|
Ảnh đại diện: Chi cục THADS huyện Ninh Sơn
|
Để giải quyết những vụ việc có giá trị thi hành án lớn, phức tạp, Chấp hành viên phải tiến hành nhiều thủ tục như thông báo, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án… Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì thực tế đã xảy ra trường hợp không chấp hành, thậm chí chống đối, bất hợp tác của đương sự, người phải thi hành án.
Thứ nhất: Khi tiếp nhận quyết định thi hành án được phân công tổ chức thi hành, Chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Đối chiếu giữa quyết định thi hành án với phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án tránh tình trạng hồ sơ đang hoặc đã tổ chức thi hành án xong mới phát hiện ra quyết định thi hành án có vấn đề.
Thứ hai: Xác định rõ các công việc cần phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án, các vấn đề cần phải xác minh, làm rõ về điều kiện thi hành án, tài sản bảo đảm của người phải thi hành án... để có sự phân bổ thời gian giải quyết phù hợp, tránh tình trạng chậm hoặc bỏ sót thủ tục thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên phải tuân thủ chặt chẽ các thủ tục về thi hành án (về cả hình thức lẫn nội dung) cũng như thực hiện lưu trữ đầy đủ các tài liệu.
Thứ ba: Trước khi kê biên, xử lý tài sản thì Chấp hành viên cần làm việc với chính quyền địa phương để tuyên truyền, giải thích rõ nghĩa vụ thi hành án để chính quyền nắm được thông tin, có sự chia sẻ và hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình kê biên, xử lý tài sản.
Thứ tư: Đối với doanh nghiệp phải thi hành án, Chấp hành viên nên thực hiện các quyền mà pháp luật đã cho phép như cấm xuất cảnh để hạn chế người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dời khỏi Việt Nam gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
Thứ năm: Tiến hành kiểm tra năng lực của các tổ chức làm dịch vụ liên quan đến quá trình tổ chức thi hành án như: tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản … trước khi quyết định lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ. Khi ký các hợp đồng dịch vụ Chấp hành viên phải xác định rõ thời hạn mà các tổ chức đó phải hoàn thành tránh tình trạng kéo dài làm ảnh hưởng đến thời gian tổ chức thi hành án, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng đặc biệt là hợp đồng với các tổ chức đấu giá nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo nội dung đã ký kết và đúng quy định pháp luật.
Thứ sáu: Trước khi thực hiện việc kê biên, Chấp hành viên phải xác định rõ các khoản thuế, phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và trách nhiệm nộp cũng như khả năng nộp (đối với trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp), các loại thuế, phí khác mà người phải thi hành án còn nợ (nếu có) … trên cơ sở đó thông báo công khai để người có nhu cầu đăng ký mua tài sản biết, cân nhắc trước khi quyết định.
Thứ bảy: Đối với án tín dụng, ngân hàng,Chấp hành viên chỉ tiến hành làm việc đại diện của tổ chức tín dụng, ngân hàng khi họ được ủy quyền. Chấp hành viên phải yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải nộp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất ngay sau khi kê biên (yêu cầu này phải được thể hiện bằng văn bản), trường hợp các tổ chức tín dung, ngân hàng không chấp hành Chấp hành viên nên tiến hành xử phạt vi phạm về hành chính.
Thứ tám: Chấp hành viên phải thực hiện việc cung cấp thông tin trong trường hợp kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản thi hành án theo đúng quy định.
Thứ chín: Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo, giải quyết.
Thứ mười: Bên cạnh đó, công tác dân vận khéo trong THADS là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Chấp hành viên tăng cường công tác hòa giải, kiên trì vận động, thuyết phục, giải thích các quy định, kiến thức pháp luật, tạo niềm tin, chia sẻ. Chủ động phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan; nhất là trong công tác xác minh, vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án, cưỡng chế thi hành án. Qua đó giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hiệu quả:Với việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả THADS 12 tháng năm 2020 (từ 01/10/2019 đến 18/9/2020) Về việc (tổng thụ lý là 978 việc), kết quả: đạt tỷ lệ 81,02% vượt chỉ tiêu giao (80.5%) là 0.52%. Về tiền (tổng thụ lý là 30 tỷ 287 triệu 657 nghìn đồng), kết quả: đạt tỷ lệ đạt 38% số tiền có điều kiện, Các mặt công tác khác đều hoàn thành xuất sắc.
Chi cục THADS huyện Ninh Sơn