Sign In

Cao Bằng: Việc khó thi hành, Cục Thi hành án dân sự trực tiếp giải quyết

09/12/2019

Cao Bằng: Việc khó thi hành, Cục Thi hành án dân sự trực tiếp giải quyết
Từ năm 2017 đến năm 2019, Cao Bằng luôn là một trong các địa phương có kết quả thi hành án cao nhất trong hệ thống Thi hành án dân sự (THADS). Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên đặt ra cho công tác THADS nhiều vấn đề cần giải quyết. PV Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Đặng Văn Huy, Cục trưởng Cục THADS Cao Bằng.
-Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà các cơ quan THADS tỉnh Cao Bằng đạt được trong thời gian vừa qua?
Trong những năm gần đây công tác THADS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện luôn hoàn thành đạt và vượt xa các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Từ năm 2017 đến năm 2019, Cao Bằng luôn là một trong các địa phương có kết quả thi hành án cao nhất trong hệ thống THADS: năm 2017 đạt tỉ lệ 93.35% về việc, 67.23% về tiền, giảm tồn về việc đạt 28%, giảm tồn về tiền đạt 37.39%; năm 2018 đạt 98% về việc, 77.82% về tiền, giảm tồn về việc đạt 65%, giảm tồn về tiền đạt 22%. Đặc biệt đến năm 2019, các cơ quan THADS tỉnh Cao Bằng đã vươn lên trở thành địa phương đứng đầu toàn quốc về việc và tiền: việc đạt 98.03% (vượt 23.03%), tiền đạt 86.60% (vượt 51.60%).
Cục trưởng Đặng Văn Huy
 
 
Với những thành tích nổi bật đạt được trong những năm qua, Cục THADS tỉnh Cao Bằng đã vinh dự được xếp hạng tập thể lao động xuất sắc (hạng A) trong 3 năm liên tiếp (từ 2017 đến 2019) và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen, Cờ Thi đua Ngành Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Uy tín, hình ảnh của cơ quan THADS trong hệ thống chính trị của địa phương, trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định và đánh giá tốt hơn.
-Là một tỉnh biên giới, miền núi, bên cạnh những khó khăn chung của công tác THADS, công tác THADS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn gặp những khó khăn, thách thức nào?
Cao Bằng là địa phương có phần lớn là đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đường giao thông đi lại không thuận lợi. Điều này tạo nên rất nhiều khó khăn đối với công tác chuyên môn và đời sống của công chức, người lao động các cơ quan THADS. Thực tế cho thấy, tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh thì đời sống của công chức làm công tác thi hành án gặp rất nhiều khó khăn do phải đi làm xa nhà, giao thông hạn chế, đơn vị không có nhà công vụ phải thuê nhà trọ, trong khi đó thu nhập nhìn chung còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Những khó khăn này đã ảnh hưởng phần nào đến tư tưởng của công chức, người lao động và ảnh hưởng đến công tác điều động, luân chuyển cán bộ.
 Cục THADS phối hợp với các ngành tiêu hủy ma túy
 
Cao Bằng còn là tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài trên 333 km, với nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới. Đây là điều kiện để tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng nhiều; đặc biệt là các tội phạm về ma túy với số lượng lớn ngày càng gia tăng; việc quản lý tang vật, tài sản, đặc biệt là ma túy của các cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm không đáp ứng được yêu cầu, luôn có nguy cơ xảy ra mất mát, hư hỏng.  
Bên cạnh đó, thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao, số lượng việc thi hành án tiếp tục tăng về số lượng và giá trị, tính chất phức tạp, khó thi hành dẫn đến công tác THADS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
-Được biết công tác THADS của tỉnh Cao Bằng luôn giành được sự quan tâm to lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị liên quan. Ông hãy cho biết Cục THADS tỉnh đã có những giải pháp nào để huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị địa phương đối với công tác THADS?
Có thể nói, công tác THADS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thật sự trở thành nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị tỉnh nhà. Để huy động được sức mạnh tổng hợp đó, các cơ quan THADS tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tranh thủ tối đa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; luôn tích cực, chủ động tham mưu về hoàn thiện thể chế và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định công tác THADS, hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS. Năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 06/8/2018 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị về công tác THADS. Thực tế cho thấy, việc thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo nên những chuyển biến căn bản, toàn diện đối với công tác THADS. 
Hai là, kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS. Cục THADS đã tham mưu và UBND tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS của địa phương với 12/13 Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm Trưởng ban. Cục THADS cũng phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. 
Nhiều Quy chế phối hợp đã được ký kết 
 
Ba là, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp. Cục THADS tỉnh Cao Bằng đã ký kết 09 Quy chế phối hợp với các cơ quan Bảo hiềm xã hội, Công an, TAND, VKSND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước và một số Ngân hàng thương mại... Việc thực hiện tốt công tác phối hợp đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác THADS. 
Bốn là, trên cơ sở kết quả công tác phối hợp, hàng năm, chúng tôi đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đối với nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhiều thành tích trong công tác THADS (năm 2018, 2019 mỗi năm khen thưởng cho 05 tập thể, 5 cá nhân); qua đó khuyến khích, động viên và giành được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành đối với công tác THADS.
-Để hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hàng năm, các cơ quan THADS của tỉnh đã có những biện pháp cụ thể như thế nào thưa ông?
Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu được Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp giao, Cục THADS đã thực hiện việc giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc cao hơn chỉ tiêu được Tổng cục giao. Đặc biệt, trong năm 2019, mặc dù Tổng cục THADS không giao chỉ tiêu giảm tồn về việc và tiền có điều kiện chuyển kỳ sau, nhưng trong chúng tôi vẫn đặt ra nguyên tắc, yêu cầu các đơn vị không được tăng tồn nhằm nâng cao trách nhiệm, tiếp tục duy trì kết quả cao về việc và tiền. Hàng tuần, hàng tháng Cục THADS đều nắm bắt tình hình, kết quả tại các đơn vị và có ý kiến chỉ đạo cụ thể. Đối với những vụ việc khó thi hành tại các Chi cục, Cục THADS đã rút hồ sơ để trực tiếp giải quyết; đồng thời, đã tổ chức họp liên ngành và đưa ra họp Ban Chỉ đạo THADS để giải quyết đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp tồn đọng nhiều năm. Bên cạnh đó, một biện pháp nữa mà chúng tôi đặc biệt chú trọng đó là việc phát huy hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết với các cơ quan liên quan, đặc biệt là với Viện Kiểm sát nhân dân, TAND và cơ quan Công an. Riêng việc phối hợp với TAND trong việc thu tiền, tài sản tại phiên tòa trong năm từ 2018 đến 2019 đã thu được tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
-Được biết, THADS Cao Bằng hiện vẫn thiếu một số vị trí cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục và Chi cục, vậy khắc phục tình trạng này như thế nào?
Nhìn chung, tổ chức bộ máy và đội ngũ lãnh đạo các cơ quan THADS tỉnh Cao Bằng và các chức danh thi hành án đến nay đã được kiện toàn tốt hơn song vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn cán bộ không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ và các tiêu chuẩn, điều kiện. Hiện còn thiếu 02 Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục, 04 Chi cục chưa có Phó Chi cục trưởng. Về chất lượng, đội ngũ công chức THADS của địa phương ngày càng nâng cao về năng lực, trình độ, số lượng công chức trẻ được đào tạo chính quy, bài bản ngày càng nhiều.
Xác định cán bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong công tác THADS, trong thời gian qua, Cục THADS đã tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện, cụ thể và kiên quyết thay thế đội ngũ công chức, người lao động không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất. Thời gian qua chúng tôi đã thay thế và giải quyết chế độ đối với 05 trường hợp công chức là lãnh đạo Chi cục, thực hiện trên 40 lượt luân chuyển, điều động công chức và công chức lãnh đạo. 
Mặc dù trong điều kiện của địa phương, của ngành còn hết sức khó khăn, song Cục THADS đã luôn cố gắng thực hiện tốt nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; tạo điều kiện để công chức, nhất là công chức trẻ được học tập nâng cao trình độ mọi mặt; chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác; phân bổ, sắp xếp đội ngũ cán bộ có chức danh pháp lý tại các đơn vị phù hợp với năng lực công tác; đảm bảo hoạt động của đơn vị đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng Ngành THADS tỉnh Cao Bằng từng bước trong sạch, vững mạnh.
-Xin cám ơn ông!
Nguồn: "Báo điện tử Pháp luật Việt Nam"

Các tin đã đưa ngày: