Trên cơ sở Đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua và trình Quốc hội, ngày 08/6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Dự án Luật THADS (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Thực hiện Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phân công xây dựng Dự án, Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Kế hoạch xây dựng Luật. Tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện 16 Bộ, ngành có liên quan đến công tác THADS (Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam) và 03 Ủy ban nhân dân (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng).
Ngày 22/8/2024, Ban soạn thảo Dự án Luật đã tổ chức phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để công bố các Quyết định, Kế hoạch và triển khai công tác xây dựng Luật. Đồng chủ trì phiên họp: đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban soạn thảo và đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Ban soạn thảo.
Thay mặt bộ phận Thường trực, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Tổ trưởng Tổ biên tập đã báo cáo về tình hình triển khai và xin ý kiến Ban soạn thảo về định hướng xây dựng dự án Luật THADS (sửa đổi).
|
|
Theo đó, Thường trực Ban soạn thảo đã rà soát đầy đủ văn bản, chủ trương của Đảng, để thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến THADS như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020... Đặc biệt, Thường trực Ban soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để kịp thời thể chế trong Dự án Luật.
Tại phiên họp, các đồng chí thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đánh giá cao sự chuẩn bị của Thường trực Ban soạn thảo với tinh thần trách nhiệm, trong thời gian rất ngắn đã xây dựng Dự thảo Luật và các hồ sơ, tài liệu kèm theo. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trên thực tế của công tác THADS từ thực tiễn, từ đó đề xuất các định hướng giải pháp để hoàn thiện Luật THADS về mở rộng quyền cho người được thi hành án; hoàn thiện các nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức trong THADS để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS; về việc xác định điểm dừng, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án; về việc nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên; sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan...
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cần có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên nhưng cần sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan; nghiên cứu, luật hóa các chế tài phù hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành án; đảm bảo tính tương thích với pháp luật khác có liên quan; thiết kế các điều luật về trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong THADS, kiểm sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoạt động bán đấu giá tài sản để tương thích với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...
Kết luận phiên họp, đồng chí Mai Lương Khôi đề nghị Thường trực Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Tổ biên tập, Lãnh đạo Tổng cục, các Cục THADS, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan để tập trung đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo việc đăng tải, lấy ý kiến và xây dựng Dự án Luật đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.