Để làm tốt công tác phối hợp, Cục Trưởng và đoàn công tác của Cục THADS tỉnh trực tiếp đi làm việc với Ban chỉ đạo THADS các huyện, Lãnh đạo các Ngân hàng trên địa bàn và các Chi cục THADS cấp huyện để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2019.
Qua các buổi làm việc, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành Lãnh đạo Cục nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, từ đó đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, Chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành đối với từng vụ việc, trong đó tập trung các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Chấp hành viên thực hiện kế hoạch tổ chức thi hành, siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong cơ quan, nhất là trong việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu, báo cáo thống kê thi hành án đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định…
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, cho thấy: Một số lãnh đạo đơn vị thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm sát sao, chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, toàn diện đối với công tác xử lý nợ xấu; tinh thần trách nhiệm của một số Chấp hành viên chưa cao trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cần thiết để thi hành dứt điểm việc có điều kiện giải quyết; có trường hợp năng lực CHV còn hạn chế, tổ chức thi hành án còn chậm. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng có hiện tượng đề nghị thẩm định giá tài sản cao hơn giá thị trường, không tích cực tham gia xử lý dứt điểm tài sản vì không muốn bán tài sản với giá quá thấp sẽ ảnh hưởng đến khoản tiền bảo đảm của Ngân hàng; hơn nữa trong quá trình tiến hành thủ tục thế chấp, cho vay, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc, giá trị tài sản; nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất, nhận thế chấp không xác định được vị trí thửa đất; không làm tốt khâu thẩm định giá để cho vay nên cho vay cao hơn giá trị thực của tài sản... Hơn nữa, trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án, đặc biệt với loại việc công nhận hòa giải thành, tình trạng ranh giới, mốc giới bất động sản không chính xác, các công trình trên đất không phù hợp như lúc ký kết thế chấp, dẫn đến giai đoạn thi hành án, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả công tác thi hành án dân sự; chưa chú trọng khâu phối hợp, chủ động với cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan để tháo gỡ vướng mắc. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn chưa cao; mặc dù việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh), nhưng do đương sự cố tình chây ỳ, chống đối quyết liệt, nhất là trường hợp xử lý tài sản bảo lãnh phải cưỡng chế nên kéo dài thời gian; trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường người phải thi hành án đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách (như bỏ đi khỏi địa phương, không nhận quyết định thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án...). Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019 của Hệ thống. Theo báo cáo kết quả công tác THADS 9 tháng đầu năm 2019, Hệ thống THADS tỉnh Gia Lai thi hành: Tổng số việc đã thụ lý 13.739 việc (trong đó: số cũ chuyển sang 6.263 việc; số thụ lý mới 7.476 việc). Số việc đã ủy thác: 77 việc. Số việc phải thi hành: 13.662 việc. Trong đó: số việc có điều kiện thi hành: 9.948 (8.902 việc (chiếm 73% so với số việc phải thi hành), số việc chưa có điều kiện thi hành: 3.714 việc (chiếm 27% so với số việc phải thi hành). Đã giải quyết xong 6.330/9.948 việc (đạt 63,63% so với số việc có điều kiện thi hành), Số việc chuyển kỳ sau là 7.332 việc (trong đó, có điều kiện là 3.618 việc).
Tổng số tiền đã thụ lý 1.383.403.063 ngàn đồng (trong đó: số cũ chuyển sang 920.215.847 ngàn đồng; số thụ lý mới 463.187.216 ngàn đồng). Số tiền đã ủy thác: 70.077.027 ngàn đồng. Số tiền phải thi hành: 1.313.326.035 ngàn đồng. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành: 659.591.934 ngàn đồng (chiếm 50,22% so với số phải thi hành), số tiền chưa có điều kiện thi hành: 653.734.101 ngàn đồng (chiếm 49,78% so với số phải thi hành). Đã giải quyết xong 156.887.292/659.591.934 ngàn đồng (đạt 23,79% so với số tiền có điều kiện thi hành). Số tiền chuyển kỳ sau là 1.156.486.201 ngàn đồng (trong đó, có điều kiện là 502.752.100 ngàn đồng).
Với tỷ lệ đạt trên, hiện thời gian còn chưa đầy 03 tháng là kết thúc năm báo cáo 2019 của Hệ thống, đòi hỏi Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung chỉ đạo các Chấp hành viên quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục chỉ đạo các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch, lập phương án giải quyết cho từng vụ việc cụ thể, xác định các bước tiến hành, tiến độ, thời gian hoàn thành các công việc, Thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc cụ thể, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự lãnh chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền địa phương cho việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự của tỉnh Gia Lai hoàn thành vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2019
Theo Văn phòng Cục