tăng lên trên 6 lần), đã thi hành xong 76.272.406.000 đ/93.219.963.000 đ có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 77%.

Năm 2015, sau khi có Luật sửa đổi bổ sung năm 2014, về việc, tổng số thụ lý là 9.636 việc, đã giải quyết xong 6.911/7.351 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 94% (vượt 6%). Về tiền, tổng số tiền thụ lý là 911.664.030.000 đồng (cao hơn năm 2009 gần 4 lần), đã giải quyết xong 241.188.650.000 đồng/270.863.780.000 đồng có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 89% (vượt 12%).

 Năm 2019, về việc, tổng số thụ lý là 11.129 việc (cao hơn năm 2015: 1.493 việc), đã thi hành xong 6.470 việc/8.046 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,41% (vượt 7,41%). Về tiền, tổng số tiền thụ lý là 1.811.878.010.000 đồng (cao hơn năm 2009  hơn 7 lần và cao hơn năm 2015 xấp xỉ 02 lần), đã thi hành xong 292.635.535.000 đồng/836.438.121.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 34,99% (vượt 0,99%).

Số việc và về tiền thụ lý thi hành qua từng giai đoạn đều thể hiện năm sau cao hơn năm trước, nhưng kết quả nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự của tỉnh đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với kết qủa đã đạt được từ năm 1993 đến nay, Ngành THADS tỉnh Bình Định đã vinh dự được Đảng và nhà nước tặng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý, trong đó: Chủ tịch Nước đã tặng Huân chương lao động Hạng nhì cho 02 cá nhân, tặng 11 Huân chương lao động Hạng 3 cho 03 tập thể và 08 cá nhân; Chính phủ đã tặng 03 cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể và tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 01 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ đã tặng 12 Bằng khen cho 04 tập thể và 08 cá nhân; Bộ Tư pháp đã tặng 25 Cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể, tặng 153 bằng khen cho các tập thể và cá nhân; UBND tỉnh đã tặng 07 Cờ thi đua xuất sắc và 69 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Ngoài ra, hàng năm Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh tặng nhiều danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và Giấy khen cho tập thể và cá nhân do có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự từ năm 1993 đến nay. 
                       
Có được kết quả nói trên, trước hết nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; của TT. Tỉnh ủy, TT. Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và UBMTTQVN tỉnh; các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác THADS; sự phối hợp, giúp đỡ kịp thời của các ngành, các cấp, các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự; sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ Lãnh đạo, công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong suốt quá trình hình thành và phát triển của ngành THADS.      
                     
Phải nói rằng, 27 năm qua là dấu ấn của một chặng đường, đó chính là công sức của tất cả các thế hệ lãnh đạo, công chức, người lao động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã đồng hành xây dựng Ngành Thi hành án dân sự tỉnh phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay. Công chức và người lao động của Ngành hôm nay luôn mong muốn và quyết tâm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tiếp tục xây dựng Ngành Thi hành án dân sự của tỉnh không ngừng lớn mạnh và phát triển hơn nữa trong thời gian đến, xứng đáng sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
                                                                                                                                     Hoàng Chương

Các tin đã đưa ngày: