Phân định hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án dân sự
Tại Nhật Bản, hệ thống tổ chức tòa án gồm có Tòa án tối cao, Tòa án cấp cao, Tòa án địa phương, Tòa giản lược và Tòa gia đình. Hiện nay trên toàn lãnh thổ Nhật Bản có 01 Tòa án tối cao, 08 Tòa cấp cao và 06 chi nhánh, 50 Tòa án địa phương và 203 chi nhánh, 50 Tòa gia đình và 203 chi nhánh và 438 Tòa giản lược. Về định mức số lượng thẩm phán, Tòa án tối cao có 15 thẩm phán, Tòa án cấp cao, Tòa án địa phương và Tòa án gia đình có 2993 thẩm phán và Tòa giản lược có 806 thẩm phán. Ngoài ra, còn có khoảng 22 nghìn nhân viên khác.
Về thủ tục xét xử dân sự, nguyên đơn khởi kiện tại tòa án, tòa án tiến hành xét xử thông qua các bước: (1) Tranh luận tại tòa lần 1, (2) Chỉnh lý luận điểm tranh chấp (không công khải), và (tập trung điều tra chứng cứ), tiếp theo, tòa ra bản án hoặc các bên có thể có quyền rút đơn kiện, hòa giải hoặc hủy, chấp nhận yêu cầu. Thủ tục chỉnh lý luận điểm tranh chấp là một quy định mới của Nhật Bản góp phần nâng cao hoạt động điều tra chứng cứ, qua đó rút ngắn hoạt động xét xử.
Hệ thống pháp luật Nhật Bản có sự phân định chức năng giữa tòa án thụ lý và tòa án thi hành. Tòa án thụ lý có nhiệm vụ tiếp nhận đơn của nguyên đơn, xem xét để xét xử, căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án thực hiện. Sự phân biệt hai tòa án như vậy sẽ giúp chuyên môn hóa công việc của tòa án, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tại tòa án thi hành có vai trò phân công công việc cụ thể: Những công việc cần đến óc phán đoán là thẩm phán, thư ký, trong trường hợp này, đối với những nội dung quan trọng, thẩm phán sẽ thực hiện qua hình thức tòa án; những việc liên quan hành vi thực hành, thực tiễn do Chấp hành viên thực hiện. Theo Điều 62 Luật Tòa án, Chấp hành viên là nhân viên tòa án địa phương, nhưng khi thi hành nghiệp vụ được độc lập xử lý vụ việc. Các nhiệm vụ chính của Chấp hành viên bao gồm (1) xác minh động sản, một số bất động sản, là hoạt động hỗ trợ cho tòa án thi hành; (2) tống đạt và một số công tác văn phòng khác; (3) khai thác, quản lý tài sản từ cho thuê để lấy tiền thi hành án; (4) bảo toàn dân sự, thực hiện việc loại bỏ những cản trở tài sản trong bảo toàn dân sự.
Hiện tại, Nhận Bản có 338 Chấp hành viên tại các tòa án địa phương, được phân bố theo mật độ án phải thi hành, tại Tokyo có 25 Chấp hành viên, các địa phương khác bố trí 2 Chấp hành viên. Kết quả công tác, năm 2016, đã hoàn thành việc bàn giao 21 nghìn vụ việc liên quan đến bất động sản và 25 nghìn vụ việc liên quan đến động sản. Về chế độ chính sách, Chấp hành viên là công chức nhưng được hưởng lương ăn theo hoa hồng theo tỷ lệ do Tòa án hướng dẫn. Mô hình này được du nhập và Nhật Bản cách đây 130 năm cùng với quá trình du nhập mô hình tòa án mới. Trong hoạt động thi hành án, Chấp hành viên phải chịu áp lực nhiều nên lương hoa hồng là phù hợp. Trong Tòa có Phòng Chấp hành viên, về cơ chế, Phòng này Chấp hành viên tự chi trả, có thể thuê thư ký. Do đó, tùy theo số vụ việc mà thu nhập của các Chấp hành viên sẽ khác nhau. Để đảm bảo mặt bằng thu nhập chung, Tòa án thành lập một Quỹ chung mà các Chấp hành viên phải trích nộp một phần thu nhập vào Quỹ và Quỹ đó chia đồng đều thì chia cho tất cả Chấp hành viên. Điều 21 Luật Chấp hành viên quy định Chấp hành viên nếu không nhận đủ mức lệ phí trong một năm theo quy định của Chính phủ thì được kho bạc nhà nước hỗ trợ phần thiếu hụt.
Về điều kiện trở thành Chấp hành viên, người muốn trở thành Chấp hành viên chỉ cần có trình độ trung học phổ thông, có kinh nghiệm pháp luật trên 10 năm và thông qua một kỳ xét tuyển. Sau khi được xét tuyển, Chấp hành viên được tham gia 01 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ý thức, nhận thức để trao truyền kinh nghiệm, diễn tập đóng vai tại tòa án địa phương nơi được tuyển dụng. Chương trình thứ hai là đào tạo nâng cao kỹ năng thực tiễn đối với Chấp hành viên có kinh nghiệm 5 năm để đáp ứng kiến thức cho tình hình mới. Ngoài ra còn có những chương trình bồi dưỡng chuyên đề như bàn giao con cái, bồi thường nhà nước. Hiện nay, Tòa án tối cao đang có 01 chương trình nghiên cứu tổng hợp 3 ngày đối với những Chấp hành viên triển vọng được tòa án địa phương lựa chọn với nội dung chính là nâng cao kỹ năng quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ban hành chế độ Chấp hành viên
Theo Luật thi hành dân sự số 95 ngày 27/6/2017, thi hành án dân sự do Tòa án hoặc Chấp hành viên thực hiện theo đơn yêu cầu. Tại Nhật Bản, chỉ có thi hành nhà nước, không có chế độ thừa phát lại. Khi thi hành nhiệm vụ, Chấp hành viên nếu bị chống đối thì có thể sử dụng quyền hạn hoặc yêu cầu cảnh sát hỗ trợ để không bị chống đối. Chấp hành viên khi vào nhà dân để thi hành nhiệm vụ nếu không gặp trực tiếp chủ nhà, người đại diện chủ nhà hoặc thành viên khác trong gia đình hoặc người làm thuê hoặc người giúp việc thì phải yêu cầu cán bộ, cảnh sát địa phương hoặc người khác phù hợp làm người chứng kiến.
Theo Điều 21 Luật Thi hành án dân sự Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014), Chấp hành viên không được thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: (1) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; (2) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; (3) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. Luật về Chấp hành viên ngày 01/7/1966 của Nhật Bản quy định chặt chẽ hơn, cụ thể Chấp hành viên không được tiến hành nghiệp vụ thi hành án trong các trường hợp sau: (1) Chấp hành viên hoặc vợ hoặc chồng của Chấp hành viên là đương sự của vụ việc, hoặc là người cùng chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ với đương sự hoặc có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho đương sự; (2) Đương sự có quan hệ huyết thống trong vòng 4 đời với Chấp hành viên, trong vòng 3 đời với vợ hoặc chồng của Chấp hành viên, hoặc là thân nhân đang sống chung, (3) Chấp hành viên là người giám hộ, giám sát giám hộ, người phụ tá, giám sát phụ tá, người giúp đỡ hoặc giám sát người giúp đỡ của đương sự, (4) Chấp hành viên là người đại diện của đương sự trong vụ việc liên quan, (5) Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: (a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; (b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; (c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Do đặc thù về chế độ hưởng lương theo hoa hồng nên Luật về Chấp hành viên ngày 01/7/1966 của Nhật Bản quy định chặt chẽ chế độ quản lý Chấp hành viên trong quá trình tiếp xúc với tiền bạc. Cụ thể, các trường hợp Chấp hành viên nhận lệ phí từ các loại nghiệp vụ sau: (1) Tống đạt văn thư, (2) Điều tra hình dạng, quan hệ quyền lợi cũng như tình hình thực tế của tài sản khi xử lý tài sản theo quy định, (3) Thi hành kê biên hoặc tạm kê biên tài sản, (4) Giấy tờ liên quan đến yêu cầu chia lãi, (5) Giấy tờ liên quan đến việc bán hoặc thực hiện các loại quy đổi giá khác, (6) Tịch thu động sản từ người phải thi hành án để chuyển giao cho người được thi hành án (bao gồm chứng từ có giá, ngoài trừ các loại tàu thuyền dùng để sinh sống), (7) Giải thể quyền sở hữu bất động sản hoặc tàu thuyền dùng để sinh sống của người phải thi hành án để chuyển giao cho người được thi hành án, (8) Kiểm tra tình trạng bảo quản động sản sau khi tiến hành kê biên hoặc tạm thời kê biên trong trường hợp Chấp hành viên giao cho bên phải thi hành án bảo quản, (9) Tịch thu động sản theo quy định, (10) Chuyển giao quyền sở hữu các loại động sản do Chấp hành viên bảo quản sau khi tiến hành kê biên hoặc tạm thời kê biên cho bên phải thi hành án tức là bên có quyền nhận lại tài sản trong trường hợp hủy bỏ hiệu lực thi hành án, (11) Niêm phong hoặc hủy bỏ niêm phong tài sản, (12) Soạn thảo chứng từ từ chối, (13) Chứng minh lý do người có nghĩa vụ không trả tiền cho người nắm giữ chứng từ cầm cố, (14) Bảo quản bất động sản sau khi chiếm giữ hoặc chuyển giao sự chiếm giữ đó cho người làm đơn để bảo quản thẹo quy định, (15) Tiến hành việc cho người mua xem trước bên trong bất động sản theo quy định, (16) Tịch thu giấy tờ chứng minh quốc tịch tàu thuyền cũng như các giấy tờ cần thiết cho thủ tục hàng hải.
Chấp hành viên được nhận các loại tiền hoàn trả chi phí sau: (1) Cước phí gửi hồ sơ và điện thoại điện tín, (2) Chi phí niêm yết, (3) Trợ cấp hàng ngày và chi phí di chuyển cho người làm chứng, (4) Phụ cấp cho các chuyên viên kỹ thuật và người lao động, (5) Chi phí thu hoạch cây ăn quả, (6) Chi phí chụp ảnh để sao lưu trình trạng vật dụng, (7) Chi phí di chuyển và chỗ ở cho Chấp hành viên (8) Chi phí nhận chứng từ từ cơ quan hành chính hoặc đoàn thể công cộng, (9) Chi phí vận chuyển, bảo quản, theo dõi và bảo tồn vật dụng...
Chấp hành viên không được nhận lệ phí khi chưa hoàn thành nghiệp vụ.
Xuân Bách