Do vậy, thống kê kết quả thi hành án dân sự một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác luôn là một trong những yêu cầu đặt ra đối với các đối tượng thực hiện Chế độ báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, qua gần 1 năm thực hiện Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự cho thấy, để đảm bảo phát huy được hiệu quả của công tác thống kê thi hành án dân sự, cần phải khắc phục một số hạn chế trong thời gian qua.
Việc lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự
Theo quy định của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì Chấp hành viên phải thực hiện 8 biểu, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện 10 biểu. Riêng Thi hành án dân sự tỉnh còn phải thực hiện tổng hợp kết quả thi hành án dân sự của toàn tỉnh 12 mẫu. Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện, một số tỉnh đã không lập đầy đủ các mẫu theo quy định, cá biệt có nơi vẫn sử dụng mẫu báo cáo thống kê cũ, làm ảnh hưởng đến tổng hợp kết quả thi hành án chung của toàn quốc.
Việc phối hợp giữa cán bộ thống kê với Chấp hành viên, Kế toán nghiệp vụ và cán bộ có liên quan
Các chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động của Chấp hành viên và các cơ quan Thi hành án; phản ánh tình trạng công việc của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, số liệu gốc của báo cáo sẽ được phản ánh từ hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên. Tuy nhiên, số liệu về kết quả thi hành án dân sự còn được phản ảnh trong nhiều tài liệu khác như Báo cáo tài chính, Sổ theo dõi ra quyết định thi hành án, sổ thụ lý thi hành án...Do đó, trong quá trình lập báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự đòi hỏi phải có sự so sánh, đối chiếu nhằm phát hiện các sai sót để kịp thời bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp. Tuy nhiên, qua việc thực hiện kiểm tra, thống kê thi hành án dân sự thời gian qua cho thấy có rất ít đơn vị thực hiện việc đối chiếu này, dẫn tới tình trạng số liệu phản ánh chưa đúng thực trạng quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều đơn vị số liệu thống kê kết quả công việc giữa báo cáo của Chấp hành viên không trùng khớp với số liệu trên các báo cáo của đơn vị, hoặc số liệu trên các báo cáo của đơn vị không trùng khớp với các số liệu đuợc phản ảnh trên các loại sổ sách thi hành án dân sự như sổ theo dõi ra quyết định thi hành án, sổ thụ lý thi hành án…Cá biệt, có một số đơn vị không lập được đầy đủ các loại báo cáo thống kê theo quy định.
Rà soát, phân loại án trước khi xây dựng báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự
Báo cáo thống kê thi hành án dân sự phản ánh kết quả hoạt động của Chấp hành viên và đơn vị thi hành án. Các chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự phản ánh tình trạng hồ sơ thi hành án như thế nào, án có điều kiện giải quyết hay không có điều kiện giải quyết; án có điều kiện tài sản hay không có điều kiện về tài sản...Do đó, để xác định được các chỉ tiêu này đòi hỏi Chấp hành viên phải phân loại án một cách chính xác. Nhưng để phân loại án chính xác, đòi hỏi Chấp hành viên phải nắm vững tình trạng của từng hồ sơ do mình phụ trách, đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với từng giai đoạn của quá trình tổ chức thi hành án, từ đó phân loại và thống kê kết quả thực thi hành án vào các chỉ tiêu tương ứng. Có thể nói thực chất quá trình thống kê thi hành án dân sự chính là quá trình rà soát và phân loại án. Còn việc lập biểu báo cáo thống kê thi hành án dân sự chỉ là phản ánh lại, ghi chép lại kết quả thi hành án của Chấp hành viên hay nói một cách khác, đó chỉ là việc ghi chép lại kết quả rà soát khối lượng công việc, tình trạng công việc của mỗi một Chấp hành viên, để từ đó tổng hợp nên khối lượng công việc, tình trạng công việc của từng đơn vị thi hành án và trong toàn quốc tại mỗi một kỳ báo cáo. Để biểu thống kê được đầy đủ, chính xác, thì việc rà soát, áp dụng chính xác các biện pháp nghiệp vụ thích hợp đối với từng vụ án cụ thể nhằm phân loại án được kịp thời luôn phải được Chấp hành viên quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục.
Xác định kỳ báo cáo thống kê và thời điểm lấy số liệu báo cáo thống kê thi hành án.
Theo quy định tại Điều 6 của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kỳ báo cáo thống kê thi hành án dân sự là khoảng thời gian nhất định mà đối tượng báo cáo thống kê thi hành án dân sự phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm có kỳ báo cáo 1 tháng, kỳ báo cáo 3 tháng, kỳ báo cáo 6 tháng, kỳ báo cáo 9 tháng và kỳ báo cáo 12 tháng. Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Chế độ báo cáo thống kê nêu trên, thì thời điểm lấy số liệu lập báo cáo thống kê được xác định như sau:
Năm báo cáo thống kê thi hành án được tính từ ngày đầu tiên của Quý IV năm trước đến ngày cuối cùng của Quý III năm sau, trong đó: báo cáo thống kê 1 tháng là kết quả báo cáo thống kê theo từng tháng, liên tục bắt đầu từ tháng đầu tiên của Quý IV năm trước đến tháng cuối cùng của Quý III năm sau; báo cáo thống kê 3 tháng là kết quả báo cáo thống kê từ ngày đầu tiên của Quý IV năm trước đến ngày cuối cùng của Quý IV năm đó; báo cáo thống kê 6 tháng là kết quả báo cáo thống kê từ ngày đầu tiên của Quý IV năm trước đến ngày cuối cùng của Quí I năm sau; báo cáo thống kê 9 tháng là kết quả báo cáo thống kê từ ngày đầu tiên của Quý IV năm trước đến ngày cuối cùng của Quý II năm sau; báo cáo thống kê 12 tháng là kết quả báo cáo thống kê từ ngày đầu tiên của Quý IV năm trước đến ngày cuối cùng của Quý III năm sau.
Như vậy, có thể thấy rằng mỗi một năm, thì một đơn vị thi hành án dân sự phải thực hiện 4 kỳ báo cáo: báo cáo 3 tháng, báo cáo 6 tháng, báo cáo 9 tháng và báo cáo 12 tháng. Nhưng trên thực tế cho thấy vẫn còn hiện tượng các đơn vị thi hành án xác định kỳ báo cáo là kỳ báo cáo quý (Quí I, Quí II, Quí III và Quí IV). Do cách xác định như vậy, nên đến kỳ báo cáo 6 tháng, sau khi hoàn thành báo cáo Quí II lại phải tổng hợp báo cáo Quí I và Quí 2 thành báo cáo 6 tháng....như vậy, ngoài 4 báo cáo quý, đơn vị đã phải tổng hợp thêm 3 báo cáo đó là báo cáo 6 tháng, báo cáo 9 tháng và báo cáo 12 tháng.
Mặt khác, việc xác định thời điểm lấy số liệu thống kê theo quý đã dẫn tới tình trạng số liệu phản ánh kết quả thống kê thi hành án dân sự không khớp với thời điểm lấy số liệu chung trong toàn quốc là năm báo cáo thi hành án dân sự được bắt đầu từ ngày 1/10 năm trước và kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng 9 năm kế tiếp.
Phương pháp tính
Để đảm bảo theo dõi được tình hình thi hành án dân sự một cách liên tục qua các kỳ báo cáo và phù hợp với thực tế của hoạt động thi hành án dân sự, tại Điều 10 của Chế độ thống kê thi hành án dân sự đã quy định số liệu thống kê được tính luỹ kế qua mỗi kỳ báo cáo. Cuối mỗi kỳ báo cáo, các đối tượng thực hiện chế độ thống kê phải chốt số liệu để lập báo cáo, đồng thời không được chuyển số liệu từ kỳ báo cáo này sang kỳ báo cáo khác. Nhưng khi thực hiện quy định này, vẫn có một số đơn vị không thực hiện việc tính luỹ kế qua mỗi kỳ báo cáo, mà thực hiện khoá sổ ngay tại mỗi quý, nên đã dẫn đến việc phải lập thêm báo cáo như ở điểm 3 nêu trên.
Việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo thống kê
Gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự kịp thời, đúng quy định ngoài việc giúp cho các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự tổng hợp đúng hạn báo cáo thống kê kết quả thi hành án gửi các cơ quan có thẩm quyền, còn giúp cho Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án dân sự đánh giá được tình trạng thực hiện nhiệm vụ chính của mỗi một chấp hành viên, mỗi đơn vị thi hành án và của toàn quốc, từ đó có biện pháp thúc đẩy kết quả thi hành án dân sự phù hợp với từng giai đoạn, hoặc căn cứ vào kết quả thi hành án để thực hiện việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp biên chế, thực hiện chế độ tài chính...,vì vậy chấp hành đúng thời hạn gửi báo cáo thống kê thi hành án luôn là một trong những yêu cầu mà các đối tượng thực hiện chế độ thống kê thi hành án dân sự phải thực hiện đúng.
Theo quy định tại Điều 12 của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, khi Chấp hành viên thống kê kết quả thi hành án của mình và báo cáo Trưởng thi hành án dân sự nơi công tác chậm nhất vào ngày mùng hai (02) của kỳ báo cáo kế tiếp, Thi hành án dân sự cấp huyện lập và gửi báo cáo thống kê 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng của đơn vị mình về Thi hành án dân sự cấp tỉnh chậm nhất vào ngày mùng bốn (04) của kỳ báo cáo kế tiếp, Thi hành án dân sự cấp tỉnh lập và gửi báo cáo thống kê 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng cho Bộ Tư pháp (Cục Thi hành án dân sự) chậm nhất vào ngày mùng sáu (06) của kỳ báo cáo kế tiếp. Nhưng trên thực tế chưa được nghiêm túc, phần lớn các đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê đều lập và gửi báo cáo thống kê chậm so với quy định, thậm chí có đơn vị nhiều kỳ báo cáo liên tiếp không lập được báo cáo thống kê.
Chỉnh sửa số liệu thống kê
Theo quy định tại Điều 13 của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, khi cần chỉnh sửa số liệu đã báo cáo thống kê, đơn vị báo cáo thống kê phải gửi bổ sung và thuyết minh về việc chỉnh sửa bằng văn bản cho đơn vị nhận báo cáo thống kê. Nghiêm cấm việc tự ý tẩy, xóa trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Trường hợp cần sửa chữa, phải có xác nhận và đóng dấu của Trưởng thi hành án nơi lập báo cáo thống kê đó. Tuy nhiên, qua kiểm tra các báo cáo của địa phương gửi về Cục Thi hành án dân sự cho thấy một số nơi chưa tuân thủ nghiêm túc quy định này. Một số trường hợp cán bộ tổng hợp thống kê tự ý sửa nội dung báo cáo thống kê, không báo cáo cho Thủ trưởng cơ quan biết để chỉ đạo Chấp hành viên và cán bộ có liên quan rà soát, đối chiếu trước khi chỉnh sửa. Vì vậy, có trường hợp báo cáo được gửi đi, nhưng Thủ trưởng cơ quan không biết được chính xác số liệu trong báo cáo.