Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thi hành án dân sự giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Vương quốc Anh

08/09/2023



Thực hiện Kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2023 của Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quyết định số 1432/QĐ-BTP ngày 28/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 06-09/9/2023 về công tác thi hành án dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng. Tham dự các hoạt động của Đoàn có đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp Vương quốc Anh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Bộ Tư pháp Vương quốc Anh; giới thiệu về Bộ Tư pháp Việt Nam và những vấn đề liên quan đến việc tổ chức thi hành án dân sự tại Việt Nam, mục đích chuyến công tác nhằm nghiên cứu, trao đổi về mô hình, tổ chức bộ máy, trình tự thủ tục thi hành án để có thêm tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành án dân sự trong thời gian tới. Về phía Bộ Tư pháp Vương quốc Anh, bà Tessa Wearing, Tổng vụ Tiếp cận công lý  đã chia sẻ một số thông tin về mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức thi hành án tại Vương quốc Anh và sứ Wales, cũng như chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Vương quốc Anh đối với công tác quản lý hoạt động thi hành án tại Vương quốc Anh. 
Trên tinh thần trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức và một số giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác pháp luật và tư pháp theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn nữa, nhất là trong công tác thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới.
Theo Chương trình, Đoàn công tác đã tiếp tục làm việc với Trung tâm Điều phối Phòng chống tham nhũng quốc tế (IACCC), cơ quan phòng chống tội phạm nghiêm trọng quốc gia (NCA) của Vương quốc Anh. Sau khi Đoàn công tác bày tỏ mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm và nỗ lực của Anh trong vấn đề thu hồi, khắc phục hậu quả tội phạm tham nhũng; cơ chế phối hợp giữa Vương quốc Anh và các quốc gia về hoạt động tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng, ông Daniel Murphy, Giám đốc IACCC đã giới thiệu về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Trung tâm Điều phối Phòng chống tham nhũng quốc tế (IACCC), nhấn mạnh việc thành lập IACCC là một trong những kết quả của Hội nghị thượng đỉnh về chống tham nhũng tại London năm 2016 với sự tham gia của các nước thành viên như Mỹ, Canada, Singapore, Úc, New Zeland, Hà Lan…, các đối tác là các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan như Interpol, Manta, Đảo Síp…..và các quốc gia là quan sát viên như Thuỵ Sĩ, Nhật Bản. Đồng thời, thông tin một số kết quả quan trọng mà IACCC đã đạt được trong việc phối hợp truy tìm, xác minh thông tin tài sản do tội phạm tham nhũng mà có trong những năm qua, với mục tiêu, phương châm đơn giản hoá tối đa các thủ tục giữa các cơ quan trong hoạt động phối hợp để đáp ứng yêu cầu về hợp tác và thu hồi tài sản, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả trong việc xác minh, truy tìm dòng tiền cũng như cung cấp các thông tin về tài sản cho các quốc gia.
Trên cơ sở trao đổi, thảo luận về các vấn đề có liên quan, ông Daniel Murphy khẳng định sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thực hiện các hoạt động nhằm thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới.
Đoàn công tác cũng đã làm việc với Hiệp hội Thi hành án Tòa án Cấp cao (HCEOA). Tại buổi làm việc, ông Micheal Jackson, Phó Chủ tịch HCEOA đã giới thiệu, chia sẻ với Đoàn công tác về thông tin về mô hình tổ chức, phạm vi, thẩm quyền và cách thức hoạt động thi hành án tại Vương quốc Anh; về HCEOA - tổ chức có truyền thống lâu đời được thành lập từ năm 1887, có chức năng đại diện và hỗ trợ các nhân viên thi hành án của Toà án cấp cao được Tổng Chưởng lý uỷ quyền; giới thiệu về Bộ quy tắc thi hành tốt nhất (Code of Best Practice); Bộ quy tắc ứng xử và các quy định pháp luật về thi hành án; việc xây dựng và thực hiện các chiến lược hành động; cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại trong thi hành án; kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thi hành án.
Đặc biệt, ông Micheal đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong tổ chức thi hành án tại Vương quốc Anh, thực tiễn cho thấy những kết quả đạt được đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, rút ngắn thời gian thi hành án, giám sát quá trình thực hiện thi hành án cũng như tạo điều kiện tiếp cận tối đa cho các đối tượng liên quan trên cơ sở đảm bảo tính minh bạch, đơn giản hoá thủ tục, công bằng cho mọi đối tượng liên quan.
Các thành viên Đoàn công tác đã tích cực trao đổi với các chuyên gia HCEOA về các vấn đề quan tâm trong thực tiễn tổ chức thi hành án tại Việt Nam, kinh nghiệm trong xử lý tài sản là bất động sản tại Anh và hoàn thiện chính sách pháp luật thi hành án trong thời gian tới. Tại Buổi làm việc, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị HCEOA tiếp tục có các hoạt động nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia giúp Việt Nam xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án tại Anh.
Trong thời gian công tác, Đoàn đã thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và làm việc với Đại sứ Nguyễn Hoàng Long. Tại Buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã thông tin cho Đại sứ về mục đích chuyến công tác, kết quả trao đổi, làm việc với Bộ Tư pháp Vương quốc Anh và các cơ quan có liên quan. Đại sứ đã có những trao đổi về tình hình quan hệ giữa 02 nước và các hoạt động sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trên cơ sở trao đổi thông tin, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã đề nghị Đại sứ quan tâm, tiếp tục có các hoạt động cần thiết, làm cầu nối để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Vương quốc Anh trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, định hướng hợp tác quốc tế về pháp luật, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là phục vụ xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.


Các tin khác