Kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2013

18/10/2013
Tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013.


Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37, Luật thi hành án dân sự và Luật thi hành án hình sự. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song công tác thi hành án dân sự và thi hành án hình sự năm 2013 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; bảo đảm cho các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực được thực thi trên thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án năm 2013 với những nội dung sau đây:

Đối với công tác thi hành án dân sự, xác định việc thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2013 là hết sức khó khăn, do vậy, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2013 do Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định, thi hành án là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2013, đồng thời, chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, ngày 28/12/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3955/QĐ-BTP giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2013 cho Tổng cục thi hành án dân sự; chỉ đạo Tổng cục giao chỉ tiêu cho các Cục Thi hành án dân sự trong toàn quốc; các Cục giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chi cục và từng Chấp hành viên, đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao và nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội. Kết quả cụ thể như sau:

Về việc, đến hết tháng 9/2012, số cũ chuyển sang là 229.714 việc; từ 01/10/2012 đến 30/9/2013 thụ lý mới 502.465 việc, tăng 79.973 việc (18,93%) so với năm 2012. Như vậy, tổng số việc phải giải quyết là 732.179 việc (trong đó, các cơ quan Thi hành án dân sự phải giải quyết 731.393 việc, các cơ quan Thi hành án trong Quân đội phải giải quyết 786 việc), tăng 89.294 việc (13,89%) so với năm 2012. Kết quả xác minh, phân loại, có: 569.693 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 77,81%), tăng 123.438 việc (27,66%) so với năm 2012; 162.486 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 22,19%). Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53% (thấp hơn chỉ tiêu được giao 1,47%). So với năm 2012, tăng 97.691 việc (24,71%), nhưng giảm 2,05% về tỷ lệ. Số việc chuyển kỳ sau là 239.144 việc, tăng 9.430 việc (4,10%) so với số việc còn phải giải quyết của năm  2012 chuyển sang năm 2013.

Về tiền, đến hết tháng 9/2012, số cũ chuyển sang là 28.266 tỷ 97 triệu 629 nghìn đồng; số thụ lý mới là 42.296 tỷ 503 triệu 265 nghìn đồng, tăng 17.241 tỷ 201 triệu 567 nghìn đồng (68,81%) so với năm 2012. Như vậy, tổng số tiền phải giải quyết là 70.562 tỷ 600 triệu 894 nghìn đồng (trong đó, các cơ quan Thi hành án dân sự phải giải quyết 70.494 tỷ 290 triệu 569 nghìn đồng, các cơ quan Thi hành án trong Quân đội phải giải quyết 68 tỷ 310 triệu 325 nghìn đồng), tăng 27.342 tỷ 967 triệu 831 nghìn đồng (63,27%) so với năm 2012. Kết quả xác minh, phân loại, có: 39.584 tỷ 914 triệu 60 nghìn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 56,10%), tăng 26.147 tỷ 335 triệu 337 nghìn đồng (194,58%) so với năm 2012; 30.977 tỷ 683 triệu 28 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 43,90%). Trong số có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 28.965 tỷ 5 triệu 600 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 73,17% (thấp hơn chỉ tiêu được giao 3,83%). So với năm 2012, tăng 18.620 tỷ 438 triệu 46 nghìn đồng (180%), nhưng giảm 3,81% về tỷ lệ. Số chuyển kỳ sau là 41.597 tỷ 591 triệu 489 nghìn đồng, tăng 13.331 tỷ 493 triệu 860 nghìn đồng (47,16%) so với số tiền còn phải giải quyết của năm  2012 chuyển sang năm 2013.

Về phần thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, đã giải quyết được 373.518 việc, tương ứng với số tiền 2.283 tỷ 77 triệu 413 nghìn đồng (đạt 70,5% về việc và 41% về tiền so với số phải thi hành loại này).

Về thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, sau khi Thông tư liên tịch về vấn đề này được ban hành, công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự đã có cơ sở pháp lý để thực hiện thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn. Về kết quả, số việc thụ lý là 71.445 việc, tương ứng với số tiền 2.439 tỷ 935 triệu 193 nghìn đồng; đã thi hành xong 36.050 việc (đạt tỷ lệ 50,5%) và thu được 310 tỷ 745 triệu 80 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 12,7%).

Về kết quả miễn, giảm thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân rà soát và lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án đối với 8.213 việc, với số tiền là 36 tỷ 942 triệu 25 nghìn đồng (giảm 2.918 việc nhưng tăng 1 tỷ 67 triệu 691 nghìn đồng so với năm 2012). Tổng số đã được miễn, giảm là 6.006 việc, với số tiền 32 tỷ 857 triệu 723 nghìn đồng, giảm 3.918 việc nhưng tăng 2 tỷ 983 triệu 50 nghìn đồng so với năm 2012.

Tình hình, kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án: Về cơ bản, hầu hết các vụ việc tổ chức cưỡng chế bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thành công, không có vụ việc nào để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 12.038 trường hợp (tăng 1.361trường hợp so với năm 2012), do có 1.942 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 10.096 trường hợp (tăng 1.151 trường hợp so với năm 2012), trong đó, có 7.047 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành.

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự: Tổng số đơn, thư khiếu nại tố cáo toàn Ngành đã tiếp nhận là 9.622 đơn (tương ứng với 7.321 việc), tăng 2.109 đơn = 28,07% so với năm 2012. Đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết, đã được phân loại, nghiên cứu giải quyết theo đúng quy định pháp luật; đối với đơn, thư không thuộc thẩm quyền, đã kịp thời chuyển đến các cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền. Đã giải quyết 7.145/7.321 việc (6.728 việc khiếu nại và 417 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 97,6%; số việc đang tiếp tục giải quyết là 176 việc. Qua theo dõi cho thấy, các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tập trung chủ yếu ở một số địa phương: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Thuận...

Về hoạt động kiểm sát, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự, tính đến ngày 30/9/2013, đã tiến hành 731 cuộc kiểm sát (trong đó, Viện KSNDTC thực hiện 03 cuộc, Viện KSND cấp tỉnh thực hiện 81 cuộc, Viện KSND cấp huyện thực hiện 647 cuộc) và 299 cuộc giám sát về thi hành án dân sự (trong đó, các cơ quan của Quốc hội thực hiện 10 cuộc, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện 262 cuộc, Mặt trận Tổ quốc thực hiện 04 cuộc, các cơ quan khác thực hiện 23 cuộc). Qua giám sát, kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền đã ra kết luận, kháng nghị, kiến nghị đối với 674 cuộc (439 cuộc kiểm sát, 235 cuộc giám sát), 317 cuộc đã thực hiện kiểm sát, giám sát, nhưng chưa có kết luận, kháng nghị, kiến nghị (259 cuộc kiểm sát, 58 cuộc giám sát), còn 39 cuộc đang tiến hành kiểm sát, giám sát. Các kiến nghị, kháng nghị của các cơ quan có thẩm quyền đã được nghiêm túc xem xét tiếp thu và khắc phục cơ bản kịp thời.

Về hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tống đạt giấy tờ. Việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã là động lực nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án.

Về kết quả đôn đốc thi hành án hành chính, số việc phải đôn đốc là 352 việc (số việc năm trước chuyển sang là 32 việc, số việc thụ lý mới là 320 việc); đã có văn bản đôn đốc thi hành đối với 350 việc, chưa có văn bản đôn đốc 02 việc; số việc đã thi hành xong là 313 việc, số việc chưa thi hành xong là 37 việc, số văn bản thông báo kết quả thi hành án nhận được là 53 việc.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37, trong đó có việc giao chỉ tiêu đối với công tác thi hành án dân sự đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện, đồng thời, tạo động lực rất lớn đối với toàn hệ thống thi hành án dân. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi hành án dân sự đã nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, bảo đảm thực chất; mặc dù chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền (tính theo tỷ lệ %), nhưng về giá trị tuyệt đối, đã giải quyết xong số việc và tiền nhiều hơn năm 2012. Các chỉ tiêu về ra quyết định thi hành án bảo đảm đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án; bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành mặc dù rất khó khăn nhưng đã được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hết sức quyết liệt, đã đạt được kết quả quan trọng, tiến bộ hơn so với năm 2012 và cơ bản hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội. Công tác xác minh, phân loại án dân sự có tiến bộ rất nhiều so với năm 2012; công tác thống kê báo cáo được quan tâm chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm số liệu thi hành án chính xác, thực chất hơn. Một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã và đang được tập trung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chú trọng, đáng lưu ý là việc biệt phái Chấp hành viên tăng cường cho các địa bàn có số lượng án lớn, còn nhiều yếu kém; đã đi đầu xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm trong hệ thống thi hành án dân sự. Chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao, tiếp tục đi vào nề nếp; đã giải quyết được 41/54 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Chính phủ cũng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án hành chính và thí điểm chế định Thừa phát lại tại các địa phương theo Nghị quyết số 36/NQ-QH13 của Quốc hội; hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thu được những kết quả tích cực, góp phần khẳng định chủ trương của Đảng ta về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW là đúng đắn. Trong điều kiện kinh tế đất nước gặp khó khăn, lượng án phải thi hành tăng cao so với những năm trước, đặc biệt là về tiền tăng rất cao, thì những kết quả đã đạt được càng có ý nghĩa to lớn và đến nay có thể khẳng định rằng, công tác thi hành án dân sự năm 2013 tiếp tục có chuyển biến cơ bản, thực chất và bền vững. Đạt được kết quả như đã nêu trên là nhờ có sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó có việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm chính trị cao của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự trong cả nước.

Tổng cục THADS