Sign In

Sự hình thành pháp luật về "Xác minh điều kiện thi hành án"

17/07/2018

Sự hình thành pháp luật về
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta. Tiếp đó, tại Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 đã thành lập các Tòa án quân sự, bước đầu thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của chế độ mới.
     Ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong chế độ mới; tiếp đó ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
     Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”. Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.
     Năm 1960, công tác thi hành án tiếp tục có thêm bước phát triển mới, đó là trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Như vậy, thay bằng quy định Thẩm phán vừa thực hiện công tác xét xử, vừa kiêm nhiệm công tác thi hành án dân sự thì theo quy định mới này từ năm 1960, tại các Tòa án nhân dân đã có nhân viên chấp hành án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thi hành dân sự.

     Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của pháp luật về thi hành án của Tòa án. Trong giai đoạn này, tuy pháp lệnh chưa quy định rõ về trình tự và thủ tục về công tác xác minh điều kiện thi hành án nhưng pháp lệnh thi hành án năm 1989 đã quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và thẩm quyền của Chấp hành viên, tạo nhiều thuận lợi hơn cho Chấp hành viên trong công tác xác minh điều kiện thi hành án.
     Khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 quy định:” Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc thi hành án. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh thi hành án dân sự 1989 quy định rõ về thẩm quyền của Chấp hành viên: “Yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án….”
     Sau ba năm thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 thì Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 được thay thế bằng Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993. Về cơ bản, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 đã có nhiều thay đổi, giải quyết được một số tồn tại vướng mắc của Pháp lệnh 1989 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 quy định công tác thi hành án thuộc về cơ quan thi hành án. Như vậy, đối với việc thi hành án và công tác xác minh giải quyết việc thi hành án do cơ quan thi hành án chủ động thực hiện.
Sau đó, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự quy định rõ hơn về xác minh thi hành án dân sự nhưng mới chỉ dừng lại việc quy định đây là trách nhiệm của chấp hành viên, chứ chưa quy định thủ tục, cách thức xác minh. Vì vậy, việc Chấp hành viên xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều khi thực hiện theo kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình công tác.

     Luật thi hành án dân sự năm 2008 thật sự là một bước đột phá của ngành thi hành án dân sự trên mọi mặt, mọi phương diện và đặc biệt là những quy định mới về công tác xác minh điều kiện thi hành án. Tạo tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ thi hành án một cách thuận lợi là cơ sở pháp lý an toàn để Chấp hành viên đưa ra những quyết định chính xác, mang lại hiệu quả cao nhất.
     Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 quy định tương đối cụ thể, toàn diện về xác minh điều kiện thi hành án được cụ thể hóa bởi hệ thống các văn bản dưới luật: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Nghị định số 125/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009; Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự.
     Cho đến hiện nay, vấn đề xác minh điều kiện thi hành án đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản toàn diện trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định 62/NĐ-CP).
Hữu Huy 
Văn phòng Cục

Các tin đã đưa ngày: