Bế mạc Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2013

08/01/2013
Sáng ngày 08/01/2013, Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2013 tiếp tục trao đổi, thảo luận và nghe tham luận của các cá nhân, tập thể trong và ngoài hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong năm 2012 của các cơ quan Thi hành án dân sự, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013:

Năm 2012, đứng trước những thách thức lớn do đất nước gặp nhiều khó khăn: hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập giảm sút, song với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức người lao động trong trong các cơ quan Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự năm 2012 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Đã thi hành xong 395.284 việc, tăng 15.384 việc so với năm 2011, đạt tỷ lệ 88,58% số việc có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu 3,58%); giảm 4.886 việc so với số việc năm 2011 chuyển sang năm 2012; thu được trên 10.344 tỷ đồng, tăng trên 176 tỷ đồng so với năm 2011, đạt tỷ lệ 76,97% trên số tiền có điều kiện thu (vượt chỉ tiêu đề ra 6,97%). Tuy nhiên, trong công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Qua Báo cáo kết quả công tác năm 2012 và ý kiến trao đổi tại Hội nghị đã chỉ rõ, công tác thi hành án dân sự còn hạn chế này bao gồm: số việc và tiền phải thi hành chuyển sang năm 2013 vẫn còn nhiều (229.714 việc và trên 28.000 tỷ đồng) và chưa đạt chỉ tiêu giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau; việc phân loại án tại một số cơ quan Thi hành án dân sự chưa thực sự chính xác, số chưa có điều kiện thi hành về giá trị còn chiếm tỷ lệ cao.

 

 

Tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013 của các cơ quan Thi hành án dân sự và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tâm, cũng như giải pháp thực hiện:

Một là: Tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008, nhất là các văn bản từ năm 2012 chuyển sang; xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 36/NQ-QH13 ngày 23/11/2012  của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại và Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp; trong đó, tập trung vào nhiệm vụ sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi Nghị định 58, Nghị định 74, Nghị định 61 của Chính phủ; các đề án như: Nghị quyết về việc miễn một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành, Đề án mở rộng thí điểm Thừa phát lại...các văn bản đăng ký thực hiện trong năm 2013, bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động thi hành án dân sự.

Hai là: Đề ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo sự đột phá, đảm bảo thi hành xong đạt trên 88% về việc, 77% về tiền trên số có điều kiện thi hành; giảm tối thiểu 7-10% số việc chuyển kỳ sau; phân loại chính xác việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành, đảm bảo kết quả thi hành án dân sự thực chất, bền vững, kiên quyết không chạy theo thành tích.

Ba là: Tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là những địa phương tới đây sẽ thực hiện mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại.  Tổng cục, các đơn vị thuộc Tổng cục phải tăng cường phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đối với những việc thi hành án lớn, những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

Bốn làTiếp tục chú trọng thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ Lãnh đạo của toàn ngành, bảo đảm chất lượng và cơ bản đủ số lượng theo quy định. Làm tốt công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, công chức; tổ chức thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp; phối hợp tổ chức thi nâng ngạch chấp hành viên, thẩm tra viên... đảm bảo công bằng, đúng pháp luật. Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong toàn ngành. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm của cán bộ, công chức, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành án dân sự để từng bước đưa công tác tổ chức, cán bộ vào nề nếp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Quyết định của Bộ trưởng về việc ban hành chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và các nhiệm vụ khác của ngành, của cơ quan, đơn vị.

 

 

Sau hai buổi làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của ngành Thi hành án dân sự đã thành công tốt đẹp; những vấn đề trọng tâm, chủ yếu đã được báo cáo, trao đổi, thảo luận tại Hội nghị. Hội nghị đã nghe và thảo luận một số báo cáo quan trọng liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

 

Cảm ơn sự quan tâm của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng như toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Hoàng Sỹ Thành – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đã được nêu lên. Đồng thời, đồng chí cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới hoạt động của Tổng cục và mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị để có thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của Tổng cục, của ngành Thi hành án dân sự trong thời gian tới.

Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê