Một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài là có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án không thể xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của họ và người khác...
Theo nhiều chấp hành viên, các quy định pháp luật liên quan đang “chỏi” nhau, làm cho họ nhát tay, không dám tự mình yêu cầu tòa phân định tài sản thuộc sở hữu chung.
Luật cho phép, luật chưa dự liệu
Mới đây, TAND một tỉnh xử phúc thẩm đã tuyên buộc mẹ con bà H. phải liên đới trả nợ cho bà N. gần 700 triệu đồng và trả một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn không tự nguyện thi hành, bà N. đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện kê biên, cưỡng chế bán đấu giá lô đất mà chính quyền địa phương đã cấp cho hộ gia đình bà H. Tuy nhiên, Chi cục THA huyện có thông báo rằng không thể kê biên lô đất vì không thể xác định được phần tài sản của mẹ con bà H. trong khối tài sản chung này...
Với vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan THA hoàn toàn có quyền kê biên bán đấu giá và xác định được phần tài sản của mẹ con bà H. trong khối tài sản chung của hộ gia đình bà. Bởi khoản 1 Điều 74 Luật THA dân sự có quy định về việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung như sau: Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được THA, chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung để đảm bảo THA.
Đo đạc chuẩn bị cưỡng chế thi hành án một phần căn nhà. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, nhiều chấp hành viên lại cho rằng việc cơ quan THA chần chừ, nhát tay cũng có lý do chính đáng. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì chấp hành viên không có tư cách nguyên đơn để khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung. Do vậy, nếu chấp hành viên có khởi kiện thì tòa cũng sẽ trả lại đơn.
Sẽ kiến nghị để có hướng dẫn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy cho biết đây là một trong những khó khăn lớn của ngành THA nhưng đã có hướng tháo gỡ.
Theo ông Thủy, cần phải hiểu chuyện chấp hành viên yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung là yêu cầu một việc chứ không phải khởi kiện vụ án dân sự. Bởi nếu giữa chấp hành viên và người phải THA có phát sinh tranh chấp thì mới khởi kiện vụ án dân sự, ở đây chỉ là yêu cầu tòa xác định phần tài sản để THA. Về nghiệp vụ THA thì đây là việc làm cần thiết bởi tâm lý người phải THA là luôn trốn tránh nghĩa vụ nên họ không tự chủ động hoặc yêu cầu tòa phân chia.
Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 đã sửa đổi theo hướng tạo cho chấp hành viên có quyền yêu cầu như trên (khoản 7 Điều 26). Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ nên dẫn đến thực tế hiện nay chưa có vụ nào chấp hành viên tự đứng ra yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung cả.
Cũng theo ông Thủy, sắp tới, Tổng cục THA dân sự sẽ chủ động có công văn trao đổi với TAND Tối cao để đưa ra giải pháp gỡ vướng. Theo đó, có thể Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ ban hành nghị quyết hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp để ra thông tư liên ngành hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhằm tạo cơ chế đầy đủ, thuận tiện cho chấp hành viên áp dụng.
Rối ngay từ đầu!
Nhiều chấp hành viên cho rằng hiện họ gặp khó khăn ngay từ khâu xác định đâu là tài sản thuộc sở hữu chung khi đương sự cung cấp thông tin về tài sản để THA bởi các quy định liên quan chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng.
Chẳng hạn, người chồng phải THA nhưng ông này không có tài sản gì, chỉ sống nhờ vào số tiền lương hằng tháng của vợ. Trường hợp này, sổ lương của người vợ có phải là sở hữu chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay không, việc kê biên THA tiến hành như thế nào? Hoặc xác định tài sản thuộc sở hữu chung là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì tính từ mốc thời điểm nào, tính theo hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy đỏ hay chỉ từ lúc kê biên tài sản?
Không khả thi
Theo tôi, quy định của Luật THA dân sự cho chấp hành viên yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung là không khả thi, nên bỏ hẳn. Bởi nếu như vậy, hàng loạt vấn đề mới sẽ phát sinh, cần phải sửa luật: Nếu chấp hành viên là nguyên đơn thì có phải đóng tạm ứng án phí theo luật định không? Nếu chấp hành viên thua kiện thì họ có chịu móc tiền túi ra đóng án phí không hay trích từ ngân sách ngành? Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của chấp hành viên bị xâm hại trong tình huống này là gì, nếu họ thắng kiện thì họ sẽ được hưởng lợi gì? Trong khi đó, chấp hành viên chỉ là người thực hiện công vụ là thi hành phán quyết của tòa, việc yêu cầu của họ không xuất phát và mang lại lợi ích gì cho bản thân họ và cộng đồng cả.
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, ủy viên Ban Chấp hành Liên đoànLuật sư Việt Nam
Hướng dẫn phải thật rõ ràng
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã quy định yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để THA theo quy định của pháp luật về THA dân sự là một yêu cầu về dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Đây là một điểm mới mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 không có, nhằm “mở đường” cho người được THA, chấp hành viên thực thi quyền yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ với một quy định mới này thì vẫn chưa có gì rõ ràng cả, cần phải có hướng dẫn cặn kẽ về trình tự, thủ tục thì các chấp hành viên mới có thể mạnh dạn mà áp dụng.
Một chấp hành viên tại TP.HCM
|
THANH TÙNG