Sign In

THỦ TỤC RÚT GỌN THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

06/09/2023

THỦ TỤC RÚT GỌN THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG  VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Trong thời gian qua, việc thụ lý các việc thi hành án liên quan đến Ngân hàng và các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Ngân hàng) tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc song số việc và tiền các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) thi hành được chưa cao. Trong quá trình tổ chức thi hành, các cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt việc phải giải quyết yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi hành, nhanh chóng sớm thu hồi nợ của các Ngân hàng ngày càng khẩn thiết trong khi tiến độ giải quyết, kê biên xử lý các tài sản để thi hành án nhìn chung còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài. Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội ; Nghị quyết số 63/2022 ngày 16/6/2022 của Quốc hội kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ những khó khăn cho Ngân hàng chưa đạt kết quả như mong đợi.
     Trên  thực tiễn thủ tục thi hành án vẫn rườm rà, chưa thuận lợi cho Chấp hành viên khi thi hành án như việc: Thông báo thi hành án, kê biên tài sản; việc Phong tỏa tài khoản còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả thu hồi nợ không cao. Đa số các Ngân hàng về cơ bản không thỏa thuận được với khách hàng và hiện tại không huy động được bộ máy cưỡng chế, chưa có quy trình, thủ tục thẩm định, đấu giá tài sản như các cơ quan THADS cho nên để “an toàn” Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải khởi kiện ra Toà án với một quy trình tố tụng kéo dài đến hàng năm trong khi nội dung hợp đồng tín dụng đã nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia. Việc các cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án gặp nhiều vướng mắc trên thực tế do nhiều nguyên nhân dẫn đến thời hạn kéo dài, có vụ việc không biết bao giờ xử lý xong…
     Vì vậy, vấn đề đặt ra làm thế nào để tổ chức thi hành án liên quan đến Ngân hàng (án tín dụng) được nhanh và hiệu quả?
     Trong quá trình tổ chức thi hành, các cơ quan THADS đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ THA song theo tôi vẫn chưa đủ nên cần có giải pháp thiết thực hiệu quả hơn nữa như việc cần thiết phải  có trình tự, thủ tục thi hành án theo cơ chế riêng cho loại án tín dụng được quy định trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi tới đây vì trong tố tụng hình sự rất phức tạp còn có thủ tục rút gọn, tại sao trong thi hành án dân sự lại không có. Trong bài viết này tôi xin tập trung chủ yếu trình bày thủ tục rút gọn trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án đối với tài sản là quyền sử dụng đất. Thủ tục rút gọn trong THADS nói chung và đối với án tín dụng nói riêng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Nếu như mỗi giai đoạn thi hành án mà rút gọn được một hay một số thủ tục, trình tự thi hành án thì việc thi hành án đối với án tín dụng sẽ cải thiện được đáng kể thời gian và công sức của các Chấp hành viên, giảm bớt rủi ro trong quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên, kết quả thi hành án dân sự sẽ được nâng cao hơn.
     Trong thực tiễn thi hành án đối với án tín dụng tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều vướng mắc dẫn đến việc kéo dài thời gian thi hành án:
     +Diện tích đất  giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bên phải thi hành án có chênh lệch so với thực tế; Có nhiều trường hợp diện tích sử dụng nhiều hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng cá biệt có nhiều trường hợp diện tích đất phải kê biên khi Chấp hành viên đi khảo sát ít hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang cầm cố, thế chấp tại Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Chấp hành viên phải làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nhiều lần về diện tích đất thực tế tăng, giảm so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm được giải quyết vì thiếu quy chế phối hợp.
     + Cơ quan  quản lý đất đai cấp huyện và thành phố chưa phối hợp tốt với cơ quan thi hành án khi tiến hành đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới của thửa đất. Nhiều vụ việc Chấp hành viên đã tiến hành thuê các đơn vị có thẩm quyền đo đạc là Doanh nghiệp tiến hành đo vẽ, khảo sát diện tích đất. Nếu việc đo vẽ, khảo sát của Doanh nghiệp có cùng quan điểm với các cơ quan chuyên môn về đất đai thì không sao, nhưng có trường hợp một mảnh đất 2-3 đơn vị đo đạc cùng thực hiện nhưng không thống nhất được con số cuối cùng để kê biên quyền sử dụng đất.
     + Khi Chấp hành viên kê biên tài sản hoặc giao tài sản cho bên được thi hành án theo nội dung Bản án, quyết định thi hành án nhưng người nhận được tài sản, người mua được tài sản do trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức khác, dự án đang tạm dừng, dừng hoạt động; Diện tích đất sử dụng của chủ sử dụng đất cũ tăng thêm so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan cấp giấy chứng nhận QSDĐ không chấp nhận cấp phần diện tích tăng thêm mặc dù đất đó đã sử dụng ổn định lâu dài trước năm 1993, năm 2004; Trường hợp nhà xây trên đất chưa được cấp phép, hoặc cấp phép tạm khi bán đấu giá thành nhưng cũng không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…..
Những khó khăn trên ảnh hưởng lớn đến thời gian thi hành án, vì vậy trong trường hợp đương sự tự nguyện thi hành cần có thủ tục, trình tự rút gọn để thúc đẩy việc thi hành án nhanh hơn. Để thực hiện được ý tưởng trên cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan như:
     1. Đối với Ngân hàng và các tổ chức tín dụng:
Khi thực hiện hợp đồng tín dụng với khách hàng, Ngân hàng đã có bộ phận thẩm định giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất phải có thủ tục yêu cầu bên vay phải chứng minh được diện tích đất có kích thước trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kích thước trên thực tế gia đình đang sử dụng là một. Nếu có công trình trên đất việc cấp phép xây dựng phải cụ thể; Không chấp nhận việc cấp phép xây dựng tạm, cần thiết phải có xác nhận của UBND cấp xã, cấp quận về diện tích đất thế chấp giống như trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế thấp tại Ngân hàng. Đây là việc làm cần thiết vì trên thực tế nhiều quyết định công nhận của của Tòa án không đúng với thực tế dẫn đến việc thi hành án rất khó khăn và có vụ việc tồn đọng lâu vì lý do trên. Tài sản trên đất có thể không cần thủ tục trên nhưng cần có tài liệu chứng minh đã được cấp phép xây dựng trường hợp bên vay đã được cấp phép hoặc các giấy tờ khác liên quan đến tài sản trên đất. Làm được như vậy, Tòa án khi thụ lý không phải khảo sát tài sản và thi hành án cũng không phải khảo sát tài sản và sẽ kê biên tài sản được ngay theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
     2. Đối với cơ quan quản lý thi hành án, các cơ quan THADS địa phương:
     + Cần tham mưu ban hành một quy định, một chương riêng đối với án tín dụng, Kinh doanh thương mại, dân sự trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi thi hành một số loại án cụ thể, hoặc một số việc, loại việc tương tự làm sao rút gọn thủ tục thi hành án. Bởi quy trình cho vay của Ngân hàng là quy trình đặc biệt qua nhiều bước chặt chẽ. Ngân hàng áp dụng thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội; Nghị quyết số 63/2022 ngày 16/6/2022 của Quốc hội kéo dài Nghị quyết số 42  của Quốc hội thì cơ quan thi hành án cũng phải được áp dụng rộng rãi để thu hồi nợ xấu. Không có lý do gì đến giai đoạn thi hành án nhất là trường hợp đương sự tự nguyện giao tài sản kê biên, Chấp hành viên cứ phải thực hiện chung 1 quy trình cứng nhắc và nhiều thủ tục, trình tự như hiện nay. Vì vậy, cần có văn bản quy phạm pháp luật đặc thù thi hành án đối với một số việc và nhóm việc tương tự để rút ngắn thủ tục thi hành án đối với Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là thủ tục kê biên tài sản đã đảm bảo thi hành án giúp hợp đồng ký kết giữa các bên dễ dàng xử lý bởi một bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Ngân hàng làm được việc nêu trên thì đỡ cho cơ quan thi hành án rất nhiều thông báo thi hành án. Chấp hành viên sẽ không phải khảo sát tài sản khi kê biên điều này rất quan trọng và chắc chắn giúp cho việc rút ngắn được thời gian thi hành án.
     + Sửa đổi Luật THADS cần quy định  trường hợp đương sự hợp tác, tự nguyện thi hành án giao tài sản cho cơ quan thi hành án xử lý không có quyền khiếu nại, tố cáo trong thi hành án. Đương sự đã giao tài sản cho cơ quan thi hành án thì cũng như giao tài sản cho Ngân hàng. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản, cơ quan thi hành án cũng áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhằm giảm nhiều thủ tục không  nhất thiết phải có  trong trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án đồng thời giảm áp lực cho cơ quan thi hành án là rất lớn (nếu đương sự không tự nguyện thì có thể thực hiện quy định hiện hành). Đặc biệt, là cần xây dựng các quy định liên quan đến thủ tục, trình tự thi hành án theo hướng phải có lợi cho nhà nước (cụ thể cho các cơ quan thi hành án và Chấp hành viên) và cho người được thi hành án. Như hiện nay, đa số các quy định hiện hành trong Luật THADS đều có lợi cho bên phải thi hành án. Tránh trường hợp cùng xử lý nợ, Ngân hàng bán tài sản thì không sao nhưng chấp hành viên bán tài sản qua đấu giá thì lại quá nhiều quy trình dễ dẫn đến sai sót, nhiều trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự với những lỗi không đáng có.
     + Cần xây dựng quy chế phối hợp hoặc bổ sung Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án và Bộ Tài nguyên và Môi trường; giữa Tổng cục Thi hành án và Bộ xây dựng làm cơ sở để các cơ quan Thi hành án dân sự ký kết Quy chế phối hợp với các sở, ngành địa phương. Các quy chế này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khảo sát, đo đạc diện tích đất; Nhà ở trên đất trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành mà tài sản là nhà ở chưa được cấp phép xây dựng; Hoặc cấp phép xây dựng có sai phạm để đảm bảo quyền lợi của người mua được tài sản trúng đấu giá được cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự.


Theo Trần Đại Sỹ- Phó CCT Chi cục THADS Q. Hải An

Các tin đã đưa ngày: