Sign In

Thiếu “thuốc chữa” doanh nghiệp chây ỳ thi hành án

23/09/2012

Trong nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án phải “bó tay” không thể thi hành án vì doanh nghiệp không có tài sản mặc dù vẫn hoạt động bình thường.

Luật Thi hành án (THA) hiện nay không quy định cho cơ quan THA được áp dụng những biện pháp chế tài mạnh đối với những doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động nhưng chây ỳ THA. Điều này dẫn đến một thực trạng là doanh nghiệp, tổ chức phải THA cứ nhởn nhơ hoạt động bình thường, lơ nghĩa vụ THA của mình.

Nỗi lo đòi quyền lợi

Tháng 7-2012, Công ty N. khởi kiện Công ty P. đòi hơn 100 triệu đồng tiền mua vật tư thiết bị thi công công trình. Trong buổi hòa giải, Công ty P. chấp nhận trả nợ như đơn khởi kiện nên TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Sau khi quyết định có hiệu lực pháp luật, Công ty N. làm đơn yêu cầu THA. Mặc dù Công ty P. vẫn hoạt động bình thường nhưng cơ quan THA không thể thi hành theo những gì mà công ty N. đã yêu cầu vì tài khoản của Công ty P. không có tiền ngoài ít bộ bàn ghế còn lại ở công ty…

Tương tự, tháng 6-2010, bà Đ. ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Văn phòng công chứng D. trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM). Trong quá trình làm việc, hai bên nảy sinh mâu thuẫn nên ngày 15-3-2011, văn phòng công chứng cho bà Đ. nghỉ việc.

Tháng 9-2011, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm, tuyên hủy quyết định của văn phòng công chứng; buộc phía này trả gần 50 triệu đồng cho phía bà Đ. Sau khi nhận đơn yêu cầu THA của bà Đ., chấp hành viên đã trả lại đơn yêu cầu vì văn phòng này không có tài sản, không có tài khoản mở tại ngân hàng (dù văn phòng vẫn hoạt động bình thường).

1

Luật chưa đầy đủ

Chấp hành viên Trần Quốc Khánh, Chi cục THA dân sự quận 8 (TP.HCM), phân tích Luật THA hiện nay vẫn thiếu chế tài đối với những trường hợp nêu trên. Nếu xác định doanh nghiệp đó vẫn còn hoạt động thì chấp hành viên sẽ làm việc với đối tác của công ty phải THA để xem giá trị của hợp đồng hợp tác làm ăn, thanh toán bằng cách nào nhằm lần tìm tài khoản của công ty này. Tuy nhiên, việc này cũng không phải dễ vì chấp hành viên khó mà biết được công ty đó đang làm ăn với đối tác nào. Hoặc như Văn phòng công chứng D. nói trên, họ không thực hiện chuyển khoản mà thu phí trực tiếp bằng tiền thì chấp hành viên cũng không biết đường nào để THA.

Ông Lê Minh Tánh, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 9 (TP.HCM) - nơi trực tiếp thi hành bản án của bà Đ., cho biết cơ quan THA sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế THA trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đó có tài sản mà không chịu tự nguyện THA. Ngược lại, mặc dù doanh nghiệp, tổ chức đó vẫn hoạt động nhưng khi xác minh mà không phát hiện được tiền, tài sản có giá trị thì cơ quan THA buộc phải trả lại đơn yêu cầu THA. Khi phát hiện tổ chức, doanh nghiệp đó có tài sản thì người được THA phải làm đơn yêu cầu THA lại. Trường hợp cụ thể của bà Đ. thì cơ quan THA quận 9 đã xác minh nhưng văn phòng công chứng không có tài sản nên đành chịu...

Cần nêu tên doanh nghiệp chây ỳ

Tổ chức doanh nghiệp chây ỳ THA hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên, vì thiếu quy định để chế tài nên doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường và có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch rồi tiếp tục nợ nần. Vì vậy, để những công ty khác có thông tin về doanh nghiệp mình sắp hoặc đang giao dịch thì cơ quan THA cần có trang thông tin điện tử ghi tên, địa chỉ của những doanh nghiệp, tổ chức chưa chịu THA. Khi nào doanh nghiệp đó THA xong thì mới gỡ bỏ tên trong danh sách. Tôi cho rằng việc này sẽ có tác dụng rất lớn nếu được triển khai một cách rộng rãi cho mọi người biết.

Một chấp hành viên Cục THA dân sự TP.HCM

Trói tay cơ quan THA

Hiện nay cơ quan THA căn cứ trên kết quả xác minh điều kiện THA để thi hành theo bản án, quyết định của tòa. Tuy nhiên, khi xác minh nếu thấy doanh nghiệp, tổ chức không có tài sản, THA cũng đành chịu thua mặc dù biết rõ doanh nghiệp đó vẫn còn hoạt động do Luật THA không cho phép cơ quan THA được quyền đề nghị đình chỉ kinh doanh. Đây cũng là một trong những kẽ hở để những doanh nghiệp, tổ chức né THA.

Ông LÊ HỮU HÒA, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 5, TP.HCM

Thắt chặt công tác hậu kiểm

Doanh nghiệp chây ỳ trong THA hiện nay rất nhiều với nhiều lý do khác nhau như doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, không có doanh thu, bỏ trốn khởi địa chỉ đăng ký kinh doanh… Vì vậy, cơ quan thuế, cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh cần kiểm soát chặt đối với nguồn thu của doanh nghiệp, tài khoản của doanh nghiệp đó. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ thuế. Bên cạnh đó, những thông tin hoạt động của doanh nghiệp cũng cần được cập nhật liên tục. Có làm như vậy thì khi cơ quan THA xác minh tài sản mới được thuận tiện. Cho đến nay có rất nhiều trường hợp cơ quan THA xác minh địa chỉ kinh doanh của công ty đó thì chẳng thấy đâu nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng doanh nghiệp đó còn hoạt động. Để THA đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tạo niềm tin của người dân vào công lý thì hơn hết cần thắt chặt công tác hậu kiểm hoạt động của doanh nghiệp.

Ông PHẠM NGỌC VŨ, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận Bình Thạnh, TP.HCM

 

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: