Sign In

Quy định về thủ tục ủy thác xử lý tài sản trong thi hành án dân sự còn nhiều bất cập

10/08/2022

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 đã tiếp tục tạo hành lang, khung pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động Thi hành án dân sự, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tiếp tục sửa chữa, bổ sung mới thật sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới như hiện nay, nhất là các quy định về thủ tục ủy thác thi hành án dân sự.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc Ủy thác thi hành án dân sự được quy định tại các Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, thì chiều ngày 11/01/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật số: 03/2022/QH15 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Theo đó đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật THADS có nội dung bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 55 và khoản 2 Điều 57 như sau:

Khoản 2, Điều 55 “ Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.”

Khoản 2, Điều 57 “Thủ tục ủy thác xử lý tài sản được quy định như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định ủy thác xử lý tài sản.
Hồ sơ ủy thác xử lý tài sản bao gồm quyết định ủy thác xử lý tài sản; bản sao bản án, quyết định; quyết định thi hành án và các tài liệu khác có liên quan, nếu có;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác xử lý tài sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác ra quyết định xử lý tài sản ủy thác, phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Chấp hành viên căn cứ quyết định thi hành án, kết quả tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác và quyết định xử lý tài sản ủy thác để tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục xử lý tài sản theo quy định của Luật này;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá hoặc người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác xử lý tài sản chuyển số tiền thu được cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác để thanh toán theo quy định tại Điều 47 của Luật này, sau khi trừ chi phí thi hành án, đồng thời, thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác;

d) Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác xử lý tài sản chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình tổ chức thi hành vụ việc, trừ việc xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác.
Trường hợp xác định kết quả thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đủ để thanh toán nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để tạm dừng việc xử lý các tài sản còn lại. Việc tiếp tục xử lý tài sản ủy thác được thực hiện theo thông báo của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Trường hợp đã thu đủ số tiền thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để chấm dứt việc xử lý các tài sản còn lại, giải tỏa kê biên tài sản theo quy định của Luật này. Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác phải thanh toán các chi phí thi hành án phát sinh trước thời điểm chấm dứt việc xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 73 của Luật này;

đ) Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác xử lý tài sản chịu trách nhiệm thực hiện các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản ủy thác; thông báo ngay bằng văn bản kết quả thẩm định giá, thời điểm bán đấu giá, kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác; tạm dừng hoặc chấm dứt xử lý tài sản theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác”.

Như vậy, việc bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản nêu trên là xuất phát từ những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thi hành án, vì trong thực tế có rất nhiều vụ việc thi hành án, người phải thi hành án có rất nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì: “Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành”. Rõ ràng, điều luật chỉ mới quy định cơ quan thi hành án chỉ được phép ủy thác thi hành án toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án, mà chưa có quy định về ủy thác xử lý tài sản để thi hành án. Theo quy định trên, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.

Ví dụ: Theo nội dung bản án số: 35/KDTM-ST ngày 20/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B, thì Công ty TNHH TM Bình Minh phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP Đông Tây - Chi nhánh tỉnh B số tiền 20 tỷ đồng và tiền lãi suất phát sinh theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 01/HĐTCTS ngày 12/12/2018 mà hai bên đã thỏa thuận ký. Nếu Công ty TNHH TM Bình Minh không trả hoặc trả không đầy đủ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý các tài sản của Công ty TNHH TM Bình Minh đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Đông Tây – Chi nhánh tỉnh B, cụ thể: 01 lô đất tọa lạc tại tổ 3, KV7 phường Lê Hồng Phong, TP Q, tỉnh B (GCNQSD đất số H00512 do UBND thành phố Q cấp ngày 15/12/2009); Ngôi nhà và đất tọa lạc tại số 55 đường Quang Trung, TP Q tỉnh B (GCNQSD đất số H0123 do UBND TP Q, tỉnh B cấp ngày 25/10/2011); nhà và đất tọa lạc tại số 10 đường Nguyễn Huệ, TP H, tỉnh P (GCNQSD đất và QSH nhà ở số: AB 155 do UBND TP H, tỉnh P cấp ngày 13/7/2016).

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì cơ quan thi hành án dân sự TP Q, tỉnh B không được quyền xử lý đồng thời tài sản có tại TP Q và tài sản tại TP H, tỉnh P được và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự TP H, tỉnh P nơi có tài sản thế chấp để xử lý được mà cơ quan Thi hành án TP Q, tỉnh B phải thực hiện việc xử lý xong tài sản thế chấp có tại địa bàn TP Q, tỉnh B rồi mới được ủy thác đến cơ quan Thi hành án dân sự TP H, tỉnh P nơi có tài sản thế chấp để tiếp tục tổ chức thi hành án.

Với quy định về trình tự, thủ tục ủy thác như trên (điều luật chưa được sửa đổi, bổ sung), thì sẽ kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản, nhất là khoản thu cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; tài sản sẽ bị xuống cấp và giá trị tài sản sẽ bị giảm, thậm chí có rất nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng tài sản; đương sự tẩu tán tài sản và làm phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu.

Để tránh trường hợp ách tắc trong việc xử lý tài sản thi hành án như trên tại Điều 9 của Luật số: 03/2022/QH15 Lật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 của Luật Thi hành án dân sự,  quy định rõ và chi tiết căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau. Đây là điểm mới của Luật Thi hành án dân sự, nó đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động ủy thác thi hành án dân sự; có thể xử lý đồng thời các tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, rút ngắn thời gian thi hành án và làm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế một cách sớm nhất.

Cùng với việc quy định rõ căn cứ, Luật cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản như: Thực hiện việc ủy thác và nhận ủy thác xử lý tài sản; hồ sơ ủy thác; căn cứ để cơ quan nhận ủy thác áp dụng các trình tự, thủ tục xử lý tài sản; việc chuyển số tiền thi hành án thu được cho cơ quan nơi ủy thác thực hiện việc thanh toán tiền cho những người được thi hành án; quy định trách nhiệm của cơ quan nơi ủy thác và cơ quan nhận ủy thác; việc dừng xử lý tài sản trong trường hợp đã thu được số tiền đủ để thi hành án và các chi phí liên quan…

 
Ảnh minh họa: Chấp hành viên đọc Quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản để thi hành án dân sự

Tuy nhiên các điều luật được sửa đổi bổ sung nêu trên vẫn còn một số bất cập như sau:
Thứ nhất, cơ quan ủy thác hay cơ quan nhận ủy thác có thẩm quyền thu, miễn, giảm phí thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 Thông tư số: 216/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.

Thứ hai, cách làm báo cáo thống kê như thế nào vì theo hướng dẫn của Thông tư số: 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp, Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự,theo dõi thi hành án hành chính, thì không có hướng dẫn thống kê loại việc này.

Thứ ba, nếu như cơ quan Thi hành án nơi nhận ủy thác xử lý tài sản không đưa vụ việc vào báo cáo thống kê tiền và việc thì rất có thể Chấp hành viên được phân công xử lý tài sản không sợ ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua hàng năm, nên chậm tiến hành các bước thủ tục xử lý tài sản để thi hành án, vì họ ngại va chạm, sợ đương sự khiếu nại, tố cáo trong việc xử lý tài sản để thi hành án. Điều này, dẫn đến vụ việc kéo dài ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Để việc ủy thác xử lý tài sản có hiệu quả trong thực thế, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án, trong thời gian đến, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần phải có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp ủy thác xử lý tài sản để thi hành án dân sự, có như vậy mới giảm thiểu lượng án tồn đọng kéo dài và hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp./.
Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn

Các tin đã đưa ngày: