Năm 2019 là năm mà tình hình kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh Gia Lai nói chung và Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn: Do tình trạng mùa mưa năm 2018 kéo dài làm cho tiêu chết hàng loạt, giá nông sản bấp bênh; tình hình vỡ nợ trong nhân dân, mất khả năng thanh toán tại các ngân hàng tín dụng;… tuy nhiên Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã nỗ lực cố gắng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, được xếp hạng A và đã giành được cờ thi đua của Ngành Tư pháp; tham mưu Ban Chỉ đạo THADS tỉnh giải quyết được cơ bản các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài; hệ thống tổ chức, bộ máy cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn tương đối hoàn chỉnh; kỷ cương, kỷ luật công vụ tiếp tục được chấn chỉnh; các sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ thi hành án phần nào đã được chấn chỉnh, khắc phục;…
Đồng chí Nguyễn Đức Hoàng - PCT UBND tỉnh, Trưởng BCĐTHADS tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Có thể nói, hoạt động thi hành án dân sự đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Uy tín và vị thế của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương đang tiếp tục được củng cố và khẳng định vững chắc trong hệ thống chính trị và lòng tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Qua kết quả trên, thấy rằng tập thể công chức Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã hết sức đoàn kết, nỗ lực phấn đấu quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đó là điều đáng ghi nhận. Thay mặt UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đồng chí Nguyễn Đức Hoàng đã chúc mừng, biểu dương các kết quả mà toàn Hệ thống đã đạt được. Đề nghị tất cả cán bộ, công chức của Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục duy trì, phát huy trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Đức Hoàng cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế yêu cầu Hệ thống cơ quan thi hành án trong thời gian tới cần khắc phục đó là: Điều kiện cơ sở vật chất chưa được hoàn chỉnh; án tồn đọng, nhất là án tín dụng ngân hàng vẫn còn lớn; trình độ, năng lực, kỹ năng giải quyết án của một bộ phận chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tình trạng khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn cưỡng chế, kê biên tài sản vẫn còn xảy ra do quy trình thủ tục tiến hành chưa chặt chẽ; một vài đơn vị có số lượng án lớn nhưng giá trị đạt được còn thấp;...
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh; là năm cuối triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời cũng là năm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 5 năm tiếp theo. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, dự báo năm 2020 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; tác động tiêu cực của biến động về giá cả các mặt hàng thiết yếu, của thời tiết cực đoan, khô hạn, mất mùa diễn ra trên diện rộng;... Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng các ngành, các lĩnh vực và của mỗi địa phương, đơn vị, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của từng sở, ngành, địa phương, trong đó có Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh. Trước yêu cầu và nhiệm vụ nêu trên, đồng chí Nguyễn Đức Hoàng yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Cục Thi hành án dân s tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được trong năm qua; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; ngay từ đầu năm xây dựng kế hoạch, tiến hành đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành nhằm giảm án tồn đọng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao trong năm 2020. Đôn đốc, động viên, thuyết phục việc tự nguyện thi hành án của các tổ chức, công dân. Coi trọng công tác hoà giải, đồng thời kiên quyết tổ chức cưỡng chế đối với những đối tượng chây ỳ, trốn tránh, chống đối việc thi hành án nhằm đảm bảo kỷ cương, nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp giải quyết và tham mưu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài ngay từ cơ sở; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động thi hành án; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ ba, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức liêm khiết; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng trong việc tổ chức thi hành án cho công chức, chấp hành viên hạn chế để xảy ra sai sót trong quá trình tác nghiệp, khắc phục triệt để tình trạng chậm xác minh, kê biên, tổ chức thi hành án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ tư, tăng cường công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo và tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Công an giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài gây bức xúc trong xã hội, những vụ việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và nhà nước. Các cơ quan hữu quan kịp thời phối hợp hỗ trợ thi hành án thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật; Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các Văn phòng đăng ký đất đai phối hợp, hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự trong lĩnh vực thi hành án liên quan đến đất đai; Sở Tư pháp có biện pháp tăng cường quản lý các công ty thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, cùng với cơ quan thi hành án tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi thi hành các vụ án hành chính.
Thứ năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện chủ động yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện sai sót, vi phạm để có hướng chỉ đạo khắc phục ngay; đồng thời chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự và xây dựng, thực hiện mô hình dân vận khéo ở cơ sở./.
Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh