Sign In

Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động thi hành án dân sự (thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016)

28/08/2023

Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động thi hành án dân sự (thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016)
Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-BTP ngày 09/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật THADS năm 2022, Tổng cục THADS được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Thông tưsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS. với những nội dung cơ bản sau:
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG THÔNG TƯ
Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động THADS có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2016 gồm 5 chương, 38 Điều, ban hành kèm 07 Phụ lục với 217 biểu mẫu nghiệp vụ được xây dựng căn cứ vào các quy định của Luật THADS năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014. Qua 06 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong đó việc quản lý hành chính và sử dụng các biểu mẫu nghiệp vụ về THADS được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả trong hệ thống THADS.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 01/2016/TT-BTP, sau 06 năm thi hành trên thực tế, một số vấn đề pháp lý mới phát sinh đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2016/TT-BTP, cụ thể như sau:
1. Ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật THADS, trong đó bổ sung quy định mới về ủy thác xử lý tài sản. Do đó, cần thiết phải quy định bổ sung các biểu mẫu sổ sách và biểu mẫu nghiệp vụ ủy thác xử lý tài sản trong Thông tư số 01/2016/TT-BTP nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất chung trong hệ thống THADS về nội dung mới này.
2. Ngày 14/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2020/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS, trong đó khoản 6 Điều 9 Thông tư này quy định: “Ngoài chứng từ kế toán được quy định tại Thông tư này, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quy định thêm danh mục và biểu mẫu chứng từ kế toán áp dụng cho các cơ quan THADS để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến kế toán nghiệp vụ THADS”. Để hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định này trong nội bộ ngành THADS, ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2030/QĐ-BTP ban hành danh mục biểu mẫu chứng từ, báo cáo kế toán nghiệp vụ THADS và quy trình in, ấn, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền thi hành án. Do đây là những nội dung mang tính quy phạm, được áp dụng nhiều lần và trên phạm vi cả nước, do đó, việc quy phạm hóa các quy định và biểu mẫu đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tại Quyết định số 2030/QĐ-BTP là cần thiết. Ngoài ra, ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP  quy định về hóa đơn, chứng từ trong đó có quy định về hóa đơn, chứng từ giấy và hóa đơn, chứng từ điện tử. Như vậy, để hướng dẫn cụ thể chứng từ kế toán áp dụng trong hoạt động của hệ thống các cơ quan THADS, việc bổ sung quy định biên lai giấy và biên lai điện tử trong dự thảo Thông  tư là cần thiết, qua đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS, kịp thời khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên lai giấy trong thực tiễn hiện nay.
3. Kết quả tổng kết, đánh giá 05 năm thực hiện Thông tư 01/2016/TT-BTP cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác THADS, Thông tư số 01/2016/TT-BTP cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng như các văn bản pháp luật mới được ban hành như biểu mẫu về sung công quỹ nhà nước đối với những khoản tiền đã hết thời hạn 5 năm mà người được thi hành án không đến nhận. Ngoài ra, một số lĩnh vực cụ thể có liên quan đến các biểu mẫu được ban hành trong Thông tư số 01/2016/TT-BTP đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính, biểu mẫu về giải quyết khiếu nại, tố cáo, biểu mẫu về tạm hoãn xuất cảnh .v.v. đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2016/TT-BTP nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và sự tương thích trong quản lý nhà nước về THADS với quản lý nhà nước ở các lĩnh vực khác.
Từ những cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trên, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 01/2016/TT-BTP, gồm:
(i) sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu nghiệp vụ về ủy thác xử lý tài sản theo quy định của Điều 55, 56, 57 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2022);
(ii) bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng biên lai giấy và biên lai điện tử trong THADS và các biểu mẫu chứng từ kế toán nghiệp vụ THADS thuộc thẩm quyền quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
(iii) những nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BTP).
Với phạm vi và dung lượng trong các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như đã đề cập ở trên, việc xây dựng, ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BTP là cần thiết thay cho việc chỉ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2016/TT-BTP như Kế hoạch ban đầu (theo Quyết định số 353/QĐ-BTP ngày 09/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự). Việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BTP sẽ bảo đảm sự thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình nghiên cứu và áp dụng các quy định về một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong hoạt động THADS.
II. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THÔNG TƯ
1. Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư: Thông tư được bố cục thành 05  Chương, 38 Điều và 08 Phụ lục kèm theo (từ Phụ lục I-VIII), cụ thể như sau:
Chương I: Quy định chung gồm 2 Điều (phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng). Về nội dung quy định: giữ nguyên như Thông tư số 01/2016/TT-BTP.
Chương II: Công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Chương này gồm 7 Điều (từ Điều 3 đến Điều 9), quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; quy định trình tự, thủ tục thay đổi, chấm dứt công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý THADS (Tổng cục THADS, Cục THA Bộ Quốc phòng); Cục THADS, Chi cục THADS và Phòng thi hành án cấp quân khu trong công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.
Về cơ bản nội dung trong Chương này không có điều chỉnh nội dung gì lớn so với Thông tư số 01/2016/TT-BTP.
Chương III: Một số thủ tục về quản lý hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự. Chương này gồm 20 Điều (từ Điều 10 đến Điều 29), được phân chia thành 4 Mục, trong đó Mục 1 quy định về giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản (từ Điều 10 đến Điều 12); Mục 2 quy định về hoạt động thu, chi tiền thi hành án (từ Điều 13 đến Điều 19); Mục 3 quy định về chế độ kiểm tra công tác thi hành án (từ Điều 20 đến Điều 25); Mục 4 quy định về chế độ báo cáo thi hành án (từ Điều 26 đến Điều 29).
Chương IV: Biểu mẫu nghiệp vụ thi hành trong thi hành án dân sự. Chương này gồm 7 Điều, phân chia thành 2 Mục, trong đó, Mục 1 quy định lập, sử dụng, bảo quản và lưu trữ sổ, hồ sơ thi hành án (từ Điều 30 đến Điều 32); Mục 2 quy định về biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự (từ Điều 33 đến Điều 36).
Chương V: Tổ chức thực hiện. Chương này gồm 2 Điều (Điều 37, Điều 38).
Ban hành kèm theo Thông tư gồm 08 Phụ lục:
Phụ lục I: Danh mục biểu mẫu sổ thi hành án dân sự (21 biểu mẫu);
Phụ lục II: Danh mục biểu mẫu bìa hồ sơ và dấu bút lục thi hành án dân sự (02 biểu mẫu).
Phụ lục III: Danh mục biểu mẫu Quyết định của Cục thi hành án dân sự (60 biểu mẫu).
Phụ lục IV: Danh mục biểu mẫu Quyết định của Chi cục thi hành án dân sự (59 biểu mẫu).
Phụ lục V: Danh mục biểu mẫu chứng từ kế toán (29 biểu mẫu) thu hút các nội dung từ Quyết định số 2030/QĐ-BTP ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp). 
Phụ lục VI: Danh mục biểu mẫu đơn, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, biên bản, lệnh xuất nhập kho, thẻ kho thi hành án dân sự (67 biểu mẫu).
Phụ lục VII: Biểu mẫu danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành (01 biểu mẫu).
Phụ lục VIII: Danh mục biểu mẫu báo cáo tình hình sử dụng biên lai (14 biểu mẫu) là các biểu mẫu thu hút từ Quyết định số 2030/QĐ-BTP ngày 30/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Những điểm mới sửa đổi, bổ sung của Thông tư so với Thông tư 01/2016/TT-BTP
Thông tư giữ nguyên 15 Điều, sửa đổi 20/38 Điều của Thông tư 01/2016/TT-BTP gồm các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, 16, 17, 18, 22, 25, 26, 27, 28, 30, 33, 35, 36, 37; bãi bỏ 02 Điều (Điều 14 quy định về Biên lai thu tiền thi hành án và Điều 36 ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS) và bổ sung 03 Điều là Điều 13 (quy định định nghĩa về Biên lai và các hình thức thể hiện của Biên lai); Điều 14 (quy định về Biên lai giấy trong THADS) và Điều 15 (quy định về Biên lai điện tử trong THADS); và 08 Phụ lục kèm theo với 252 biểu mẫu. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 89/252 biểu mẫu nghiệp vụ (trong đó sửa đổi, bổ sung 70 biểu mẫu, bãi bỏ 19 biểu mẫu), những nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 nhóm như sau:
(i) Những nội dung sửa đổi, bổ sung để thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2022);
(ii) Bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng biên lai giấy, biên lai điện tử và chứng từ kế toán trong THADS;
(iii) Những nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BTP;
(iv) Bãi bỏ một số biểu mẫu do đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Cụ thể như sau:
 2.1. Những nội dung sửa đổi, bổ sung để thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2022)
Để thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung năm 2022), Thông tưbổ sung 10 biểu mẫu và sửa đổi 01 biểu mẫu nghiệp vụ, gồm:
- Sửa Mẫu 09 “Sổ Ra quyết định ủy thác thi hành án và nhận quyết định ủy thác thi hành án” thành: Mẫu 06 “Sổ ra quyết định ủy thác thi hành án”, Mẫu 07 “Sổ nhận quyết định ủy thác thi hành án”. Bổ sung Mẫu 08 “Sổ ra quyết định ủy thác xử lý tài sản và Mẫu 09 “Sổ ra quyết định xử lý tài sản ủy thác” (bổ sung vào khoản 1 Điều 30[1], Mẫu 06, 07, 08, 09 Phụ lục I Thông tư);
- Bổ sung 02 Mẫu Quyết định về ủy thác xử lý tài sản (mẫu A56[2] Phụ lục IV;  mẫu B56[3] Phụ lục III dự thảo Thông tư);
- Bổ sung 02 Mẫu Quyết định xử lý tài sản ủy thác (mẫu A57[4] Phụ lục IV; mẫu B57[5] Phụ lục IV dự thảo Thông tư);
- Bổ sung Mẫu Thông báo về việc tạm dừng/tiếp tục/chấm dứt xử lý tài sản ủy thác (mẫu D32-THADS, Phụ lục VI dự  thảo Thông tư);
Bổ sung Mẫu Thông báo về kết quả thẩm định giá/thời điểm bán đấu giá/kết quả xử lý tài sản ủy thác (mẫu D33-THADS, Phụ lục VI dự  thảo Thông tư);  
- Sửa đổi Mẫu D17 Phụ lục VI về “Thông báo nhận ủy thác thi hành án” thành “Thông báo về nhận ủy thác thi hành án/nhận ủy thác xử lý tài sản”.
2.2. Bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng biên lai giấy và biên lai điện tử trong THADS
- Thông tư bổ sung 03 Điều (Điều 13, 14 và 15) về biên lai thi hành án trong đó: Điều 13 là các quy định chung về biên lai thu tiền thi hành án, Điều 14 quy định về biên lai giấy trong THADS (loại, hình thức biên lai, nội dung biên lai, đặt in biên lai, phát hành, quản lý sử dụng, báo cáo, thanh toán, theo dõi, tiêu hủy, xử lý trong trường hợp mất cháy hỏng, lưu trữ biên lai giấy trong THADS); Điều 15 quy định về biên lai điện tử trong THADS (nội dung biên lai, định dạng biên lai, đăng ký, thông báo sử dụng biên lai, hủy biên lai, xây dựng, tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin biên lai, biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia).
- Thông tư bổ sung 02 Phụ lục với 43 biểu mẫu, trong đó: Phụ lục V về danh mục biểu mẫu biên lai, với 29 biểu mẫu; Phụ lục VIII về danh mục biểu mẫu báo cáo tình hình sử dụng biên lai, với 14 biểu mẫu.
2.3. Những nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện Thông tư số 01/2016/TT-BTP
a) Đối với các điều khoản trong Thông tư 01/2016/TT-BTP
- Sửa Điều 4 nội dung, hình thức công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án
+ Sửa khoản 1 Điều 4 về nội dung công khai thông tin thì ngoài các thông tin khác thì: “Thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án gồm: họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án; số bản án, quyết định; quyết định thi hành án; nghĩa vụ chưa có điều kiện thi hành ánlý do chưa có điều kiện thi hành án”, nhằm đảm bảo ngắn gọn bao quát và đầy đủ các thông tin cần thiết của việc đăng tải thông tin.
+ Sửa khoản 2 Điều 4 về hình thức đăng tài thông tin sửa thành: “Thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án được công khai bằng hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử Cục THADS và Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp (sau đây goi tắt là Cổng/Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự).
 - Sửa Điều 5 về trình tự, thủ tục công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trong đó xác định rõ trong 5 ngày làm việc để các cơ quan THADS có trách nhiệm lập danh sách và đăng tải công khai.
 - Sửa  Điều 6 thay đổi, chấm dứt công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành như sau:
+ Sửa khoản 1 Điều 6 nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 62/2015/NĐ-CP theo đó Cục Thi hành án dân sự cập nhật thay đổi thông tin của người phải thi hành án thuộc trách nhiệm của cơ quan Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Chi cục Thi hành án dân sự kịp thời gửi thông tin cho Cục Thi hành án dân sự để cập nhật việc thay đổi.
+ Sửa khoản 2 Điều 6 trong đó quy định các trương hợp cơ quan THADS phải chấm dứt việc công khai thông tin trên Trang thông tin điện tử Cục THADS và Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS.
- Sửa Điều 7 trách nhiệm của cơ quan quản lý THADS trong việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện gồm có trách nhiệm của Tổng cục THADS và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và Điều 8 trách nhiệm của cơ quan THADS trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm Cục THADS; trách nhiệm của cơ quan thi hành án quân khu và tương đương; trách nhiệm của Chi cục THADS.
  - Bỏ từ “tạm giữ”: trong Mục 1 Chương 3 về giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ vì tài sản cơ quan THADS tiếp nhận bảo quản bao gồm vật chứng, tài sản tạm giữ và tài sản kê biên. Sửa thành: Giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 10 về giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ các nội dung sau:
 Khoản 1 Điều 10, nội dung : “Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra trong quân đội chuyển giao kể từ khi Viện kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng” sửa thành: “Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao theo quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát nhân dân” vì ngoài cơ quan điều tra của Công an và quân đội thì còn có một số cơ quan được giao một số hoạt động điều tra như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư. Đồng thời, để xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp Viện kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng nhưng cơ quan chuyển vật chứng chưa chuyển vật chứng cho cơ quan THADS.
- Sửa đổi bổ sung Điều 12 về xử lý đối với vật chứng, tài sản và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt các nội dung sau:
+ Bỏ quy định tại khoản 1 Điều 12 về nội dung: “1. Việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 124 Luật Thi hành án dân sự; Điều 32 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan” do đây là các quy định của Luật THADS và của Nghị định 62/2015/NĐ-CP cho nên không cần thiết đưa vào dự thảo Thông tư.
+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 nội dung “Trường hợp số tiền, tài sản phải nộp ngân sách lớn hơn số tiền, tài sản làm thủ tục hoàn trả thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đối trừ trực tiếp để làm thủ tục hoàn trả” và hồ sơ đề nghị hoàn trả trong trường hợp này không cần có văn bản đề nghị hoàn trả án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp số nộp ngân sách không đủ để thực hiện đối trừ trực tiếp thì mới có văn bản đề nghị hoàn trả án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản của cơ quan thi hành án dân sự trong hồ sơ đề nghị hoàn trả để giảm bớt thủ tục hành chính.
Ngoài ra trong Thông tư cũng bỏ nội dung không còn cần thiết tại điểm d khoản 4 Điều 13 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về: d) Xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan thi hành án dân sự, đương sự nộp tiền vào ngân sách Nhà nước (ghi rõ: tổng số án phí, tiền phạt, tịch thu đã nộp vào ngân sách Nhà nước; Kho bạc Nhà nước đã điều tiết cho ngân sách cấp nào hưởng và số tiền đó đã được hạch toán vào Chương, Loại, Khoản, Hạng, Mục và Tiểu mục nào của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành). Xác nhận do Giám đốc Kho bạc Nhà nước ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu”.
- Sửa tiêu đề Điều 16 về cách ghi, biên lai thu tiền thi hành án thành: Cách ghi, nhập thông tin biên lai thu tiền thi hành án để phù hợp với 2 loại biên lai là  biên lai giấy và biên lai điện tử. Đồng thời dự thảo cũng quy định trong trường hợp sử dụng biên lai giấy, người nộp tiền không biết chữ thì phải điểm chỉ, không được dùng các ký hiệu khác và người ghi biên lai ghi rõ ngón tay và bàn tay điểm chỉ của người nộp tiền. Phần người thu tiền là chữ ký của người trực tiếp thu tiền.  
- Sửa khoản 1 và 2 Điều 17 về trường hợp thu bằng tiền mặt trong hoạt động thi hành án dân sự phải nộp vào quỹ cơ quan thi hành án dân sự ngay trong ngày thu để xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp đương sự nộp tiền vào cuối ngày làm việc thì phải nộp vào quỹ cơ quan ngay đầu giờ làm việc của ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp thu tiền thi hành án bằng tiền mặt ở ngoài trụ sở cơ quan THADS thì phải nộp vào quỹ cơ quan ngay trong ngày làm việc đầu tiên khi về đến trụ sở.
- Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 01/2016/TT-BTP về Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án, nôi dung: đương sự khi đến nhận tiền, tài sản phải xuất trình tài khoản định danh điện tử theo quy định của pháp luật hoặc mang theo một trong các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phù hợp với Điều 14 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
- Bổ sung khoản 2 Điều 25 về trình tự, thủ tục kiểm tra theo đó Thông tư quy định giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định về trình tự, thủ tục và các biểu mẫu kiểm tra thi hành án dân sự để thực hiện thống nhất trong Hệ thống thi hành án dân sự.
- Sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định về công tác báo cáo thi hành án, cụ thể:
+ Sửa đổi khoản 1 Điều 26 về nguyên tắc báo cáo về thi hành án theo đó cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các báo cáo về thi hành án dân sự theo quy định.
+ Sửa đổi khoản 1 Điều 27 về các loại báo cáo trong thi hành án dân sự trong đó sửa “Báo cáo thường xuyên” thành: “Báo cáo định kỳ theo quy định trong Hệ thống thi hành án dân sự”.
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 28 về nội dung, phạm vi, thời hạn, phương thức báo cáo theo đó, Thông tư quy định giao cho: Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định về nội dung, phạm vi, thời hạn, phương thức báo cáo để thực hiện thống nhất trong Hệ thống thi hành án dân sự” và bổ sung một số loại báo cáo như báo cáo đầu từ công và báo cáo theo chế độ mật không thực hiện theo chế độ báo cáo về thi hành án dân sự.
- Bổ sung khoản 4 Điều 30 về lập, sử dụng và bảo quản các loại sổ thi hành án về các nội dung: (1) Thời gian mở và chốt sổ theo năm công tác THADS; (2) việc lập, quản lý, sử dụng, lưu trữ sổ THADS điện tử đối với các đơn vị sử dụng sổ THADS điện tử.
- Bổ sung khoản 2 Điều 35 về việc sử dụng biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự nội dung: “2.Quá trình tổ chức thi hành án, căn cứ tình hình thực tiễn, Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức THADS xem xét, quyết định lựa chọn sử dụng biểu mẫu, bổ sung các nội dung cần thiết phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và từng vụ việc THADS” do có sự bổ sung, sửa đổi thay thể của các văn bản pháp luật có liên quan.
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 36 “a) Đối với các loại quyết định, thông báo, giấy báo và giấy triệu tập về thi hành án (gọi chung là văn bản) đã phát hành có sai sót nhưng sai sót đó không làm thay đổi nội dung vụ việc thì thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính bằng văn bản đối với phần sai sót; trường hợp sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc thì phải ban hành văn bản thu hồi văn bản đã phát hành để thay thế bằng văn bản mới” để phù hợp với Điều 37 Luật THADS về các trường hợp thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án;
b) Đối với các biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án
- Bổ sung 05 biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án, cụ thể:
(i) Mẫu thông báo về lựa chọn tổ chức thẩm định giá và mẫu thông báo về lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 99 và 101 Luật THADS (Mẫu số D21, D23 Phụ lục VI).
(ii) Mẫu Quyết định sung công quỹ nhà nước đối với những khoản tiền đã hết thời hạn 5 năm mà người được thi hành án không đến nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 126, khoản 3 Điều 129 Luật THADS, điểm a khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/3020/NĐ-CP (mẫu A58[6] Phụ lục III, B57[7] Phụ lục IV).
(iii) Mẫu Thẻ theo dõi vật chứng, tài sản (D67 Phụ lục VI): Thông tư số 01/2016/TT-BTP hiện hành không ban hành mẫu này do đã được ban hành tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ kế toán thi hành án dân sự (mẫu S06a-THA). Tuy nhiên, hiện nay Thông tư này đã hết hiệu lực do bị thay thế bởi Thông tư số 78/2020/TT-BTC ngày 14/8/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ kế toán THADS và Thông tư này không ban hành mẫu Thẻ kho vật chứng, tài sản. Để thuận lợi cho công tác quản lý kho vật chứng trong hệ thống THADS, Thông tư bổ sung Mẫu Thẻ theo dõi vật chứng, tài sản tạm giữ. 
- Sửa đổi các biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án, cụ thể:
(i) Sửa Mẫu 16 Phụ lục I về Sổ theo dõi thu phí thi hành án thành Sổ ra quyết định thu phí thi hành án và bổ sung cột Quyết định thu phí thi hành án.
(ii) Sửa Mẫu 01 Phụ lục II về Bìa hồ sơ thi hành án theo hướng bổ sung phần ký xác nhận cho lưu trữ hồ sơ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS tại góc bên phải phía dưới trang 1 bìa hồ sơ để thực hiện Khoản 2 Điều 31 Thông tư 01/2016/TT-BTP[8]; chuyển phần ghi kết quả thi hành án sang trang 2 của bìa hồ sơ.
(iii) Sửa đổi phần căn cứ của Mẫu A51, A52  Phụ lục III và B51, B52 Phụ lục IV về thu phí thi hành án và miễn giảm phí thi hành án do hiện nay việc thu phí thi hành án và miễn giảm phí thi hành án được thực hiện theo Thông tư số 216/2016/T-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính.
(iv) Sửa Mẫu D04, D05, D06, D07, D08, D09, D10 và D30 Phụ lục VI là các biểu mẫu đơn yêu cầu thi hành án, đơn đề nghị thay đổi chấp hành viên, đơn đề nghị miễn giảm phí thi hành án… trong đó sửa đổi nội dung: đó trường hợp ủy quyền phải gửi kèm giấy ủy quyền hợp pháp và xuất trình tài khoản định danh điện tử theo quy định của pháp luật hoặc một trong các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phù hợp với quy định tại Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
(v) Sửa Mẫu D12 Phụ lục VI về giấy xác nhận kết quả thi hành án, trong đó bổ sung phần nghĩa vụ phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
(vi) Sửa Mẫu D65, D66 Phụ lục VI về lệnh nhập kho, lệnh xuất kho để thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02 /7/2013 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng theo đó: “Lệnh nhập kho, lệnh xuất kho ghi rõ chủng loại, số lượng, trọng lượng, đặc điểm của vật chứng, đồ vật, tài liệu khác cần nhập kho, xuất kho, lý do, thời gian nhập, xuất; họ và tên, chức vụ của người giao hoặc nhận; lệnh nhập kho, lệnh xuất kho phải có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ án”.
(vii) Sửa các biểu mẫu về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản xử phạt vi phạm hành chính (A59, A60 Phụ lục III; B58, B59 Phụ lục IV; D63 Phụ lục VI dự thảo Thông tư) để phù hợp biểu mẫu MQĐ01, MQĐ02, MBB01 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật THADS theo đó biểu mẫu trong Thông tưđã bổ sung phần căn cứ (bản án, quyết định và Quyết định thi hành án) và bỏ nội dung khởi kiện hành chính của Mẫu MQĐ01, MQĐ02, MBB01.
(viii) Sửa Phụ lục VII danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư theo đó: “Thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án gồm: họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án; số bản án, quyết định; quyết định thi hành án; nghĩa vụ chưa có điều kiện thi hành án, lý do chưa có điều kiện thi hành án”.
2.4. Bãi bỏ một số biểu mẫu do đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành
- Bãi bỏ các biểu mẫu 05, 06 Phụ lục I về Sổ Công văn đi, Sổ Công văn đến để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
- Bãi bỏ các biểu mẫu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để thực hiện theo Thông tư số 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về trình tự xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong THADS có hiệu lực thi hành từ ngày 13/02/2022. Các biểu mẫu bãi bỏ gồm: Mẫu 5 Phụ lục I; Mẫu A01, A02, A03 Phụ lục III; Mẫu B49, B50, B51 Phụ lục IV; Mẫu C46, C47, C48 Phụ lục V; Mẫu D16, D17 Phụ lục VI.
- Bãi bỏ các biểu mẫu B47, B47a, B47b, B48, B48a Phụ lục IV và C49, C49a Phụ lục V liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh để thực hiện theo Mẫu M01, M01c ban hành kèm theo Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh./.
(Thông tư và biểu mẫu đính kèm)

[1] Quy định về lập, sử dụng và bảo quản các loại sổ thi hành án;
[2] Áp dụng đối với Cục THADS;
[3] Áp dụng đối với Chi cục THADS
[4] Áp dụng đối với Cục THADS;
[5] Áp dụng đối với Chi cục THADS
[6] Áp dụng đối với Cục THADS;
[7] Áp dụng đối với Chi cục THADS;
[8] quy định thủ trưởng cơ quan thi hành án ghi và ký vào phía dưới góc phải của trang 01 của bìa hồ sơ


Theo Cổng TTĐT Tổng cục THADS

Các tin đã đưa ngày: