Sign In

Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Đồng Tháp

30/04/2020

Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Đồng Tháp
Ngày 29 tháng 4 năm 2020, Cục Thi hành án dân sự phối hợp với các ngành tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (Quy chế 14) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Trên cơ sở tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện toàn tỉnh, Hội nghị tổng kết 05 thực hiện Quy chế 14 thống nhất đánh giá: các cơ quan liên ngành ở địa phương đều nhận thức rõ vai trò quan trọng của Quy chế 14, tích cực quán triệt, triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh và vận dụng Quy chế 14 để ký kết các Quy chế phối hợp liên ngành ở cả hai cấp tỉnh, huyện. Khẳng định Quy chế 14 là cơ sở quan trọng bảo đảm cho sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong phạm vi, lĩnh vực của ngành mình suốt thời gian qua; từ khi Quy chế 14 được ban hành, công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thi hành án dân sự, Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn trước, vai trò trách nhiệm và tính chủ động trong công tác phối hợp của các ngành được nâng lên, nhất là trong phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và công dân, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.  
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quy chế 14 còn một số tồn tại, vướng mắc như việc thực hiện Quy chế 14 giữa các cơ quan cùng cấp ở địa phương đôi lúc thiếu đồng bộ, có một số vụ việc quan điểm xử lý giữa các ngành chưa thống nhất phải họp nhiều lần hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên để có hướng dẫn xử lý; việc phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến tài sản thi hành án có tranh chấp hay phân chia tài sản chung theo Điều 74, Điều 75 Luật THADS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thụ lý xét xử và tổ chức thi hành án, mà nguyên nhân là do các bên đương sự tìm cách trốn tránh, trì hoãn, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để kéo dài quá trình giải quyết... 
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, đưa ra biện pháp giải quyết để công tác phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh nhấn mạnh thời gian tới sẽ quan tâm kiểm sát thường xuyên hoạt động tổ chức thi hành các bản án, quyết định, siết chặt công tác quản lý, điều hành của ngành, phân công kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ những vụ án lớn, phức tạp. Tòa án nhân dân Tỉnh nêu rõ quan điểm là khi tổ chức thi hành xong bản án mới gọi là xong vụ án đó nên Tòa án sẽ tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thi hành án. Thống nhất tiếp tục thực hiện Quy chế 14, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Quy chế phối hợp liên ngành ở địa phương cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật và điều kiện thực tế từng nơi nhằm tạo mối quan hệ phối hợp ngày càng tốt hơn và làm cho người dân hài lòng, tin tưởng đối với các cơ quan pháp luật.


Theo Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THADS

Các tin đã đưa ngày: