Sign In

Quyết định về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cho các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện và Chấp hành viên thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2021.

07/01/2021

Ngày 30 tháng 12 năm 2020 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện biên đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TCTHADS về việc  giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cho các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện và Chấp hành viên thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2021.
 
          Theo đó, căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Quyết định số 2569/QĐ-BTP ngày 06/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Cục thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên; Quyết định số 2558/QĐ-BTP ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2021; Quyết định số 1069/QĐ-TCTHADS ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2021.
 
          Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện và các Chấp hành viên thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2021 như sau:
1. Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật;
2. Bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác, đúng pháp luật việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án và các thông tin liên quan đến lựa chọn tố chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản lên Cổng/Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử bán đấu giá tài sản; đăng tải đầy đủ thông tin về Thi hành án hành chính theo quy định;
3. Phấn đấu nâng cao chất lượng, đảm bảo tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 83% về việc và trên 41,1% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành;
4. Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi, đảm bảo tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%. Kết quả thi hành án cho các tổ chức tín dụng ngân hàng, các khoản thu cho ngân sách nhà nước bảo đảm đạt tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền cao hơn năm 2020.
    5. Tổ chức thực hiện theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
         6. Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; giảm đến mức thấp nhất các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Tập trung giải quyết dứt điểm theo quy định các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính phát sinh trong hoạt động thi hành án dân sự.
7. Trả lời bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục 100% và đúng thời hạn ít nhất 95% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chấp hành viên trong đơn vị và cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới.
         8. Thực hiện tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật; giải quyết xong ít nhất 97% số đơn thư khiếu nại, tố cáo; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai việc khuyến khích thực hiện thu án phí vào ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức thi hành án dân sự.
          Về phương pháp giao thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ
          Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ do Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh giao, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chấp hành viên thuộc Chi cục đảm bảo chính xác, công bằng, khả thi (có thể bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu Cục thi hành án dân sự tỉnh giao đối với Chi cục thi hành án dân sự); có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chỉ tiêu và đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chấp hành viên thuộc Chi cục thi hành án dân sự, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao trong năm 2021.
Quyết định cũng giao trách nhiệm tổ chức thực hiện, cụ thể:
1. Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chấp hành viên thuộc Chi cục quản lý;
2. Văn phòng Cục chủ trì, phối hợp với Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trong tỉnh có trách nhiệm giúp Lãnh đạo Cục thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; thẩm tra việc phân loại việc, tiền thi hành án và kết quả thực hiện chỉ tiêu của các Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và từng Chấp hành viên thuộc Cục thi hành án dân sự tỉnh; kịp thời tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Cục về tình hình, tiến độ thực hiện chỉ tiêu được giao tại các đơn vị, Chấp hành viên thuộc Cục.
3. Kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là cơ sở để chi thu nhập tăng thêm theo quy định hiện hành và xét đề nghị xếp hạng, tổ chức bình xét thi đua khen thưởng năm 2021 đối các Chi cục thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
          Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện (về chỉ đạo, điều hành và phối hợp liên ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức thi hành án dân sự; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc./.
 


Theo Văn phòng Cục

Các tin đã đưa ngày: