Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành THADS, chúng tôi có dịp gặp lại bà Huỳnh Thị Son (Năm Son), nguyên Phó trưởng THADS tỉnh, được nghe bà chia sẻ nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 20 năm gắn bó với ngành.
Bà chia sẻ, đến với ngành như là một cơ duyên, từng tham gia công tác trong quân đội, rồi trải qua nhiều vị trí trước khi bước vào ngành THADS. Nhưng quãng thời gian hơn 20 năm làm chấp hành viên thực thi pháp luật là đáng nhớ nhất với nhiều kỷ niệm.
Ngày đó, điều kiện còn nhiều khó khăn, công tác THADS cũng không chuyên nghiệp như hiện nay. Những ngày đầu tiếp nhận công tác, bà Năm Son vừa là chấp hành viên kiêm luôn nhiệm vụ thư ký. Để có thể thi hành một bản án, cứ sáng sớm là bà xuống vỏ lãi của đơn vị rồi một mình rong ruổi trên những con kênh ở miệt Long Mỹ. Có khi đến nhà đương sự là đã quá trưa, làm xong công việc, bà lại ghé nhờ nhà bà con nấu vội bữa cơm rồi trở về cơ quan. Khó khăn là vậy, nhưng những ngày đó, bà Năm chưa một lần chùn bước.
Trong ngần ấy thời gian công tác, nhiều kỷ niệm vẫn in đậm trong tâm trí bà đến ngày hôm nay. Bà nhớ, có một trường hợp cấp dưỡng nuôi con thời điểm năm 1995, khi ấy đã là 29 tết, nhà của người nhận cấp dưỡng rất nghèo, có 2 mẹ con sinh sống. Tết sắp đến, nhưng người cha thì không làm nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Thấy hoàn cảnh đương sự quá khó khăn, bà đã cùng anh em trong đội thi hành án quyết định xuống tận nơi thuyết phục, buộc người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để người mẹ có tiền mua áo mới cho con.
Sau nhiều giờ… trao đổi, cuối cùng công việc thành công, nhưng ngày tết cũng đã cận kề, nhà đương sự thì quá xa nên không thể đến cơ quan thi hành án để nhận tiền. Thế là bà Năm Son lại lên chiếc vỏ lãi quen thuộc lần mò hơn một ngày đến tận nhà để trao tiền cấp dưỡng cho 2 mẹ con đương sự…
Sau cái tết đó, người mẹ đến cơ quan thi hành án tìm gặp và mua tặng bà một… ổ bánh mì, bà Năm Son không nhận, vì biết hoàn cảnh gia đình này rất khó khăn và gửi lại ổ bánh mì cho người mẹ mang về, còn người mẹ rối rít cảm ơn bà mà rơm rớm nước mắt.
Theo bà Năm Son, THADS cho dù trước đây hay bây giờ thì công tác dân vận, lấy dân làm gốc vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành bại khi giải quyết một vụ việc. Rất nhiều trường hợp sắp cưỡng chế nhưng qua công tác vận động cùng với sự giúp đỡ của người dân mà thi hành án thành công.
Đồng chí: Huỳnh Thị Son bên danh hiệu được tặng thưởng
vì những đóng góp cho công tác THADS của tỉnh nhà.
Bà nhớ lại một vụ việc cưỡng chế ở huyện Long Mỹ. Lần đó, đương sự cố tình không chấp hành bản án chia tài sản, khi đến nhà yêu cầu thi hành, bà nhận được tin báo từ bà con rằng có thể đương sự gài sẵn lựu đạn trong nhà.
Biết được, bà Năm chậm rãi bước vào nhà rồi cẩn thận xem xét mọi ngóc ngách nhưng không phát hiện gì, lúc này lại có tin báo của bà con rằng, có thể đương sự gài lựu đạn trong tủ áo. Với bản lĩnh của một người lính, bà bảo mọi người di tản, một mình bà bước đến nhẹ nhàng mở tủ và quả thật phát hiện một quả lựu đạn đã gài sẵn chốt, chỉ cần bất cẩn mở tủ là lựu đạn nổ ngay tức khắc…
“Lần đó, nếu không có sự giúp đỡ của người dân thì chắc tôi hy sinh rồi”, bà Năm Son cười nói.
Vốn là người hiền lành, nhưng đôi lúc bà Năm Son rất nóng tính với những bản án được tuyên chưa rõ ràng. Bà Năm cho biết, với những trường hợp như vậy, bà không thực hiện ngay mà tìm cách trao đổi, đấu lý với tòa. Khi lý lẽ giữa các bên đã thông suốt thì bà mới thi hành bản án, còn khi bản án chưa rõ ràng, ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến đương sự thì bà không nhúng nhường.
Dù đã rời công tác THADS hơn 7 năm, nhưng bà vẫn ngày ngày dõi theo từng bước đi của nhiều chấp hành viên trong ngành từng là học trò, đồng nghiệp. Rời xa ngành với nhiều ký ức buồn vui, nhưng là một cựu chấp hành viên, bà luôn mong mỏi công tác THADS tỉnh nhà đạt được nhiều kết quả cao, những người làm công tác THADS luôn giữ được sự tỉnh táo, tận tâm phục vụ nhân dân…
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO
Theo Báo Hậu Giang Online