Nghiệm thu chính thức Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

03/10/2023


Ngày 02/10/2023, Đề tài khoa học cấp Bộ “Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do TS. Nguyễn Quang Thái, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự làm Chủ nhiệm đề tài đã được Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý tổ chức nghiệm thu chính thức thành công, đạt loại Xuất sắc.
Hội đồng nghiệm thu chính thức Đề tài gồm 07 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng là TS. Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phản biện 1 là PGS. TS. Trương Thị Hồng Hà - Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương;  Phản biện 2 là ThS. Nguyễn Văn Mạnh – Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và các Ủy viên là TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; đồng chí Trần Thị Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.
Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, TS. Nguyễn Quang Thái - Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài. Theo đó, ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 03 chương.
Chương 1 làm rõ cơ sở lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác Thi hành án dân sự; đưa ra khái niệm hiệu quả công tác Thi hành án dân sự và xác định các tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong bối cảnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Bên cạnh đó, Chương 1 cũng cung cấp một số kinh nghiệm quốc tế về nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự tại một số quốc gia và tổ chức quốc tế như Trung Quốc, Phần Lan, Thụy Điển, UIHJ, UNIDROIT, đánh giá sự phù hợp, tính tương thích khi áp dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Chương 2 đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể thực trạng hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong thời gian qua và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác Thi hành án dân sự, bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng về công tác Thi hành án dân sự; Mô hình tổ chức Thi hành án dân sự; Pháp luật về Thi hành án dân sự; Chất lượng bản án, quyết định có hiệu lực thi hành; Đội ngũ công chức và nguồn nhân lực Thi hành án dân sự; Cơ sở vật chất, khoa học công nghệ; Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác Thi hành án dân sự; Các yếu tố về chính trị - kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở dự báo về tình hình, bối cảnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; yêu cầu về nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động Thi hành án dân sự và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra, Chương 3 đưa ra các đề xuất và kiến nghị cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các đề xuất, kiến nghị đưa ra các nhiệm vụ đến năm 2030 để thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể đã được xác định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 và Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII. Đối với các vấn đề cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thực hiện hoặc cần điều chỉnh, thay đổi lớn thì lộ trình thực hiện sẽ ở giai đoạn 2030-2045.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, Hội đồng nghiệm thu khẳng định Đề tài là nghiên cứu có tính chiến lược, có ý nghĩa cấp thiết về mặt lý luận và thực tiễn nhằm xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng định hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và cách mạng 4.0. Hội đồng nghiệm thu nhận định Đề tài là một công trình nghiên cứu có chất lượng, chiều sâu, có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Các kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ trực tiếp được cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, thể chế công tác Thi hành án dân sự, nhất là nghiên cứu, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành và một số văn bản pháp luật liên quan; việc thực hiện các đề án về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ. Các đề xuất mang tính hệ thống và đổi mới có thể là định hướng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước trong lĩnh vực Thi hành án dân sự trong giai đoạn mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Hội đồng nhất trí thông qua kết quả nghiệm thu chính thức xếp loại xuất sắc. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra một số góp ý, trao đổi để Ban Chủ nhiệm tiếp tục hoàn thiện Đề tài và gửi kết quả nghiên cứu đến các cơ quan, ban, ngành của Đảng, của Chính phủ và các đơn vị trong Hệ thống Thi hành án dân sự để đưa đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn trong thời gian tới.
Phạm Minh Đức – Văn phòng Tổng cục


Các tin khác