Vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An đã tổ chức thi hành vụ việc theo đơn yêu cầu thi hành án ngày 13/2/2020 của chị Nguyễn Thị Th, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An đã ra Quyết định thi hành án số 166/QĐ-CCTHADS ngày 17 tháng 2 năm 2020 thi hành bản án số: 41/2019/HNGĐ - ST ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Kiến An, thành phố Hải Phòng và quyết định đình chỉ phúc thẩm số 09/2020/QĐ – PT ngày 20/01/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, với nội dung: buộc anh Phạm Văn Q-phường Nam Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng phải giao con chung sinh ngày 29/4/2017 cho chị Nguyễn Thị Th trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An đã tiến hành đầy đủ các thủ tục thông báo, phối hợp cùng Viện kiểm sát, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức họp vận động thuyết phục anh Q cùng gia đình tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, anh Q không có thái độ hợp tác, dù được thông báo hợp lệ nhưng luôn vắng mặt buộc Chấp hành viên phải ra quyết định số 02 ngày 28/10/2020 về việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Sau khi có Quyết định cưỡng chế, Chấp hành viên tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm vận động thuyết phục anh Q tự nguyện thi hành án nhưng anh Q vắng mặt dù được thông báo hợp lệ. Ngày 20/01/2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An đã căn cứ Khoản 2 Điều 120 Luật Thi hành án dân sự lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với anh Phạm Văn Q. mức phạt tiền 3.000.000đ đối với Phạm Văn Q và Chi cục ra thông báo ấn định 05 ngày làm việc để anh Phạm Văn Q thực hiện nghĩa vụ giao con chung Quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính. Hết thời hạn anh Q vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình buộc Chi cục cùng với các các Phòng, Ban, Ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã lập biên bản vê việc không chấp hành án của anh Q. Như vậy, sau khi xử phạt vi phạm hành chính mà người phải thi hành án vẫn không thi hành thì Chấp hành viên có thể lựa chọn việc tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Chi cục Thi hành án dân sự quận Kiến An đã lập hồ sơ gửi Công an quận Kiến An xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Phạm Văn Q vì tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 Bộ Luật hình sự năm 2015. Mặc dù trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân quận Kiến An cũng đã nhiều lần tổ chức thuyết phục anh Q tự nguyện giao con nhưng anh Q vẫn không đồng ý. Ngày 29/11/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Kiến An ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Q về tội “Không chấp hành án” theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự. Ngày 15/6/2022, Tòa án nhân dân quận Kiến An đã ra bản án số 27/2022/HS-ST, tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Q 09 tháng tù vì tội “không chấp hành án” theo Khoản 1 Điều 380, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ Luật hình sự 2015.
Sau bản án sơ thẩm, đương sự Phạm Văn Q mới nhận ra hậu quả của việc không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật nên đã có đơn đề nghị gửi Chi cục THADS quận Kiến An xin được tự nguyện giao con cho chị Nguyễn Thị Th và nộp 3 triệu đồng theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 18/7/2022, Chi cục, Viện Kiểm sát và chính quyền địa phương đã tổ chức để anh Q tự nguyện giao con cho chị Th.
Tự nguyện giao con
Dù đã tự nguyện giao con, việc thi hành án dân sự đã xong nhưng bản án Hình sự sơ thẩm đối với Q vẫn còn để lại trong tâm những người làm công tác pháp luật và trong mỗi chúng ta nhiều sự băn khoăn, trăn trở. Một người cha vì muốn nuôi con của mình mà phải rơi vào cảnh tù tội. Liệu có giải pháp nào tốt hơn, nhân văn hơn một bản án? Đa số quan điểm cho rằng việc tổ chức cưỡng chế giao người chưa thành niên như trên là chưa hợp lý, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Nghĩa vụ giao người chưa thành niên cần được xem là một trường đặc biệt, khác với nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc nhất định khác, vì đối tượng giao nhận ở đây là con người, là trẻ chưa thành niên. Nên việc huy động lực lượng cưỡng chế để “tranh giành” lấy người chưa thành niên từ người phải thi hành án giao cho người có quyền nuôi dưỡng sẽ gây nên hình ảnh phản cảm và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ và dễ gây phản ứng tiêu cực từ người phải thi hành án và gia đình họ. Phải chăng, cần nâng cao hơn nữa ý thức thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mỗi công dân.
Theo Trịnh Thị Thanh Hương- Chi cục THADS Q. Kiến An