Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: Lập kế hoạch tuyên truyền về Thừa phát lại

15/09/2010
Hôm qua (14/9), tại TP.HCM, trong khuôn khổ của Chương trình đối tác Tư pháp – JPP 2010 – 2015, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội nghị quán triệt, thống nhất nội dung, kế hoạch tuyên truyền về Thừa phát lại (TPL) trong thời gian thực hiện thí điểm TPL tại TP.HCM.


Hội nghị nhằm nắm bắt nhu cầu của 5 Văn phòng TPL cần được JPP hỗ trợ, nhất là công tác tuyên truyền có hiệu quả về hoạt động của TPL tại TP.HCM. Đồng thời, nghe các ý kiến tư vấn, góp ý cho Đề cương Chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức về TPL như: Những nội dung nào cần tuyên truyền, các hình thức tuyên truyền cụ thể, dễ đi vào xã hội và có tính lan tỏa rộng... Được biết, Chương trình với mục tiêu: Hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam theo Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các nhà tài trợ của chương trình gồm: EU, Danmark, Sweden, Canada. Cụ thể, chương trình nhằm hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp; Tổ chức và hoàn thiện các cơ quan tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp; Nâng cao năng lực của cán bộ tư pháp, cán bộ trợ giúp pháp lý, các chủ thể, đội ngũ bổ trợ tư pháp và các chuyên gia trong ngành tư pháp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp nêu lên tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền cho TPL đang trong quá trình thí điểm tại TP.HCM. Ông Sơn nhấn mạnh: Sau cuộc họp này, những người tham gia nhóm dự án sẽ xây dựng dự thảo chi tiết, trên cơ sở đó sẽ khảo sát, tiếp tục lấy ý kiến và tiến hành thực hiện ngay. Về cách thức tuyên truyền, tạm thời gồm hình thức tuyên truyền miệng (báo cáo viên), tờ rơi, báo chí... Song, cần ưu tiên cho hình thức nào hiệu quả nhất thì nhóm dự án sẽ cân nhắc quyết định. Ông Trần Văn Bảy, trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở TP TP.HCM cho biết: Dù có dự án hỗ trợ hay không thì chúng tôi cũng đã xác định phải thực hiện công tác tuyên truyền cho TPL, có dự án thì có thể việc tuyên truyền sẽ tốt hơn. Năm 2012 kết thúc thời gian thí điểm là thời điểm thuận lợi để tuyên truyền. Bên cạnh đó, điểm nhấn của tuyên truyền cần rơi vào dịp sơ kết công tác TPL – đặc biệt là lúc tổng kết thí điểm TPL. Đại diện Phòng Tuyên truyền Sở Tư pháp TP.HCM góp ý: Trong đề cương tuyên truyền cần đưa vào đối tượng tuyên truyền, chủ thể tuyên truyền.

Ông Lê Mạnh Hùng - trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh nhận định, dân chưa biết chức năng, nhiệm vụ của TPL nhiều, chúng tôi vừa làm, vừa phải giải thích từng chi tiết cho dân. Do vậy, cũng cần thiết phổ biến cho giới luật sư biết về chức năng, nhiệm vụ của TPL, để thông qua họ có thể tuyên truyền cho dân. Ông Sơn bày tỏ sự đồng tình và yêu cầu ông Hùng đề xuất hướng thực hiện. Theo ông Hùng nên có hội thảo hoặc thông qua các văn phòng luật sư, các công ty luật... Ông Đoàn Tiến Hưng – trưởng Văn phòng TPL Quận 1 cho rằng: Doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên gặp tranh chấp, do vậy nên tuyên truyền sâu rộng tới họ... TS Lê Tiến Châu – Phó trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM đưa ra đề nghị thuê hẳn một đơn vị chuyên nghiệp để xây dựng “kịch bản tuyên truyền” trên truyền hình... Việc xây dựng một website chung cho 5 Văn phòng TPL cũng được các đại biểu nêu ra. Ý kiến này được ông Sơn quan tâm: “Khó khăn gì cũng cần xây dựng cho được website của 5 Văn phòng TPL và thực hiện tuyên truyền trên truyền hình. Về tọa đàm, hội thảo mà nhiều đại biểu nêu, có thể gắn liền với buổi sơ kết, tổng kết để có thể hiệu quả hơn; Kể cả công tác bồi dưỡng cho chính bản thân những TPL... - ông Sơn nói.

Phong Trần