Sign In

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự

19/07/2018

        Thi hành án dân sự là hoạt động quan trọng nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự sử dụng nhiều biện pháp để tác động tới ý thức của người phải thi hành án để động viên, thuyết phục họ tự nguyện thi hành án hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tác động trực tiếp đến các quyền nhân thân, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành dứt điểm các bản án, quyết định. 
       Bởi vậy, hoạt động thi hành án dân sự rất phức tạp, có nhiều vụ việc muốn giải quyết được phái liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chính điều này tạo nên mối quan hệ đan xen: quan hệ phối hợp ngang cấp; giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; quan hệ giám sát, chế ước, tương hỗ trong hoạt động thi hành án giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Các quan hệ này có thể là các quan hệ hành chính; quan hệ tố tụng,...ví dụ: quan hệ với Viện kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động thi hành án; quan hệ với Tòa án trong chuyển giao bản án, quyết định, đính chính, giải thích bản án, quyết định; quan hệ với chính quyền địa phương trong thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án,...  

       Nhằm tắng cường công tác phối hợp, Cục Thi hành án dân sự đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất ban hành các quy chế phối hợp để triển khai thực hiện ở hai cấp tỉnh và huyện, như: Quy chế số 01/QCLN/CTHADS-CA-TAND-VKSND ngày 29/4/2014 giữa Cục Thi hành án dân sự với Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Quy chế số 01/QCPH/NHNN-CTHADS ngày 27/8/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai; Quy chế số 02/QCPH-CTHADS-BHXH ngày 14/9/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự với Bảo hiểm xã hội tỉnh về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở các Quy chế đã ký kết tại địa phương, các Ngành đã chủ động triển khai thực hiện, phát huy vai trò phối hợp, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động thi hành án dân sự, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan Tòa án, giải quyết việc thi hành án, thực hiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành, đảm bảo đúng trình thự, thủ tục pháp luật quy định, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Theo kết quả thống kê của Cục Thi hành án dân sự, kết quả thi hành án dân sự hàng năm của các cơ quan Thi hành án tỉnh Lào Cai đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, cụ thể:
Năm 2016 các cơ quan Thi hành án tỉnh Lào Cai thụ lý 4.970 việc = 110.820.486.000đ, đã giải quyết xong 3.710 việc = 42.821.071.000đ (đạt tỷ lệ 92% về việc, 50% về tiền, vượt 19% về việc, 16% về tiền so với chỉ tiêu được giao).
Năm 2017 các cơ quan Thi hành án tỉnh Lào Cai thụ lý 5.122 việc = 117.057.053.000đ, đã giải quyết xong 3.990 việc = 51.065.342.000đ (đạt tỷ lệ 94% về việc, 74% về tiền, vượt 21% về việc, 40% về tiền so với chỉ tiêu được giao).

       Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác phối hợp trong thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Các quy định của pháp luật Tố tụng và Luật Thi hành án dân sự vẫn còn những điểm chồng chéo, không rõ ràng dẫn đến khó khăn cho cơ quan Thi hành án trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như trong phối hợp với các cơ quan liên quan. Nhận thức về Chấp hành viên, về cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt là về công tác thi hành án dân sự có nơi còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, có trường hợp cho rằng Chấp hành viên không thể chỉ đạo các ngành trong tổ chức cưỡng chế,... Một số cơ quan tham gia phối hợp trong thi hành án dân sự còn mang tính chiếu lệ, né tránh, ngại va chạm, hoặc can thiệp quá sâu về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự. Việc thực hiện phối hợp trong thi hành án dân sự có lúc còn thiếu thống nhất trong giải quyết một số vụ việc cụ thể, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

       Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phối hợp trong thi hành án dân sự.

       Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc biệt là pháp luật về thi hành án dân sự nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, bảo đảm nhận thức đúng đắn về công tác thi hành án dân sự, về cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên, cũng như nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án dân sự.

       Ba là, tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống các cơ quan thi hành án ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự trong bộ máy nhà nước, bảo đảm xứng tầm và đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

       Bốn là, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định trong thực hiện nhiệm vụ; có phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp tạo sự tin cậy, đồng thuận của các bên trong phối hợp.
   
       Năm là,
xây dựng và duy trì mối quan hệ phối hợp một cách thường xuyên, liên tục và ổn định, đảm bảo phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan.
       Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự là một công tác quan trọng. Tuy nhiên, thiết lập được mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành, các tổ chức đã là việc khó, duy trì và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thi hành án dân sự lại là điều không dễ dàng gì đối với lãnh đạo cũng như chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự. Vấn đề đòi hỏi người đứng đầu của mỗi cơ quan Thi hành án dân sự nêu cao vai trò, trách nhiệm luôn biết chủ động, kịp thời tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng các mối quan hệ phối hợp đa phương, đa dạng nhưng có trọng tâm, trọng điểm và chăm lo nuôi dưỡng các mối quan hệ đó ngày một tốt hơn, tạo thuận lợi cho Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự không ngừng rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp,kỹ năng phố hợp cũng như kỷ luật công vụ, chung sức xây dựng ngành Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, bền vững, tạo niềm tin và sự bình đẳng trong các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự./.
          Chu Thị Thúy Hằng -  Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: