Bản án được xem là có hiệu lực bắt buộc trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là các bản án sau khi đã bị kháng cáo lên tòa thượng thẩm (pengadilan tinggi) và được Tòa án Tối cao xử phá án (kasasi hay còn gọi là kháng nghị nội dung của luật). Trường hợp thứ hai là khi hết thời hiệu kháng cáo lên tòa thượng thẩm hoặc phá án. Đơn kháng cáo hoặc yêu cầu phá án thường sẽ làm hoãn việc thi hành án. Tuy nhiên, Điều 180 HIR quy định một số ngoại lệ ít khi được sử dụng đối với nguyên tắc này. Điều này cho phép một tòa án cấp dưới thi hành một bản án dân sự bất chấp việc xét xử phúc thẩm hoặc phá án sắp tiến hành, nếu: Có một văn bản hợp pháp, viết tay và được chấp nhận là bằng chứng hợp pháp, hoặc có một quyết định có hiệu lực bắt buộc trước đó hoặc một yêu cầu trước đó đã được thụ lý, hoặc nếu tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu. Ý nghĩa của Điều này khá mơ hồ, nhưng một số bản ghi nhớ, hay thông tư (surat edaran) của Tòa án Tối cao đã giảm bớt mức độ quan trọng của Điều này. Các Thông tư Số 13/1964 (ban hành ngày 10 tháng 7 năm 1964); 5/1969 (ban hành ngày 2 tháng 6 năm 1969) và 3/1971 (ban hành ngày 17 tháng 5 năm 1971) chỉ trích mạnh mẽ các thẩm phán đã cho phép thi hành bản án của mình trong thời hạn kháng cáo. Các Thông tư Số 6/1975 (ban hành ngày 1 tháng 12 năm 1975) và 3/1978 (ban hành ngày 1 tháng 4 năm 1978) yêu cầu thẩm phán Tòa án Quận không thi hành bản án của mình trong thời gian kháng cáo, kể cả khi các điều kiện nêu tại Điều 180 đã được đáp ứng, trừ khi có “các trường hợp đặc biệt” – và ngay cả khi trường hợp đó xảy ra, chỉ được thi hành khi bên yêu cầu thi hành án đã đưa ra những bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, “các trường hợp đặc biệt” lại không được định nghĩa. Việc Điều 180 không rõ ràng, với lời lẽ cấm đoán trong các thông tư nói trên và sự không chắc chắn trong nghĩa của cụm từ “các trường hợp đặc biệt” có thể có ý nghĩa rằng hầu hết các thẩm phán sẽ không ra lệnh thi hành phán quyết của mình trong thời gian kháng cáo, kể cả khi các thẩm phán cho rằng việc đó hợp lý hoặc mang lại lợi ích.
Sau khi bản án của tòa án đã có hiệu lực bắt buộc, bên thua kiện có thể tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra, vì một phần là nhiều người In-đô-nê-xia không coi trọng tòa án. Bên thua kiện dường như rất miễn cưỡng thi hành phán quyết của của tòa án mà họ không tôn trọng. Trong những trường hợp như thế này, bên thắng kiện phải gửi đơn khác xin lệnh cưỡng chế thi hành án. Chánh án Tòa án Quận xét xử sơ thẩm vụ án sẽ giám sát việc thi hành bản án có hiệu lực. Do đó, Tòa án Quận có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành các bản án của Tòa án Tối cao, Tòa thượng thẩm và của chính mình. Bên không thi hành sẽ bị triệu tập ra trước chánh án Tòa án Quận – nơi sẽ lệnh cho đương sự phải thi hành bản án trong thời hạn 8 ngày hoặc trong một thời hạn ngắn hơn. Nếu bên thua kiện không thi hành hoặc không có mặt tại buổi thi hành án dù đã được gửi giấy triệu tập hợp lệ, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm việc thi hành. Ví dụ, tòa án có thể tịch thu và bán đấu giá tài sản để thanh toán các khoản bồi thường mà bên thắng kiện được hưởng hay tòa án có thể ấn định khoản phạt tiền đối với hành vi mà bên thua kiện không thi hành án. Cảnh sát thường được yêu cầu hỗ trợ, đặc biệt khi có sự chống đối mạnh mẽ hoặc bằng vũ lực từ bên phải thi hành án.
Các quy định trình bày trên đây làm phát sinh một số vấn đề trên thực tiễn. Nhiều vấn đề trong đó gây hoặc góp phần gây chậm trễ kéo dài việc thi hành bản án của tòa hay thậm chí làm cho các bản án đó cuối cùng lại không được thực hiện ở mọi cấp tòa án In-đô-nê-xia. Thứ nhất là HIR không yêu cầu chánh án Tòa án Quận phải đáp ứng yêu cầu xin quyết định thi hành án ngay lập tức – hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả là tòa án có thể cố tình để những yêu cầu này phải chờ đợi hoặc, do thiếu khả năng quản lý, gây ra những chậm trễ đáng kể trong việc thi hành án. Thứ hai, Điều 196 HIR không đưa ra mức phạt đối với các bên đương sự không tuân thủ bản án của tòa trong thời hạn 8 ngày. Thứ ba, dường như chánh án Tòa án Quận có thể trì hoãn việc thi hành một bản án vì bất kỳ lý do gì dù các Điều 195, 196 và 197 HIR yêu cầu thẩm phán phải bảo đảm sự tuân thủ các quyết định. Thứ tư, các quy định nói trên có thể được áp dụng để gây bất lợi cho bên thua kiện. Một số nguyên đơn cố ý chưa xin Tòa án Quận cho thi hành án ngay vì biết rằng gần như chắc chắn tòa án sẽ yêu cầu bị cáo trả lãi trên số tiền được tòa tuyên. Các nhân viên tòa án và cảnh sát thường gặp phải sự chống đối bằng vũ lực – đôi khi dữ dội – của bên thua kiện không chịu thi hành án. Tuy nhiên, phương pháp nổi tiếng nhất được sử dụng để trì hoãn việc thi hành các quyết định tư pháp – surat sakti – lại nằm ngoài quy định của pháp luật. Như đã đề cập đến ở trên, surat sakti thường được Chánh án Tòa án Tối cao (Mahkamah Agung) gửi đến chánh án Tòa án Quận chịu trách nhiệm thi hành một quyết định cụ thể để yêu cầu chánh án đó hoãn thi hành án. Những surat sakti này thường được đưa ra trong các vụ án trong đó tòa án phải chịu sức ép ngoài tòa án để có được kết quả mong muốn cho một trong các bên đương sự.
Điều 270 KUHAP và Điều 27 Luật số 5 năm 1991 quy định công tố viên phải chịu trách nhiệm thi hành phán quyết của tòa trong các vụ án hình sự. Việc thi hành án do một thẩm phán giám sát, thẩm phán này phải bảo đảm bản án được thi hành. Ngân hàng Thế giới (2004) lưu ý rằng thực hành tư pháp đã góp phần tạo ra các vấn đề trong thi hành án. Một số thẩm phán không chuẩn bị bản án chính thức trước khi tuyên phán quyết của mình tại phòng xử án mà chỉ sử dụng bản ghi chú để công bố quyết định và sau đó cho một thư ký đánh máy lập phán quyết. Trên thực tế, quy trình này có thể mất vài tháng và có thể xảy ra sai sót nếu thẩm phán không xem xét văn bản cuối cùng. Do công tố viên phải thi hành bản án của thẩm phán dựa trên bản sao của bản án đó nên công tố viên thường phải đợi một thời gian dài cho đến khi bản án được đánh máy xong. Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng một số bản án đã bị thư ký đánh máy thay đổi nội dung khi đánh máy, có lẽ là để đáp lại khoản tiền lót tay bất hợp pháp.
Cuối cùng, phán quyết của Tòa án Tối cao hay tòa cấp dưới sẽ không hoặc chậm trễ thi hành do việc ban hành surat sakti (nghĩa đen là ‘thư ma thuật’). Surat sakti là một thuật ngữ do giới truyền thông In-đô-nê-xia phổ biến, nghĩa đen là ‘thư ma thuật’. Nói chung, một surat sakti thường là một chỉ thị từ một người có quyền lực hay thẩm quyền đặc biệt để đạt được một mục đích cụ thể theo cách thức không theo thông lệ hoặc không hợp pháp. Trong giới luật, một surat sakti thường được hiểu là một thư do một thẩm phán cấp trên viết (ví dụ Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án Tối cao) gửi cho thẩm phán xét xử sơ thẩm có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành quyết định của Tòa án Tối cao. Thư này thường đề nghị thẩm phán hoãn thi hành bản án dù bản án đã chính thức có hiệu lực bắt buộc. Hầu hết các tòa án cấp dưới tại In-đô-nê-xia làm theo các chỉ thị này của Tòa án Tối cao dù việc gửi surat sakti thường được cho là có dính dáng đến tham nhũng hoặc can thiệp của chính phủ. Vì vậy, công chúng đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của surat sakti.
Các bên đương sự trong vụ án hành chính cũng thường gặp khó khăn khi cố gắng buộc cơ quan chính quyền thi hành phán quyết của tòa án hành chính. Thường thì các cơ quan chính quyền phải thi hành án lờ đi phán quyết của tòa hoặc trì hoãn việc thi hành án càng lâu càng tốt. Luật số 9 năm 2004 sửa đổi Luật số 5 năm 1986 về Tòa án Hành chính đặt ra chế tài đối với người ra quyết định hành chính không tuân thủ phán quyết của tòa án hành chính. Chế tài là phạt tiền hoặc xử lý hành chính. Luật cũng quy định nêu tên công chức liên quan trên phương tiện truyền thông. Luật số 51 năm 2009 sửa đổi Luật số 5 năm 1986, quy định rằng nếu sau 60 ngày làm việc mà bản án của tòa án hành chính không được thi hành thì quyết định hành chính không còn hiệu lực bắt buộc. Nếu sau 90 ngày làm việc mà bản án của tòa vẫn không được thi hành, nguyên đơn có thể đề nghị tòa ra lệnh buộc công chức thi hành bản án. Nếu bản án tiếp tục không được thi hành, công chức đó có thể bị phạt tiền và nêu tên trên các phương tiện truyền thông. Luật số 2 năm 2004 về Giải quyết Tranh chấp Lao động không quy định các thủ tục cụ thể để thi hành bản án của Tòa án Quan hệ Lao động. Như vậy, theo giả định, thủ tục thi hành án trong các vụ án dân sự được mô tả trên sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, Đạo Luật cũng quy định các điều khoản về việc thi hành các thỏa thuận, phán quyết ngoài tòa án như hòa giải, phân xử trọng tài, hoặc trung gian hòa giải. Nếu đăng ký thỏa thuận hay phán quyết nói trên với Tòa án, các bên tham gia có thể đề nghị tòa ra lệnh thi hành các thỏa thuận hay phán quyết này.
Luật In-đô-nê-xia không quy định bất kỳ cơ quan thi hành án cụ thể hoặc riêng biệt nào. Đúng ra, việc thi hành các bản án của tòa thuộc trách nhiệm của cơ quan công tố (thi hành các bản án của tòa án trong các vụ án hình sự) và của tòa án (trong các vụ án dân sự). Trong các vụ án dân sự, chánh án tòa án quận đã xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm có trách nhiệm thi hành bản án. Do đó, một tòa án quận cụ thể sẽ có trách nhiệm thi hành bất kỳ bản án phúc thẩm hay phá án của tòa án tối cao (đối với phán quyết của mình). Như đã đề cập ở trên, bên ‘thắng kiện’ trong một vụ án có thể đến tòa án quận và đề nghị tòa ra lệnh thi hành án. Thư ký tòa án (panitera) hoặc chấp hành viên (juru sita) phải bảo đảm việc tuân thủ đúng lệnh thi hành án của chánh án. Công tố viên có trách nhiệm thi hành các vụ án hình sự. Luật In-đô-nê-xia không quy định bất kỳ cơ quan thi hành án cụ thể hoặc riêng biệt nào. Như đã nói trên, việc thi hành các quyết định của tòa án thuộc trách nhiệm của cơ quan công tố và tòa án. Không có mối quan hệ chính thức nào giữa công tố viên và tòa án trong việc thi hành án. Ví dụ, sau khi quyết định của tòa án trong một vụ án hình sự đã được đưa ra, quyết định đó sẽ được giao cho công tố viên thi hành.
Ngoài ra, lưu ý rằng không có quy trình chính thức nào đối với việc xã hội hóa việc thi hành các bản án. Tuy nhiên, các bên có thể chờ được thông báo về thời điểm vụ án của họ được tòa quyết định (trên thực tế, thường được đọc công khai tại tòa). Như đã đề cập, tòa án thẩm quyền chung và công tố viên có trách nhiệm thi hành bản án của tòa. Một số vấn đề hành chính chung liên quan đến tòa án và công tố viên đã được trình bày ở trên. Không có cơ chế cụ thể nào để giám sát việc thi hành bản án của tòa án ngoài các cơ chế đã được đề cập ở các phần trước của bài viết này. Tòa án thẩm quyền chung có trách nhiệm giám sát việc thi hành các quyết định của tòa án trong các vụ án dân sự còn công tố viên chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành các quyết định trong các vụ án hình sự. Thẩm phán và công tố viên chịu trách nhiệm giám sát và theo dõi, cả nội bộ lẫn bên ngoài. Chẳng hạn, Tòa án Tối cao chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của thẩm phán và có biện pháp đối với các thẩm phán bị xem là có hành vi không phù hợp.
Hiện nay không có ưu điểm cụ thể nào trong hệ thống thi hành án tại In-đô-nê-xia. Các quy định của luật liên quan tới công việc thi hành án đều lạc hậu và cần sửa đổi đáng kể vì một phần các thực hành thi hành án tương đối tùy tiện. Không có đề xuất cải cách nào đối với hạ tầng pháp lý cho việc thi hành án ở In-đô-nê-xia. Có thể chỉ có một số ngoại lệ đối với việc thi hành bản án hình sự, nếu được đưa vào các bản dự thảo được đề xuất của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Dù vậy, cải cách cơ chế thi hành án dân sự nên được đẩy nhanh vì các thủ tục như hiện nay đang làm giảm đáng kể hiệu quả của việc xét xử của tòa án tại In-đô-nê-xia. Thực tế, cần có biện pháp để các bên không cần phải đề nghị tòa án ra lệnh thi hành án riêng rẽ để thi hành phán quyết của tòa. Bản án của tòa phải có khả năng thi hành lập tức, kể cả khi quyết định đó bị kháng cáo. Bởi vì, nếu bản án không thể thi hành ngay lập tức, sự tôn trọng bản án của tòa án trong các vụ án dân sự lẫn hình sự sẽ bị giảm đi. Ngoài ra, các quy định pháp luật về tố tụng hình sự và dân sự về thi hành án tại In-đô-nê-xia đều quá lạc hậu và mơ hồ và cần phải được sửa đổi.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.