Sign In

Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác theo dõi thi hành án hành chính

14/08/2019

Thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần thượng tôn pháp luật. Với ý nghĩa đó, hoạt động thi hành án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nguyên tắc Hiến định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án nói chung và công tác thi hành án hành chính (THAHC) nói riêng.
Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật TTHC năm 2015 thay thế Luật TTHC năm 2010. Cụ thể hóa Luật TTHC năm 2015, ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã quy định trình tự, thủ tục THAHC, theo dõi THAHC và trách nhiệm của các cơ quan liên quan về công tác THAHC, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THAHC trong phạm vi cả nước; hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) được giao trách nhiệm theo dõi THAHC.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định: “THAHC là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật TTHC năm 2015, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính”. Việc thực hiện theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Về trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính:
Việc thực hiện theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự được thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1:
- Tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP);
- Đọc, phân loại bản án, quyết định:
+ Bản án, quyết định có nội dung theo dõi: Là những bản án, quyết định mà Tòa án tuyên chấp nhận toàn bộ hoặc chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
+ Bản án, quyết định không có nội dung theo dõi: Là những nhĩrng bản án, quyết định mà Tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
- Phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính (Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
Bước 2:
Ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án (Khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP). Nội dung thông báo tùy vào từng trường hợp cụ thể sau đây:
+ Đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chỉ có nội dung tuyên hủy quyết định hành chính, tuyên trái pháp luật đối với hành vi hành chính mà không có nội dung buộc cơ quan hành chính, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ công vụ nhất định thì trong văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị người phải thi hành án như sau: Đình chỉ thực hiện hành vi hành chính bị tuyên trái pháp luật; thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan biết việc quyết định hành chính bị Tòa án tuyên hủy đã hết hiệu lực một phần hoặc toàn bộ kể từ thời điểm Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành; Khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định trong trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được thực hiện trước khi bị Tòa án tuyên hủy, tuyên trái pháp luật.
+ Đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiêm vụ, công vụ là trái pháp luật thì văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án có nội dung đề nghị người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.
+ Đối với các trường hợp khác thì nội dung thông báo thực hiện theo đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Bước 3:
Trong trường hợp vụ việc có Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án (khoản 3 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
- Gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc thi hành án hành chính trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp: Việc công khai thông tin và chấm dứt công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính được thực hiện theo Quyết định số 1246/QĐ-TCTHADS ngày 27/12/2017 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quy chế công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính.
- Ngoài ra, trong từng trường hợp thi hành án hành chính cụ thể, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền triệu tập các bên đương sự để lập biên bản về việc không thi hành bản án, quyết định tuyên hủy quyết định buộc thôi việc (khoản 2 Điều 17 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP); lập biên bản về việc không thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án.
- Có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Bước 4:
Cập nhật thông tin tình hình thi hành án hành chính vào hồ sơ theo dõi thi hành vụ việc và báo cáo đột xuất hoặc định kỳ tình hình theo dõi thi hành án hành chính theo quy định hoặc theo yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện theo dõi thi hành án hành chính nêu trên, Cơ quan Thi hành án dân sự có quyền:
+ Yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành;
 + Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án, Thủ trường trực tiếp của người phải thi hành án cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án (khoản 4  Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
2. Về hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính:
Chấp hành viên được phân công có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính, cập nhật và bổ sung đầy đủ các tài liệu vào hồ sơ vụ việc. Hồ sơ gồm:
a) Quyết định phân công Chấp hành viên theo dõi thi hành án hành chính;
b) Bản án, quyết định của Tòa án;
c) Văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án;
d) Thông báo kết quả thi hành án hành chính;
đ) Quyết định buộc thi hành án hành chính, nếu có;
e) Các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, nếu có;
g) Quyết định xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, nếu có;
h) Các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ thi hành án hành chính phải thể hiện toàn bộ quá trình theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
                                          Thúy Hằng – Phòng Nghiệp vụ & TCTHADS

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: