Mới đây, vợ chồng bà PTN (Kiên Giang) tiếp tục phải gõ cửa cơ quan thi hành án (THA) để yêu cầu thi hành một bản án đã có hiệu lực cách đây một năm. Tuy nhiên, một lần nữa, yêu cầu của đương sự lại bị cơ quan THA lắc đầu...
Khổ vì công văn, thông báo
Theo hồ sơ, tháng 8-2010, TAND TP Rạch Giá chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện buộc ông L. trả lại 60 m2 đất cho vợ chồng bà N. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang chấp nhận kháng cáo của phía bà N., sửa án sơ thẩm, tuyên bị đơn phải trả cho vợ chồng bà N. 190 m2 đất...
Cuối tháng 11-2011, Cục THA dân sự TP Rạch Giá đã ra quyết định THA theo yêu cầu của phía bà N. Tuy nhiên, năm tháng sau, TAND Tối cao gửi công văn yêu cầu cơ quan THA hoãn THA trong thời hạn 90 ngày để xem xét đơn khiếu nại của phía bị đơn.
Hết hạn hoãn THA, bà N. đến cơ quan THA yêu cầu được thi hành bản án nhưng cơ quan này vẫn lắc đầu. Nơi đây cho biết cơ quan thường trực tại phía Nam của TAND Tối cao vừa có thông báo là ngày 19-7, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm trên. Do vậy, cơ quan không thể đáp ứng yêu cầu của bà...
Trước thông tin này, vợ chồng bà N. bức xúc vì bản án đã có hiệu lực thì phải thi hành chứ không thể dựa vào công văn, thông báo của phía TAND Tối cao để truất bỏ quyền được THA của vợ chồng bà.
Phải tiếp tục THA
Bàn về việc này, luật sư Nguyễn Thành Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) phân tích, trong thực tiễn, trước khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan THA thường nhận được công văn hoặc thông báo đề nghị tạm hoãn THA của tòa, VKS hoặc của cơ quan THA cấp trên. Xét về khía cạnh pháp lý thì điều này là không ổn. Công văn hay thông báo không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không thể dùng để điều chỉnh bản án hoặc quyết định đang có hiệu lực. Đây chính là kẽ hở pháp luật dễ bị lạm dụng, gây khó khăn, lúng túng cho đơn vị thi hành pháp luật.
Một thẩm phán TAND Tối cao cũng nhìn nhận, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật THA dân sự, khi chưa có kháng nghị giám đốc thẩm thì bản án có hiệu lực phải được thi hành nếu có yêu cầu của đương sự. Nếu bên nào không tự nguyện THA thì bị cưỡng chế! Trở lại trường hợp cụ thể nêu trên, cơ quan THA dừng việc thi hành do có thông báo từ cơ quan thường trực tại phía Nam của TAND Tối cao là sai, là không có căn cứ pháp lý. Thông báo chỉ mang tính trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan, cơ quan THA không được dừng lại việc mình đang làm.
Nên có quy định chặt chẽ
Trong thực tế, tôi cũng thường gặp trường hợp cơ quan THA vẫn tổ chức THA dù có công văn, thông báo là vụ việc đang được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Sau khi có kháng nghị hủy án, tòa án các cấp xét xử lại đã cho ra kết quả không hoàn toàn giống như nội dung những bản án ban đầu. Trong khi đó, vụ việc đã được THA nên xuất hiện nhiều hệ lụy khó khắc phục.
Đây cũng là điểm vướng mắc cần được tháo gỡ. Tôi cho rằng cần có quy định rõ ràng, minh bạch cho phép cơ quan THA được tạm dừng thi hành khi vụ án đang được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm để tránh những hậu quả đáng tiếc. Thời gian này theo tôi phải càng ngắn càng tốt, ba tháng là khá lâu. Sau đó, nếu không có kháng nghị thì phải THA. Có như vậy mới đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi của người được THA lẫn người phải THA.
Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
HOÀNG YẾN