Để quản lý tốt công việc của Chấp hành viên và các cơ quan Thi hành án dân sự, cũng như giúp các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự, ngày 14/4/2006 Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ban hành Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Chế độ thống kê thi hành án dân sự được ban hành, qua 1 năm thực hiện đã bước đầu giúp cho Chấp hành viên nắm chắc công việc của mình qua từng kỳ báo cáo, từ đó có kế hoạch thi hành án cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự việc thống kê kết quả thi hành án cũng đã giúp cho lãnh đạo đơn vị nắm chắc được tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và của cá nhân từng Chấp hành viên. Đồng thời, thông qua kết quả thống kê thi hành án dân sự cũng đã giúp các cơ quan quản lý có các phương án về tổ chức biên chế, tài chính và đánh giá chất lượng Chấp hành viên. Tuy nhiên, qua gần 1 năm thực hiện cũng cho thấy việc thực hiện Chế độ thống kê còn nhiều điểm vướng mắc cần được xử lý như: Thống kê đối với việc thi hành bằng nhiều biện pháp khác nhau, thống kê đối với việc miễn, giảm, đình chỉ thi hành án, trả đơn, thi hành đều. Để xử lý những vấn đề này, chúng tôi xin trao đổi như sau:
Thứ nhất, thống kê đối với việc thi hành một phần, phần còn lại giải quyết bằng biện pháp khác (đình chỉ, trả đơn, miễn, ủy thác thi hành án).
Theo qui định của Chế độ thống kê thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì số việc giải quyết xong bao gồm: xong hoàn toàn, đình chỉ, trả đơn. Trong đó xong hoàn toàn là việc đã được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành xong toàn bộ các khoản nghĩa vụ theo nội dung của quyết định thi hành án, hoặc được miễn thi hành án; đình chỉ thi hành án là việc mà quyết định đình chỉ thi hành án đình chỉ toàn bộ nội dung quyết định thi hành án; trả đơn yêu cầu thi hành án là việc mà quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án chấm dứt việc giải quyết toàn bộ nội dung quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều bản án, quyết định thi hành án được thi hành xong bằng nhiều biện pháp khác nhau (mỗi phần của bản án được xử lý bằng một biện pháp khác nhau như thi hành xong một phần, phần còn lại được giải quyết bằng đình chỉ, ủy thác, trả đơn, miễn thi hành án...). Do đó, để xử lý những trường hợp này, tại Phụ lục II của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự đã quy định một số trường hợp, mặc dù bản án mới được thi hành xong một phần, phần còn lại được giải quyết bằng các biện pháp khác (đình chỉ, uỷ thác, trả đơn yêu cầu thi hành án, miễn thi hành án) thì được coi là một việc thi hành xong. Như vậy, đối với những trường hợp này, cơ quan thi hành án thống kê vào mục thi hành xong hoàn toàn mà không thống kê vào các mục đình chỉ, ủy thác, trả đơn, miễn thi hành án.
Thứ hai, thống kê đối với việc miễn (miễn toàn bộ nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định), việc đình chỉ thi hành án.
Về nguyên tắc, mỗi việc thi hành án chỉ được thống kê một lần. Do đó, trong trường hợp Toà án có quyết định miễn thi hành án, sau đó cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án, thì việc đó sẽ được thống kê vào mục đình chỉ thi hành án mà không thống kê vào mục xong hoàn toàn. Đồng thời, tiến hành phân tích vào Mục IV "Số việc xong hoàn toàn" của các biểu tương ứng để theo dõi.
Thứ ba, thống kê đối với việc thi hành đều.
Theo quy định tại Điều 9 của Chế độ thống kê thi hành án dân sự, thì việc thi hành án được tính trên cơ sở quyết định thi hành án. Mỗi quyết định được tính là một việc. Việc thi hành đều, mặc dù là thi hành qua nhiều kỳ, nhưng chỉ có một quyết định thi hành án. Do đó, khi thống kê vào mục thi hành đều trong phần thi hành án xong, cơ quan thi hành án chỉ thống kê đối với những việc đã thi hành đến kỳ cuối cùng, hoặc các trường hợp được các bên thoả thuận thi hành 1 lần và cơ quan thi hành án ra quyết định kết thúc thi hành án. Những trường hợp còn lại thống kê vào mục thi hành án dở dang (đối với trường hợp đương sự có điều kiện và đang thi hành) hoặc thống kê vào các mục tương ứng khác, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như hoãn thi hành án (người được thi hành án đồng ý cho hoãn), trả đơn yêu cầu thi hành án (người phải thi hành án không có tài sản)....
Thứ tư, thống kê về giá trị đối với án thi hành xong, đình chỉ, miễn, giảm thi hành án
Về mặt giá trị, thi hành được đến đâu, bằng biện pháp gì, thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành thống kê vào mục tương ứng trong biểu thống kê. Cụ thể như sau:
- Trường hợp thi hành xong toàn bộ phần quyền, nghĩa vụ về tiền và tài sản trong bản án, quyết định thi hành án, thì thống kê vào mục "Số thi hành xong" hoặc "Số thực thu" của các biểu tương ứng;
- Trường hợp bản án, quyết định thi hành án được thi hành xong bằng nhiều biện pháp khác nhau (ủy thác, đình chỉ, trả đơn, miễn, giảm thi hành án, thi hành được một phần quyền, nghĩa vụ), trong đó có một phần quyền, nghĩa vụ đã được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành xong, thì thống kê như sau:
Phần thi hành xong thì thống kê vào số thi hành xong hoặc thực thu của biểu tương ứng;
Phần đình chỉ thống kê vào mục đình chỉ;
Phần ủy thác thống kê vào mục ủy thác;
Phần trả đơn thống kê vào mục trả đơn
Phần miễn, giảm thống kê vào phần miễn, giảm.
Riêng đối với những trường hợp miễn, giảm, đình chỉ, trả đơn, khi thống kê cơ quan thi hành án cần lưu ý:
Những trường hợp đình chỉ do có quyết định miễn, giảm thi hành án, thì thống kê vào mục miễn, giảm mà không thống kê vào mục đình chỉ thi hành án;
Những trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án do có quyết định đình chỉ thi hành án, thì thống kê vào mục đình chỉ mà không thống kê vào mục trả đơn. Như vậy, mục trả đơn yêu cầu thi hành án chỉ thống kê đối với những trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án do đương sự không có tài sản để thi hành án.
Hoàng Thế Anh - Cục Thi hành án dân sự