Diễn đàn pháp luật “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

17/12/2021
Ngày 17/12/2021, trong khuôn khổ dự án EU JULE, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn pháp luật thường niên với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là sự kiện do Bộ Tư pháp, Liên minh Châu Âu và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức để chia sẻ kết quả hoàn thiện và thực thi pháp luật, đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tại Việt Nam.


Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. Về khách mời quốc tế, có đại biểu các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế (UNICEF, UNHCR, UnWomen, UNODC), các Chương trình hợp tác pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (JICA, KOICA, USAID, KAS). Về đại biểu trong nước, có sự tham dự của Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một số Bộ, Ban, Ngành, Tổng cục Thi hành án dân sự, một số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, một số tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và một số cơ quan báo chí. Đặc biệt, diễn đàn còn có sự tham dự của gần 20 Cục Thi hành án dân sự tại các địa phương qua hình thức trực tuyến.
 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án, trọng tài là một phần cơ bản của việc bảo đảm xây dựng một xã hội dựa trên pháp quyền. Thi hành án dân sự ở Việt Nam là hoạt động nhằm thực hiện các bản án, quyết định của tòa án, trọng tài liên quan đến các vấn đề tài sản và nhân thân trong các vụ việc hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình. Thi hành án dân sự được xem như là khâu nối tiếp của quá trình tố tụng. Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài chỉ có thể phát huy được giá trị pháp lý khi nó được bảo đảm thực hiện và hiện thực hóa trong cuộc sống. Cùng với đó, thi hành án dân sự cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, củng cố niềm tin của người dân vào tính đúng đắn của pháp luật, công lý.
 

Công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thể chế, pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, tạo cơ sở vững chắc, ổn định và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi hành án dân sự; hệ thống thi hành án dân sự từng bước được kiện toàn từ trung ương đến cấp huyện; kết quả thi hành án dân sự ngày càng thực chất, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thi hành án dân sự ở Việt Nam cũng còn những hạn chế và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: kết quả thi hành các bản án cả về việc và tiền vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực hiện; thời gian, chi phí thi hành án vẫn cần tiếp tục được cải thiện; năng lực của các cơ quan và cán bộ thi hành án dân sự cần được tăng cường để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng với điều kiện bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang có những tác động, ảnh hưởng to lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Do đó, việc tổ chức các diễn đàn để trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp để tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hết sức cần thiết. Công tác thi hành án dân sự cần tiếp tục hoàn thiện để bảo bản án, phán quyết, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm minh, nhanh chóng; bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của các bên, quan tâm đến các nhóm yếu thế; góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, thông thoáng, đáng tin cậy cho mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
 

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam rất ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước, trong đó có mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với 30 năm hợp tác giữa EU và Việt Nam, các dự án của EU đã góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng cường pháp quyền, tiếp cận công lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Lĩnh vực thi hành án dân sự là một nhiệm vụ khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia. Việc thực thi các phán quyết vốn đã tốn thời gian, công sức, chi phí, thì đối với người được thi hành án là nhóm yếu thế lại càng khó khăn hơn. Do đó, Châu Âu và UNDP hiện nay chú trọng vào mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận công lý cho mọi đối tượng, quan tâm hỗ trợ các nhóm yếu thế. Trong xu hướng toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, công tác tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng đang được hiện đại hóa. Cùng với bối cảnh dịch COVID-19, nhiệm vụ số hóa, đổi mới, sáng tạo cũng là mục tiêu mà EU và UNDP mong muốn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Diễn đàn được tổ chức thành hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các đại biểu đã nghe báo cáo dẫn đề “Hoạt động thi hành án dân sự với việc đảm bảo thực thi bản án, quyết định và tính nghiêm minh của pháp luật” của ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; tham luận “Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của bà Đào Thị Hoài Thu, Phó Vụ trưởng, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; và chia sẻ của ông Scott Ciment, Chuyên gia của UNDP về “Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với việc thi hành phán quyết dân sự”.
 

Phiên thảo luận thứ hai “Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” gồm 04 tham luận: “Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân với công tác thi hành án dân sự” của ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc Hội; “Viện kiểm sát nhân dân với việc kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của ông Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; “Nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự với việc chỉ đạo đối với các việc thi hành án lớn, phức tạp tại địa phương trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của ông Vũ Hồng Dương - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; và “Một số giải pháp nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng” của ông Lê Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Diễn đàn đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề pháp luật cũng như thực tiễn và kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác thi hành án dân sự.