Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Hoàng Sỹ Thành: chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh quyết liệt tổ chức thi hành án

13/08/2012
Chiều ngày 04/8/2012, Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự gồm đồng chí Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành và Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Lê Thị Kim Dung đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.


Buổi làm việc chiều ngày 04/8/2012 của Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành và Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo Lê Thị Kim Dung là sự tiếp nối các buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ trưởng Hà Hùng Cường đối với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, với Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh và các ngành có liên quan về công tác tư pháp, công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn. Trên cơ sở và nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra từ kết quả Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh và các ngành có liên quan về công tác thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc cụ thể trên địa bàn nói riêng, Quyền Tổng cục trưởng đã làm việc với tập thể Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo các Phòng chuyên môn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh để chỉ đạo các giải pháp thực hiện.

Báo cáo của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh về kết quả các hoạt động nổi bật, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc của cơ quan này cũng như phát biểu của các cán bộ chủ chốt của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh cho thấy đây là địa bàn trọng điểm. Lượng án mà các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phải tổ chức thi hành là rất lớn và số lượng việc năm sau đều tăng so với năm trước (cụ thể: năm 2009 là 17.837 việc; năm 2010 là 19.076 việc; năm 2011 là 22.043 việc nhưng 10 tháng đầu năm 2012 đã là 22.154 việc, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 1.115 việc; đứng thứ tư so với các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc). Kết quả tổ chức thi hành án cho thấy: công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng có nhiều chuyển biến, “có khởi sắc” như nhận định của Bộ trưởng Hà Hùng Cường; đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tương đối cao so với khu vực (đạt tỷ lệ 61,22% về việc và 55,3% về tiền). Công tác tổ chức cán bộ khá bài bản (có sự chú trọng quan tâm công tác đào tạo cán bộ); công tác thi hành án dân sự thường xuyên nhận được sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp, nhất là các vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, đương sự có khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài. Kết quả phân loại, xử lý và giải quyết đơn thư của Tây Ninh đã đảm bảo và đạt tỷ lệ cao (92,1%, là đã vượt so với chỉ tiêu ngành đề ra của cả năm; hiện chỉ còn 16 đơn đang trong thời hạn giải quyết).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: Số lượng án quá nhiều và tỷ lệ kết quả đạt được chưa cao; Chấp hành viên, cán bộ thi hành án quá tải vì biên chế hiện có và biên chế được phân bổ chưa đảm bảo, số lượng Chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu (toàn tỉnh hiện có 59 Chấp hành viên/142 biên chế, trong đó có 18 Chấp hành viên vừa mới được bổ nhiệm nên số Chấp hành viên thực sự gánh vác trách nhiệm tổ chức thi hành án trong 10 tháng qua là 48 Chấp hành viên; có 31 biên chế vừa mới được bổ sung bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết 54 việc/tháng và hơn 540 việc/10 tháng); công tác luân chuyển cán bộ còn nhiều lúng túng, số Thẩm tra viên còn ít. Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều và có chiều hướng tăng cao (tổng số đơn thư các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh nhận được là 214 đơn, đứng đầu cả nước; con số đơn thư liên quan đến địa bàn Tây Ninh mà Tổng cục Thi hành án dân sự nhận được là 86 đơn, cũng là một trong 10 đơn vị có số đơn lớn nhất trong toàn quốc). Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của đơn vị còn tồn tại như còn chậm thời hạn giải quyết, các quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục Thi hành án dân sự còn bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh hủy và còn những trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh  bị cấp trên hủy; những việc khiếu nại tố cáo bức xúc, tồn đọng, kéo dài nhưng chậm được chỉ đạo giải quyết quyết liệt hoặc giải quyết chưa dứt điểm. Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo cũng thể hiện nội dung khiếu nại tố cáo của đương sự chủ yếu tập trung vào thủ tục kê biên, định giá tài sản để bán đấu giá và việc chậm tổ chức thi hành án, cho thấy còn nhiều lúng túng về nghiệp vụ thi hành án. 

Từ kết quả làm việc như trên, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành đã có chỉ đạo, yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh có giải pháp tập trung quyết liệt cho việc tổ chức thi hành án (phân công Lãnh đạo Cục chịu trách nhiệm; tăng cường Chấp hành viên về các địa bàn trọng điểm…) nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch ngành đã giao nhưng không được chạy theo thành tích; các giải pháp về công tác cán bộ như bổ nhiệm Trưởng phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; ưu tiên tạo nguồn và bổ nhiệm đủ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án; quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ; chú trọng chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp nhịp nhàng giữa Phòng Nghiệp vụ, tổ chức thi hành án và Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, giữa công tác nghiệp vụ và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn của Tổng cục (Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, Vụ Nghiệp vụ, Vụ Tổ chức cán bộ, ..);  tăng cường kiểm tra, nhất là đối với các Chi cục để tránh các sai sót về mặt nghiệp vụ; chỉ đạo thi hành quyết liệt và dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài (như vụ bà Trần Thị Dung); có phương án thi hành theo đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền và phạm vi (như vụ ông Trần Hoàn Kiếm).

Những giải pháp quyết liệt mà Quyền Tổng cục trưởng đã chỉ đạo, cùng với sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết nhất trí trong đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự của ngành thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh sẽ tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, minh chứng cho “sự khởi sắc” mà Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dành cho tỉnh khi đánh giá về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Nguyễn Thị Châm
(Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo)


Các tin khác