Cưỡng chế thi hành án:Càng ít, dân càng lợi

17/10/2012
Nếu không tự nguyện thi hành án trong một thời gian do luật định, người phải thi hành án sẽ phải chịu biện pháp cưỡng chế thi hành. Và khi đã bị áp dụng biện pháp này thì đương sự phải chịu thêm nhiều khoản chi phí như chi phí cưỡng chế thi hành án, lãi suất chậm thi hành án...Vì thế,để hạn chế đến mức thấp nhất chi phí cho người phải thi hành án, cơ quan thi hành án luôn đề cao công tác vận động, thuyết phục họ tự nguyện thi hành.


Nhiều vụ, không cưỡng chế, không thể thi hành.

Luật Thi hành án dân sự quy định, Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án; Thời hạn mà luật cho phép đương sự tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án;  Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế.

Mặc dù Luật chỉ giới hạn thời gian tự nguyện thi hành án là 15 ngày song trên thực tế, thời gian này luôn bị kéo dài hơn bởi nhiều nguyên nhân. Và một trong những nguyên nhân đó là để cơ quan thi hành án có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

Tuy nhiên, vận động thuyết phục không phải lúc nào cũng là biện pháp hiệu quả , đặc biệt là các trường hợp đương sự cố tình chây ỳ, trốn tránh, cản trở việc thi hành án. Nếu không dứt điểm bằng biện pháp cưỡng chế thì bản án không thể thi hành mà còn gây những bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp người dân không chịu thi hành án không phải vì không đồng tình với quyết định của cơ quan thi hành án mà sâu xa hơn là vì không đồng ý với quyết định/bản án của Tòa án. Họ luôn lấy lý do còn đang khiếu nại, đang chờ Tòa xem lại bản án để trì hoãn việc thi hành. Tuy nhiên, về nguyên tắc, bản án có hiệu lực, không có kháng nghị, không bị hoãn bởi cơ quan có thẩm quyền thì đương nhiên phải được đưa ra thi hành.

”Nhiều bản án nếu không cưỡng chế thì không bao giờ có thể thi hành”, đó là kết luận của nhiều cơ quan thi hành án khi nói về cưỡng chế thi hành án. Các cơ quan thi hành án cho biết, rất nhiều vụ việc, người thi hành án sẵn sàng manh động, chống trả quyết liệt nếu bị cưỡng chế. Nhưng nếu cơ quan thi hành án chùn tay sẽ tạo điều kiện dung túng cho đương sự. Tuy nhiên, khi cưỡng chế, phải chuẩn bị các phương án an toàn, có tính đến những tình huống xấu nhất, phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Trong quá trình cưỡng chế, vẫn luôn phải thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành.

Không thể thiếu vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án.

Từ nhiều năm nay, mô hình Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự (do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân) làm Trưởng ban đang phát huy vai trò tích cực trong công tác thi hành án, nhất là trong những vụ việc phức tạp phải tiến hành cưỡng chế. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay, 63/63 Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh và tuyệt đại đa số Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn.Vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự được đánh giá ”ngày càng khẳng định rõ nét hơn, đóng góp nhiều hơn và kết quả Thi hành án dân sự”. Bộ Tư pháp cũng cho biết: những vụ việc cưỡng chế lớn, phức tạp đều được các cơ quan Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch cụ thể và báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo cùng cấp trước khi tổ chức cưỡng chế. Công tác chỉ đạo cưỡng chế luôn được Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án với các ban, ngành có liên quan; lực lượng công an đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án. Hầu hết các vụ việc tổ chức cưỡng chế bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thành công. Năm 2012, cả nước không có vụ việc cưỡng chế nào để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, do thi hành án là công việc phức tạp, nhiều vụ việc nhạy cảm, trong khi đối tượng thi hành án nhiều người do ý thức chấp hành pháp luật kém nên thực tế số vụ cưỡng chế ở một số địa phương vẫn tiếp tục tăng. Để hạn chế thấp nhất số vụ việc phải cưỡng chế bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện thi hành án còn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Cần phát huy tối đa vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự. Và quan trọng gốc rễ của vấn đề là các bản án được tuyên phải đảm bảo tính khách quan, công bằng để người dân phải ”tâm phục khẩu phục”.

                                                            Thu Hằng

Box: Không cưỡng chế thi hành án vào những ngày lễ lớn

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Chấp hành viên và các Cơ quan Thi hành án dân sự thường xuyên chú trọng thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là việc tổ chức cưỡng chế thi hành án phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, đồng thời, yêu cầu không tổ chức cưỡng chế thi hành án vào những ngày lễ lớn hoặc vào thời gian trước và trong những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước.  


Các tin khác