Sign In

Hội nghị tổng kết công tác Thi hành án dân sự năm 2021

22/10/2021

Chiều ngày 22/10/2021 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2021 với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo phòng chuyên môn, Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã trực thuộc và công chức Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Đồng chí Đỗ Ngọc Ba, Phó Cục trưởng đã báo cáo Hội nghị kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, trong đó đánh giá cụ thể kết quả đạt được đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo kết quả thi hành án dân sự toàn tỉnh ngày càng thực chất và bền vững. Kết quả một số lĩnh vực công tác cụ thể như sau:
* Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền
- Về việc: Tổng số giải quyết là 4.763 việc, trong đó số thụ lý mới là 3.892 việc. Số có điều kiện thi hành là 4.168 việc. Đã thi hành xong là 3.777 việc, đạt tỷ lệ 90,62%, vượt 7,62% chỉ tiêu được giao. Số chuyển kỳ sau 925 việc, giảm 1,7% so với năm 2020.
- Về tiền: Tổng số giải quyết là 708,3 tỷ đồng, trong đó số thụ lý mới là 364,9 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 447,6 tỷ đồng. Đã thi hành xong 254,9 tỷ đồng, tăng 108,5 tỷ đồng (tăng 174,13%) so với năm 2020, vượt 16,35% chỉ tiêu được giao. Số chuyển kỳ sau là 409,7 tỷ đồng, giảm 3,13% so với năm 2020.
Cục Thi hành án dân sự Lào Cai đã ban hành quyết định thi hành án đúng thời hạn, trình tự, thủ tục, nội dung chính xác. Việc ban hành quyết định chưa có điều kiện phù hợp với thực tế, đồng thời các đơn vị đã triển khai cập nhật phần mềm cơ sở dữ liệu người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Công tác phân loại án thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, trình tự, thủ tục xác minh, xác minh lại được thực hiện đúng quy định. Kết quả phân loại án đạt 88,64% số việc, 67,35% số tiền có điều kiện; 11,36% số việc và 32,65% số tiền chưa có điều kiện thi hành, hoãn, tạm đình.
* Công tác tổ chức, cán bộ
Công chức, người lao động chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan, không có công chức, người lao động có bị xử lý kỷ luật. Biên chế hiện có là 91/92 biên chế được giao và 25 lao động Hợp đồng. Công chức lãnh đạo, quản lý gồm có Cục trưởng, 3 Phó Cục trưởng, 4 Trưởng phòng, 3 Phó trưởng phòng; 9 Chi cục trưởng, 10 Phó Chi cục trưởng. Cơ cấu ngạch công chức có 41 Chấp hành viên, 8 Thẩm tra viên, 18 Thư ký, 04 Chuyên viên, 11 kế toán, 06 cán sự, 03 công chức khác. Về công tác quy hoạch, bổ nhiệm: Cục đã hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan Thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2026. Về công tác điều động, luân chuyển, biệt phái: Tổng cục trưởng điều động 01 công chức; Cục trưởng ban hành 04 quyết định điều động; 02 quyết định biệt phái công chức giữa các cơ quan THADS trong tỉnh. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch công chức: Quyết định cử 2 công chức đi học lớp nghiệp vụ Thư ký THA; 3 công chức học Trung cấp lý luận chính trị; 1 công chức học Thạc sĩ Luật; 6 công chức học bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 1 công chức học lớp Bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên; 1 công chức đi học bồi dưỡng CHV cao cấp, 4 công chức đi học bồi dưỡng CHV trung cấp; cử 7 công chức tham dự kỳ thi nâng ngạch công chức do Bộ Tư pháp tổ chức. Về công tác tuyển dụng, nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, Hợp đồng lao động: Không phát sinh công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức; 01 công chức nghỉ hưu, 01 công chức nghỉ thôi việc; chuyển đổi 23 Hợp đồng lao động theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ký hợp đồng lao động mới với 1 người lao động; chấm dứt HĐLĐ đối với 7 người lao động.
* Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm sát
Cục đã ban hành Kế hoạch kiểm tra đối với các Chi cục, đồng thời chỉ đạo các đơn vị ban hành kế hoạch và thường xuyên thực hiện việc tự kiểm tra. Cục đã tiến hành kiểm tra 5 đơn vị. Cục, các Chi cục đã tiến hành tự kiểm tra và báo cáo kết quả tự kiểm tra theo quy định.
Hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm sát của các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm, hiệu quả quy định của pháp luật hiện hành về THADS; góp phần kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các vi phạm, thiếu sót phát sinh trong quá trình tổ chức việc thi hành án. Về kết quả kiểm sát, giám sát: Tổng số cuộc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền là 5 cuộc (4 cuộc giám sát, 1 cuộc kiểm tra). Viện KSND các cấp đã thực hiện các cuộc kiểm sát theo quy định và ban hành kiến nghị theo thẩm quyền.
* Về kinh phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc
Công tác quản lý tài chính ngân sách được quan tâm, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Chế độ thu, chi, lập chứng từ, cập nhật sổ sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu quyết toán. Việc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan THADS toàn tỉnh đã thực hiện rà soát để hạn chế, cắt giảm, tiết kiệm chi phí hành chính, đảo bảo yêu cầu hoạt động.
* Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự
Công tác THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, BCĐ THADS các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động của BCĐ THADS ngày càng hiệu quả. Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được các cơ quan THADS  quan tâm, chú trọng. Các Quy chế phối hợp liên ngành được thực duy trì trong các hoạt động giao, nhận vật chứng, tài sản tạm thu; chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; xác minh thi hành án; thu, chi tiền, tài sản thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; xử lý vật chứng, tài sản; kiểm sát thi hành án, thông báo các văn bản về thi hành án. Công tác phối hợp giữa Cục THADS với cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường, nhất là trong công tác cán bộ, chỉ đạo giải quyết các vụ lớn, phức tạp.
*  Một số mặt công tác khác
Công tác thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và phòng, chống tham nhũng: Việc thực hiện Quy chế dân chủ tại Cục, Chi cục gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của công chức, người lao động trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Về cải cách hành chính, ứng dụng CNTT: Các phần mềm quản lý chuyên ngành  được khai thác, sử dụng, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy, tăng cường sử dụng hệ thống xử lý văn bản trên môi trường mạng như ký số, giao việc trên phần mềm, lưu trữ điện tử; triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động THADS đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành; đẩy mạnh việc số hoá hồ sơ nghiệp vụ.
Tuy nhiên công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như  tỷ lệ giải quyết về tiền một số đơn vị còn thấp; việc số hóa hồ sơ có lúc còn chậm; công tác phối hợp trong thi hành án trong một số trường hợp cụ thể hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc đôn đốc, xác minh thi hành án, thông báo thi hành án, việc cưỡng chế kê biên tài sản. Điều kiện kinh tế, xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa bàn nhiều dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc thiểu số; ý‎ thức ‎chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế. Các vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, phức tạp ngày càng tăng, số tiền phải thi hành án lớn chủ yếu là án dân sự, án tín dụng ngân hàng có tài sản kê biên không bán được, bán đấu giá nhiều lần hoặc đương sự có tài sản nhưng đang thế chấp tại ngân hàng với số dư rất lớn trong khi quá trình tổ chức THADS phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, nhiều vụ việc thi hành bị kéo dài không thể thi hành dứt điểm ngay được; nhiều trường hợp đương sự không có điều kiện thi hành, không có tài sản, thu nhập để thi hành án. Ngư­­ời phải thi hành án đang chấp hành hình phạt hoặc chấp hành xong hình phạt như­­ng không trở về địa phương hoặc có những vụ việc đương sự là người nước ngoài cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, cơ quan THADS luôn đối mặt nhiều khó khăn từ đặc thù của công việc như: Thái độ chống đối của đương sự; việc cố tình trì hoãn, tẩu tán tài sản, trốn tránh; khiếu nại, tố cáo sai sự thật; tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần không có người mua dẫn đến án tồn đọng, kéo dài...
Hội nghị cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo kết quả công tác năm 2021 và xây dựng Kế hoạch công tác năm 2022 sau khi có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính trong thời gian tới, đồng chí Cục trưởng Lê Anh Tuấn kết luận:
Các cơ quan Thi hành án dân sự toàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được giao. Căn cứ Chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ngành, của địa phương, Quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đơn vị, Chấp hành viên; Xây dựng Kế hoạch công tác năm 2022 theo quy trình đã được hướng dẫn. Chú trọng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Tập trung thi hành hiệu quả các việc thi hành án có điều kiện thi hành, năm 2022  tiếp tục thực hiện phương châm “Lấy kết quả thi hành án làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ” đối với cơ quan thi hành án và từng Chấp hành viên. Quản lý chặt chẽ các khoản tiền, tài sản, tang vật thi hành án; thực hiện về kế toán nghiệp vụ, thu, nộp kịp thời, đầy đủ các khoản tiền, phí thi hành án theo quy định. Chú trọng thu tiền thi hành án qua tài khoản. Tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, đề xuất kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo các vụ việc trọng điểm, phức tạp; tng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, án tín dụng ngân hàng, các đơn vị bán đấu giá tài sản. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là việc sử dụng Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê kết quả thi hành án, đảm bảo kịp thời cập nhật dữ liệu lên Phần mềm ngay tại thời điểm phát sinh hoặc ngay sau khi phát sinh, không giao tài khoản phần mềm cho người khác sử dụng để bảo đảm an toàn thông tin. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; yêu cầu các đơn vị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, giáo dục công chức, người lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác; thực hiện đánh giá, phân loại công chức, người lao động đảm bảo chính xác, hiệu quả, thực chất.Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể. Xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án, không để phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự.
 
                                            VPC

Các tin đã đưa ngày: