Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái: “Đổi mới và hoàn thiện tổ chức, hoạt động thi hành án là vấn đề có tính chiến lược”

27/08/2024


Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, yêu cầu về đổi mới và hoàn thiện tổ chức, hoạt động thi hành án trong tình hình mới được coi là vấn đề có tính chiến lược với những bước đi thích hợp. Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này. 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp thích hợp để thực hiện các mục tiêu đặt ra đến năm 2045. Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đó, công tác THADS phải đảm bảo thực hiện được các yêu cầu liên quan đến 08 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Nghị quyết này đã xác định.
Cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên
Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định định hướng, nhiệm vụ của công tác THADS trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới tại nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ bảy là “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Tại nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ tám “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, công tác thi hành án cũng được đề cập: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác … thi hành án”.
Công tác THADS vừa mang đặc trưng là một trong những hoạt động tư pháp, vừa là một trong những công tác do Chính phủ quản lý. Do đó, định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS cũng gắn với nhiệm vụ và đòi hỏi tổ chức và hoạt động của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số”.
Đồng thời, việc thực hiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp do Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra đối với công tác THADS không thể tách biệt mà phải gắn kết chặt chẽ và bám sát các nhiệm vụ, giải pháp còn lại của Nghị quyết số 27-NQ/TW, như công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, trong các lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể của công tác THADS.
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp nêu trên, yêu cầu về đổi mới và hoàn thiện tổ chức, hoạt động thi hành án trong tình hình mới được coi là vấn đề có tính chiến lược với những bước đi thích hợp.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác THADS nhằm đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án phải được thi hành
Nhằm tăng cường hiệu quả tổ chức và hoạt động THADS, THAHC, trước hết công tác THADS cần tiếp tục đảm bảo và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cụ thể, tại Trung ương, cần tiếp tục phát huy vai trò của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS trong việc tăng cường tham mưu Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để hoàn thiện các chủ trương, chính sách, thể chế về THADS, các điều kiện đảm bảo hiệu quả công tác THADS.
Tại địa phương, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành ủy, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, các ban của đảng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cũng sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đảm bảo việc thi hành kịp thời các bản án, quyết định hành chính.
Đồng thời, các cơ quan THADS cần tham mưu cấp ủy, UBND trên địa bàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành, thực hiện tốt Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác THADS và tổ chức quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, công tác THADS.
Trong nội bộ hệ thống THADS, cần phát huy vai trò của cơ sở đảng trong việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác THADS, nhất là tăng cường tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu, thực chất Nghị quyết số 27-NQ/TW và thực hiện các quy định của Đảng như Quy định số 132-QĐ/TW và những điều Đảng viên không được làm. Các hoạt động này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lồng ghép vào các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, gắn với công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng thể chế, tham mưu thực thi pháp luật, đào tạo bồi dưỡng, phát động phong trào thi đua, đề xuất sáng kiến trong toàn Hệ thống.
Cùng với đó, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống THADS đảm bảo theo yêu cầu quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Mô hình tổ chức THADS trong giai đoạn mới cần đổi mới theo các định hướng và giải pháp sau: Tinh gọn đầu mối bộ máy các cơ quan THADS; Kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả; Xã hội hóa một số hoạt động THADS; Hoàn thiện pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan.
Công tác THADS vừa mang đặc trưng là một trong những hoạt động tư pháp, vừa là một trong những công tác do Chính phủ quản lý.
 
Hoàn thiện pháp luật về THADS theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW
Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, cần thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, cần tập trung thể chế hoá một số định hướng, chính sách chính như sau: Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và các cơ chế kiểm soát, bảo vệ Chấp hành viên, trách nhiệm của cơ quan liên quan; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục THADS, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật theo cả chiều dọc và chiều ngang; Tiếp tục nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế, tham gia tổ chức hợp tác đa phương về THADS; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác THADS.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, cần tăng cường chất lượng bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định một trong ba trọng tâm của giai đoạn mới là “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”
TAND các cấp cần hoàn thiện vai trò trung tâm của mình trong việc thực hiện quyền tư pháp theo 03 nhóm nhiệm vụ đầu tiên đã được xác định cụ thể tại mục IV.7 của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nghiên cứu bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án; tăng cường trách nhiệm của Tòa án đối với tính khả thi của các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. Đồng thời, cần hiện đại hóa hệ thống tư pháp, xây dựng thành công Tòa án điện tử và tích hợp cơ sở dữ liệu của ngành Tòa án vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Kiện toàn và tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị của đội ngũ công chức, đảm bảo điều kiện và hiệu quả làm việc.
Đối với Trọng tài thương mại, Hội đồng Cạnh tranh, cần tiếp tục phát huy vai trò giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, các tranh chấp về kinh tế thường lựa chọn Trọng tài thương mại như là một ưu tiên. Bên cạnh đó, một số thiết chế khác như hòa giải thương mại cũng đang được hình thành và phát triển. Các cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế này ngoài chú trọng các vấn đề hòa giải, đối thoại, tìm ra giải pháp tối ưu cho các bên cũng cần chú ý đến tính khả thi của các phán quyết, quyết định.
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, hệ thống THADS cần tiếp tục tập trung phát triển đội ngũ công chức và nguồn nhân lực THADS có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, chí công, vô tư, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thực hiện phân công hợp lý và tăng cường bảo đảm an toàn cho Chấp hành viên, công chức ngành THADS trong quá trình thực thi công vụ.
Tăng cường chuyển đổi số, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động THADS. Việc đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng cho hoạt động THADS phải bảo đảm gắn liền với yêu cầu tinh gọn bộ máy, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tốn kém. Đồng thời, phải tận dụng và phát huy hết các kết quả đạt được từ sự đầu tư của nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là gắn kết THADS với THAHS.
Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp trong THADS. Các quy định pháp luật, trước hết, cần quy định chặt chẽ, cụ thể quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, người có chức vụ quyền hạn trong quá trình thực thi nhiệm vụ đặc thù nói riêng và hướng tới mục tiêu thi hành nghiêm minh bản án, quyết định nói chung. Tiếp đó, cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, nâng cao ý thức trách nhiệm phối hợp của từng ngành, địa phương trong công tác phối hợp ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả để mỗi ngành thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS.
Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS