Thực tiễn thực thi Công ước La-hay 1980 tại Hoa Kỳ

05/12/2018
Hoa Kỳ ký tham gia Công ước La-hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em vào năm 1981, phê chuẩn năm 1988. Theo đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được chỉ định làm cơ quan trung ương để thực thi Công ước này. 


Hiện nay, trong tổng số 99 quốc gia thành viên Công ước La-hay 1980, Hoa Kỳ đã chấp nhận 77 quốc gia thành viên là đối tác để thực thi Công ước La-hay 1980, trong đó, khu vực châu Á có các đối tác như Singapore (2012), Hàn Quốc (2013), Nhật Bản (2014) và Thái Lan (2016). Để thực thi Công ước, Hoa Kỳ đã triển khai các hoạt động toàn diện từ hoàn thiện thể chế, tổ chức, nhân lực, cơ chế phối hợp nội bộ và quốc tế.
a. Hoàn thiện thể chế
Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Công ước, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật về biện pháp khắc phục hành vi đưa trẻ đi bất hợp pháp (The International Child Abduction Remedies Act (ICARA)) vào năm 1988. ICARA quy định về thẩm quyền, các vấn đề khác liên quan đến việc thực thi các quy định của Công ước tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng ICARA chỉ là một đạo luật nhằm bổ sung và hỗ trợ Công ước mà không có giá trị thay thế Công ước. Bên cạnh đó, nhiều quy định ở các lĩnh vực khác có liên quan cũng được bổ sung để tạo điều kiện cho việc thực thi Công ước như những quy định liên quan đến xuất nhập cảnh, hoạt động của hàng không trong những trường hợp khẩn cấp cần ngăn chặn việc đưa trẻ đi ra khỏi biên giới Hoa Kỳ…
Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, Công ước La-hay không phải là cơ chế duy nhất để trả lại trẻ em bị đưa đi bất hợp pháp. Theo đó, cha mẹ có con bị mang đi hoặc lưu giữ trái phép có thể lựa chọn giữa việc nộp đơn theo Công ước hoặc theo cơ chế được quy định lại Luật chung về thẩm quyền và thi hành quyền nuôi dưỡng trẻ em (The Uniform Child Custody Jurisdiction and Enforcement Act (“UCCJEA”)). Quy định của UCCJEA có một số điểm khác biệt với Công ước như độ tuổi, tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc, độ tuổi trẻ em được bảo vệ, thủ tục giải quyết. Cụ thể về căn cứ ra quyết định trả lại trẻ, cha mẹ nếu muốn nộp đơn yêu cầu trả lại trẻ hoặc bảo đảm quyền thăm nom buộc phải có quyết định của tòa án trao quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom hay về độ tuổi trẻ em được bảo vệ theo UCCJEA là trẻ dưới 18 tuổi (Công ước chỉ áp dụng đối với trẻ em dưới 16 tuổi)…
b. Tuyên truyền, phổ biến và đào tạo, bồi dưỡng
Qua hơn 30 năm thực thi Công ước La-hay năm 1980, Hoa Kỳ luôn luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về Công ước La-hay năm 1980, cụ thể như các cán bộ, thẩm phán, cơ quan thực thi pháp luật. Việc đào tạo này đối với các cá nhân như thẩm phán, luật sư, công tố viên đôi khi là bắt buộc. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà thời gian tham gia đào tạo bắt buộc đối với các đối tượng này là khác nhau, tuy nhiên, thông thường thời gian đào tạo bắt buộc đối với các đối tượng này trong khoảng 16-30 giờ/năm.
Để đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả, các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ đều phát hành tài liệu hướng dẫn chi tiết thực thi Công ước cho các đối tượng liên quan và Tài liệu hướng dẫn thực tiễn tốt. Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các cán bộ, cơ quan, tổ chức liên quan của Hoa Kỳ khi thực thi Công ước. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Công ước cho người dân hiểu rõ về phạm vi điều chỉnh của Công ước và cơ chế áp dụng trong trường hợp có trẻ bị đưa đi bất hợp pháp.
c. Cơ quan quản lý chung
Cơ quan quản lý chung được Tổng thống Hoa Kỳ chỉ định là Bộ Ngoại giao. Cụ thể là Văn phòng các vấn đề trẻ em (Office of Children’s Issues) thuộc Bộ Ngoại giao có nghĩa vụ giải quyết các vụ việc bắt cóc trẻ em. Theo Điều 11606 ICARA Cơ quan Trung ương có chức năng thực hiện những nhiệm vụ được quy định bởi Công ước.
Theo đó, đối với yêu cầu từ nước ngoài vào Hoa Kỳ: Văn phòng các vấn đề trẻ em (Bộ Ngoại giao) là cơ quan tiếp nhận các yêu cầu từ nước ngoài và rà soát, xem xét để chuyển cơ quan có thẩm quyền trong nước để giải quyết; cung cấp thông tin, xác định nơi ở của trẻ.
Đối với yêu cầu từ Hoa Kỳ ra nước ngoài, đơn vị này cũng tiếp nhận các yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, rà soát, đối chiếu hồ sơ yêu cầu với quy định của Công ước và chuyển Cơ quan trung ương của nước được yêu cầu giải quyết, đồng thời hỗ trợ người dân làm hồ sơ theo quy định của Công ước.
Đưa ra các biện pháp phòng ngừa, chăn chặn những vụ việc trẻ bị đưa ra nước ngoài: rà soát hồ sơ xin thị thực, quy định rõ trường hợp xin cấp hộ chiếu cho trẻ dưới 16 tuổi thì cần phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ của trẻ..
Văn phòng các vấn đề trẻ em (Bộ Ngoại giao) có trách nhiệm chỉ định cán bộ đầu mối liên quan đến Công ước ở các Sứ quán của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Đảm bảo cho việc thực hiện thống nhất, đầy đủ quy định của Công ước, như theo dõi, giám sát để các cơ quan tham gia ở từng khâu thực hiện tốt Công ước; cập nhật thông tin của các nước thành viên, những hướng dẫn của Hội nghị về thực tiễn thực thi Công ước; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan thực thi trên toàn lãnh thổ.
d. Các cơ quan phối hợp 
- Lực lượng cảnh sát: với vai trò là cơ quan tiếp nhận thông tin từ người cha/mẹ có trẻ bị mang đi trái phép và xử lý thông tin tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nơi cư trú của trẻ trên cơ sở các thông tin được cung cấp và hệ thống cơ sở sở dữ liệu quốc gia. Tùy từng trường hợp mà lực lượng cảnh sát có thể sử dụng hệ thống báo động (Amber Alerts) thông qua nhiều phương tiện khác nhau như: thông qua điện thoại, truyền hình, radio và các phương tiện truyền thông công cộng khác.
Việc sử dụng hệ thống cảnh báo này được thực hiện theo quy trình nhất định, đảm bảo tính hiệu quả. Cụ thể như, trước tiên căn cứ vào thông tin mà được cung cấp, lực lượng cảnh sát nhanh chóng tiến hành điều tra và tổ chức khoanh vùng để xác định nơi trẻ hiện đang được giữ lại. Trong trường hợp xác định trẻ chưa rời khỏi bang hoặc hạt nào đó thì hệ thống báo động chỉ được phát ra trong phạm vi toàn hạt hoặc bang đó cho mọi người dân được biết qua điện thoại và các phương tiện truyền thông khác. Trường hợp trẻ được xác định đã được đưa ra khỏi một bang, thậm chí là ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ thì lực lượng cảnh sát sẽ đưa ra lệnh báo động trên toàn liên bang hoặc phối hợp với lực lượng FBI và cơ quan cảnh sát quốc gia liên quan để đưa ra lệnh báo động trên phạm vi toàn liên bang hoặc toàn cầu.
Trong quá trình đưa ra lệnh báo động, lực lượng cảnh sát bang và liên bang đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đảm bảo và tôn trọng quyền riêng tư của trẻ và phải được sự đồng ý của cha/mẹ trẻ về việc sử dụng thông tin, hình ảnh của trẻ khi phát lệnh báo động và gửi đến từng công dân trên phạm vi từng bang, toàn liên bang hay toàn thế giới.
- Cơ quan công tố: Tại Hoa Kỳ, trong các vụ việc giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ bị đưa đi trái phép bởi cha/mẹ trẻ thì cơ quan công tố đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan công tố sẽ nhận đơn từ Văn phòng các vấn đề trẻ em (Bộ Ngoại giao) (đối với trường hợp trẻ bị đưa từ nước ngoài về Hoa Kỳ) hoặc tiếp nhận đơn từ cha/mẹ trẻ có trẻ bị đưa đi trái phép.
Trên cơ sở các đơn nhận, cơ quan Công tố cấp bang Hoa Kỳ sẽ tiến hành rà soát đơn để xác định đơn thuộc thẩm quyền của hạt nào để gửi hồ sơ đến hạt có thẩm quyền. Trên cơ sở hồ sơ nhận được, cơ quan công tố của hạt đó sẽ tiến hành điều tra, xác định nơi ở của trẻ và chuyển hồ sơ để tòa án xem xét có trao trả lại trẻ hay không. Trường hợp tòa đã ra quyết định yêu cầu một trên phải trao trả trẻ trở về nơi thường trú cuối cùng mà người cha/mẹ đang giữ trẻ không thực hiện quyết định của tòa án sẽ bị coi là có hành vi chống đối quyết định của tòa án và trong một số trường hợp, hành vi này có thể bị xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và có thể bị tuyên phạt tù theo quy định của pháp luật.
đ. Về sự tham gia của Luật sư
Luật sư với vai trò là người đại diện cho cha/mẹ và trẻ em trong các vụ việc tranh chấp về li hôn, cấp dưỡng nuôi con, bạo hành gia đình và bắt cóc trẻ em theo khía cạnh dân sự. Tại Hoa Kỳ, trong một vụ việc có thể có nhiều luật sư tham gia đại diện cho các bên cha, mẹ và trẻ em. Về nguyên tắc, việc tham gia của luật sư trong các vụ việc này đều phải trả phí, tuy nhiên, trong một số trường hợp luật sư tham gia với vai trò là các tình nguyện viên hoặc làm công tác thiện nguyện thì sẽ được miễn phí hoàn toàn đối với chi phí luật sư cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.
Khi gia nhập Công ước, Hoa Kỳ đã bảo lưu đối với Điều 2 của Công ước, theo đó, Hoa Kỳ không cung cấp tư vấn pháp lý đối với những vụ việc thuộc phạm vi Công ước, vì Hoa Kỳ cho rằng đó là những vụ việc dân sự.
e. Về sự tham gia của Tòa án
Tòa án nơi đứa trẻ cư trú có thẩm quyền giải quyết những vụ việc liên quan đến Công ước có thể nộp đơn ở Bang hoặc Tòa án liên bang (do cha, mẹ trẻ quyết định). Mặc dù không có quy định cụ thể nhưng thực tế có phân những loại việc này cho 1 thẩm phán chuyên xử lý để tạo sự chuyên nghiệp, hiệu quả cho hoạt động xét xử.
Về thủ tục xem xét vụ việc, dù không có quy định thời hạn cụ thể nhưng tòa án tối cao Hoa Kỳ có hướng dẫn, yêu cầu phải giải quyết vụ việc đưa trẻ đi trái phép một cách nhanh chóng nhất có thể. Vụ việc có thể đưa ra giải quyết theo 1 trong hai kênh khác nhau: (i) công nhận và cho thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (ii) theo kênh của Công ước.
Lưu ý: Tại Hoa Kỳ, cả tòa án liên bang và tòa án bang đều có thẩm quyền xét xử đơn yêu cầu trả lại trẻ theo Công ước nhưng chỉ có tòa án bang mới có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu trả lại trẻ. Tuy nhiên, những vụ việc về quyền thăm nom chỉ có thể được nộp tại các tòa án bang.
g. Tổ chức thực hiện
Biện pháp hành chính: Yêu cầu trả lại trẻ theo thủ tục hành chính bắt đầu khi đơn được nộp tới Văn phòng các vấn đề về trẻ em của Bộ Ngoại giao. Sau khi Văn phòng các vấn đề trẻ em nhận được đơn, một nhân viên sẽ được phân công giúp đỡ cha mẹ tìm kiếm trẻ. Bộ Ngoại giao cũng sẽ hỗ trợ giúp đỡ việc tìm kiếm trẻ thông qua việc cộng tác với các tổ chức như: các tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations (NGOs)) (như tổ công tác xã hội quốc tế (International Social Service (ISS)); Cục điều tra liên bang (the Federal Bureau of Investigation (FBI)); Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (the International Criminal Police Organization (INTERPOL)) và các trung tâm thu thập và trao đổi thông tin về trẻ em mất tích của mỗi bang. Cha mẹ sẽ phải cung cấp cho Văn phòng các vấn đề trẻ em các thông tin cần thiết như nơi ở của họ hàng, nơi làm việc, mối quan hệ công việc liên quan tới cha, me bị cho là đã bắt cóc trẻ. Ngoài việc tìm kiếm trẻ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải liên lạc trực tiếp với người đang giữ trẻ để thương lượng nhằm đạt được giải pháp hòa bình trong việc trả lại trẻ.
Thủ tục tại Tòa án: Nếu quá trình thương lượng thất bại, cha mẹ có trẻ bị bắt cóc phải nộp đơn tới tòa án để bắt đầu thủ tục tại Tòa án. Mặc dù vậy, trong một số ít trường hợp, cha mẹ có thể nộp thẳng đơn tới Tòa án mà không cần thông qua thủ tục được thực hiện tại Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp này cha mẹ có con bị đưa đi trái pháp luật sẽ không được Bộ Ngoại giao hỗ trợ, chẳng hạn như việc tìm kiếm luật sư, dịch vụ dịch thuật…
Sau khi tiến hành thủ tục xem xét chứng cứ, tài liệu được các bên cung cấp, tòa án sẽ ra quyết định về việc trả lại trẻ, trong quyết định sẽ nêu rõ về thời gian, địa điểm và những vấn đề khác liên quan đến việc trả lại trẻ.
Thực hiện việc trả lại trẻ: Quyết định trả lại trẻ sẽ được thực hiện bởi Cảnh sát tư pháp của Hoa Kỳ hoặc một số lực lượng khác có chuyên môn xử lý vụ việc liên quan tới trẻ em. Việc thi hành quyết định sẽ phải tiến hành hết sức linh hoạt để đảm bảo hạn chế những ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ.
Về sự tham gia của Luật sư, nếu cha mẹ đủ điều kiện yêu cầu một đại diện pháp lý miễn phí, Bộ Ngoại giao sẽ thông qua Mạng lưới luật sư về bắt cóc trẻ em quốc tế (“ICAAN”) để tìm kiếm luật sư thích hợp. Sau khi liên lạc với cha mẹ của trẻ bị bắt cóc nếu luật sư đồng ý tham gia vào quá trình tố tụng sẽ được Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp những văn bản cần thiết như Đơn và các văn bản về quyền nuôi dưỡng trẻ. Nếu đơn được làm bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp đơn và bản dịch tiếng Anh. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu cần thiết, luật sư sẽ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm yêu cầu trả lại trẻ với tư cách là đại diện của cha mẹ có con bị bắt cóc. Khi có văn bản thỏa thuận giữa luật sư và cha mẹ có con bị bắt cóc, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp cho luật sư tất cả những tài liệu liên quan.
Về cơ chế phối hợp với nước ngoài: Hoa Kỳ có mối quan hệ rất chặt chẽ với các cơ quan trung ương cũng như cơ quan địa phương có chung biên giới với Hoa Kỳ như Mê-hi-cô, Ca-na-đa. Do vậy, việc Hoa Kỳ phối hợp thực thi Công ước đối với các nước này trên thực tiễn không có gì vướng mắc. Đối với các quốc gia thành viên khác, công tác phối hợp được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như giữa cơ quan trung ương với nhau, cơ quan cảnh sát, Interpol, FBI… đều được triển khai có hiệu quả.