Vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tổ chức họp giao ban giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh với các tổ chức Tín dụng - Ngân hàng thương mại (các tổ chức Tín dụng).
Đến dự và phát biểu tại cuộc họp giao ban có Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Long An và lãnh đạo, cán bộ các tổ chức Tín dụng trên địa bàn tỉnh Long An.
Thành phần Cục THADS tỉnh họp giao ban có các Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Phó Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh.
Kết quả THADS đối với các khoản thu cho các tổ chức Tín dụng 8 tháng năm 2018 theo niên độ THADS: Tổng số việc thụ lý là 992 việc với số tiền 2.673.282.403.000 đồng, trong đó: thi hành xong 143 việc, đạt tỷ lệ 14,42% tổng số việc phải thi hành án và số tiền thu được 238.058.372.000 đồng, đạt tỷ lệ 8.91% tổng số tiền phải thi hành án; còn lại: 849 việc với số tiền 2.436.823.632.000 đồng đang tổ chức thi hành án, trong đó gồm: đang thi hành: 583 việc với số tiền 2.072.935.569.000 đồng; hoãn thi hành án: 15 việc với số tiền 23.425.505.000 đồng; tạm đình chỉ thi hành án: 01 việc với số tiền 1.192.675.000 đồng; đang trong thời gian tự nguyện thi hành án: 16 việc với số tiền 26.693.084.000 đồng; chưa có điều kiện thi hành án theo Điều 44a: 234 việc với số tiền 304.646.369.000 đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức THADS đối với các khoản thu cho cho các tổ chức tín Tín dụng cũng còn những mặt tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Tài sản kê biên (có quyền sử dụng đất) qua nhiều lần bán đấu giá không thành, không có người mua nhưng các tổ chức Tín dụng không nhận hoặc còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ tiền thi hành án theo quy định của Luật THADS; Tài sản thế chấp là sà lan, tàu kéo, xe bánh xích chuyên dùng…nhưng khi Chấp hành viên kê biên thì tài sản không còn do hư hỏng trước đó hoặc đã bán cho người khác hay đưa đi hoạt động ở nơi khác mà địa chỉ không rõ ràng phần nào gây khó khăn trong quá trình giải quyết việc thi hành án, mặt khác nhiều trường hợp người phải thi hành án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thiếu hợp tác, người phải thi hành án trốn tránh gây khó khăn cho việc xử lý tài sản thế chấp; Một số đại diện theo ủy quyền của tổ chức Tín dụng tham gia việc thi hành án chưa thực hiện đầy đủ quyền theo ủy quyền phải về xin ý kiến Hội sở nên kéo dài thời gian thi hành án, chưa có sự phối hợp tốt giữa Chấp hành viên với tổ chức Tín dụng ; Doanh nghiệp là bên phải thi hành án thông qua khiếu nại, tố cáo nhiều lần trong một việc thi hành án gây khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án; Một số Chấp hành viên chưa quyết liệt, chủ động trong việc tổ chức thi hành án, còn nhiều vụ việc thi hành án Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án, chưa thật sự kiên quyết áp dụng các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành án.
Các ý kiến đóng góp của các tổ chức Tín dụng, lãnh đạo Cục THADS tỉnh có giải đáp, tiếp thu, có chỉ đạo cho các cơ quan THADS trong tỉnh thực hiện.
Để tiếp tục có chuyển biến trong THADS đối với các khoản cho các tổ chức Tín dụng trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh đề nghị:
+ Đối với các cơ quan THADS trong tỉnh cần phải tập trung thi hành án:
- Các việc có tài sản đảm bảo thi hành án dân sự thì phải khẩn trương kê biên xử lý tài sản theo qui định pháp luật. Việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, Chấp hành viên phải linh hoạt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
- Các việc đã cưỡng chế kê biên tài sản phải khẩn trương tiến hành thẩm định giá, bán đấu giá kịp thời, liên tục theo qui định pháp luật.
- Quá trình tổ chức thi hành án phải chặt chẽ, kịp thời, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên giải quyết những việc có giá trị lớn nhằm giảm nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội góp phần đạt tỷ lệ trên giao.
- Thường xuyên cập nhật và cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án trong các vụ án do cơ quan THADS mình thụ lý giải quyết cho các tổ chức Tín dụng.
+ Đối với các tổ chức Tín dụng:
- Đề nghị các tổ chức Tín dụng phối hợp tốt hơn nữa, cung cấp các thông tin, giấy tờ có liên quan cho Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự khi có yêu cầu.
- Tích cực, chủ động hơn nữa phối hợp với các Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự trong kê biên, xử lý tài sản thi hành án; kịp thời thông báo kết qủa thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
- Đề nghị các tổ chức Tín dụng cử người đại diện, người đại diện theo ủy quyền toàn quyền quyết định việc thi hành án.