Ông Mai Lương Khôi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng: “Trong dự thảo Nghị định về “Tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí đểm tại TP.HCM” quy định về việc thanh tra, kiểm tra còn sơ xài. Trong khi đó, đây là một công cụ quan trọng, không thể thiếu. Ông đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về hành vi vi phạm, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý những vi phạm đó như thế nào để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần được các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nhiều hơn nữa về vai trò của tổ chức TPL trong xã hội được thể hiện như thế nào.
Về công tác quản lý Nhà nước đối với các văn phòng TPL trên địa bàn, ông Khôi góp ý: Không nên “quy hoạch” mỗi quận, huyện một văn phòng TPL, mà nên dựa vào quy mô, số dân, địa lý của từng quận, huyện để quy hoạch văn phòng cho phù hợp. Cụ thể, vài quận, huyện chỉ cần xây dựng một văn phòng TPL là đủ. Về ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nói ngay, nếu quy hoạch văn phòng TPL theo “khu vực” như đề nghị của ông Khôi thì không phù hợp với thực tế các đơn vị thi hành án hiện vẫn đang tổ chức theo địa hạt. Hơn nữa, công tác quy hoạch tòa án khu vực đến năm 2011 mới được thực hiện. Trong khi, TPL triển khai thực hiện trước thời điểm đó. Ngoài ra, ông Khôi góp ý rằng, nên bổ sung vào trong dự thảo Nghị định này phần xử lý vi phạm đối với văn phòng TPL và người làm TPL chứ không nên dựa vào Nghị định 76 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Vì làm như thế thì phải chỉnh sửa Nghị định 76. Bên cạnh đó, về nguyên tắc văn phòng TPL nên “bình đẳng” với cơ quan thi hành án. Ông Khôi lý giải, vì nếu đơn vị này phải “xin” cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thì phát sinh “cơ chế xin – cho”.
Ông Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp đặt vấn đề, nếu sau này các tổ chức TPL lớn mạnh, làm việc hiệu quả thì liệu thi hành án có “ngồi chơi xơi nước”. Về độ tuổi đối với TPL cũng nên quy định rõ, chứ nếu một ông TPL 80 tuổi chống gậy đi làm thì không thể chấp nhận. Theo ông Thanh, cũng cần phân định rõ TPL là “chấp hành viên” hay “bưu tá”. Bởi họ (TPL) làm chức năng của cả thi hành án và chức năng bưu tá. “TPL là người lập biên bản sự kiện pháp lý xảy ra và chụp hình sự kiện đó... Ví dụ: xây dựng nhà làm nhà kế cạnh nghiêng thì TPL ghi nhận sự kiện này nhưng không được phân tích, bình luận. Việc TPL mô tả sự kiện pháp lý xảy ra một cách trung thực sẽ là chứng cứ giúp tòa án làm rõ bản chất vụ việc hơn – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính dẫn chứng.
Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng, văn phòng TPL là DNTN thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đã như thế thì không nên khống chế địa bàn hoạt động. Quan điểm này cũng được ông Chu Hải Thanh đồng tình. Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM góp ý: Nếu đã là “vi bằng” (thu thập chứng cứ, lập văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện pháp lý...) thì phải khẳng định được dùng làm chứng cứ chứ không thể nói “có thể dùng làm chứng cứ” như trong dự thảo đề án. Đối với những vi bằng nào không có chữ ký của người vi phạm được coi là hợp lệ; những văn bằng nào cần hình ảnh... cũng cần nêu ra. Theo ông Nghĩa, trong điều quy định về kiêm nhiệm thì cũng cần quy định rõ không kiêm nhiệm những công việc cụ thể nào. Có ý kiến cho rằng nên quy định vi bằng chỉ là chứng cứ. Theo đó, khi ra tòa thì người lập vi bằng như là người làm chứng tại phiên tòa.
Ông Vũ Quốc Doanh, Phó Trưởng thi hành án dân sự TP.HCM cho rằng: “Sự cần thiết phải tổ chức thi hành đầy đủ các khoảng đã tuyên trong bản án, quyết định của tòa án. Nếu như tổ chức TPL chỉ có nhiệm vụ tổ chức thi hành riêng đối với phần mà người dân có yêu cầu, còn những khoản thu nộp ngân sách giao cho cơ quan thi hành án dân sự như quy định tại khoản 4, điều 3 của dự thảo thì chắc chắn rất khó thi hành khi TPL đã xử lý xong tài sản (không có tài sản khác). Hoặc là người dân đã được giải quyết xong yêu cầu của mình nên không quan tâm đến nghĩa vụ nộp ngân sách. Lúc này sẽ phát sinh tồn đọng mới tại cơ quan Thi hành án dân sự. Theo ông Doanh, mặc dù tại khoản 3 điều 37 và khoản 6 điều 44 dự thảo quy định phải phối hợp giữa TPL với cơ quan Thi hành án dân sự nhưng vẫn chưa rõ nghĩa và không có biện pháp chế tài nếu không phối hợp. Do vậy, cần quy định được sự phải giải quyết xong nghĩa vụ nộp ngân sách tại cơ quan Thi hành án dân sự trước khi yêu cầu TPL tổ chức thi hành án.
Cơ quan Thi hành án dân sự không phải là “Cấp trên” của văn phòng TPL, thậm chí không liên quan đến hoạt động của TPL mà phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc từ chối trái pháp luật khi không phê duyệt cưỡng chế là không hợp lý, nhất là tiền bồi thường thiệt hại cũng lấy từ ngân sách Nhà nước. Chưa hết, Điều 37 Dự án Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước quy định: Cơ quan Thi hành án dân sự phải bồi thường nếu có hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại. Do vậy, ông Doanh đề nghị cân nhắc khi đưa Điều 43 vào dự thảo Nghị định, bởi trong tình trạng quá tải tại cơ quan thi hành án như hiện nay thì rất có thể xảy ra nhiều trường hợp Nhà nước phải bồi thường thiệt hại đối với phần việc không phải do cơ quan Nhà nước thực hiện – ông Doanh nêu ý kiến.
Phong Trần