Những nội dung cơ bản về xác định vị trí việc đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương

31/12/2013
Thực hiện Luật cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây gọi chung là Nghị định số 36/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây gọi là Thông tư số 05/2013/TT-BNV), ngày 25/9/2013 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 6925/BTP-TCCB về việc triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị ngành Tư pháp, trong đó có hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Có thể nói việc xây dựng Đề án vị trí việc làm đối với hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương xuống địa phương là công việc rất quan trọng và cần thiết vì qua đó rà soát lại hệ thống các vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Ngành, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về tổng quan tổ chức bộ máy, công chức cơ quan Thi hành án dân sự và những nội dung cơ bản của Đề án vị trí việc làm cơ quan Thi hành án dân sự.


1. Tổng quan tổ chức bộ máy, công chức và người lao động của hệ thống Thi hành án dân sự

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan thì cùng với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong bộ máy nhà nước, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự cũng là đối tượng phải xây dựng đề án vị trí việc làm. Do đó, việc xác định tổng quan về tổ chức bộ máy và cơ cấu ngạch công chức cơ quan Thi hành án dân sự là cần thiết trước khi xây dựng đề án vị trí việc làm cơ quan Thi hành án dân sự.

Về tổ chức bộ máy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự thì hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất. Theo đó, ở Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; ở cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và ở cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan Thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự có 7 đơn vị chuyên môn trực thuộc; ở địa phương có 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 700 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Theo quy định tại Quyết định số 2785/QĐ-BTP ngày 25/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt cơ cấu tổ chức Cục Thi hành án dân sự, số lượng lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự và lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự thì về cơ bản Cục Thi hành án dân sự có 4 Phòng chuyên môn gồm: Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự và Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố thỏa mãn điều kiện về số lượng án dân sự phải thi hành và số lượng đơn vị Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc thì được thành lập thêm Phòng Tài chính - Kế toán. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định tách, thành lập thêm Phòng chuyên môn khác đối với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

Về đội ngũ cán bộ, công chức, hiện nay hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự được phân bổ 9.891 biên chế, cơ cấu ngạch cán bộ, công chức được quy định như sau: i) Tổng cục thi hành án dân sự có Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương; Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chức khác. ii) Cục Thi hành án dân sự tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án, có thể có Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Thư ký thi hành án và công chức khác. iii) Chi cục Thi hành án dân sự huyện có Chi Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Phó Chi Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp; Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án và công chức khác.

2. Những nội dung cơ bản của Đề án vị trí việc làm cơ quan Thi hành án dân sự

Theo quy định tại Phụ lục số 7 về Đề án (mẫu) vị trí việc làm ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV thì Đề án vị trí việc làm cơ quan Thi hành án dân sự bao gồm hai phần chính: Phần I là sự cần thiết và cơ sở pháp lý, Phần II là xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức. Ngoài ra, còn có Phụ lục kèm theo Đề án vị trí việc làm. Nội dung cụ thể của Đề án vị trí việc làm trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định nêu trên bao gồm:

Phần I. Sự cần thiết và cơ sở pháp lý

Sự cần thiết xây dựng đề án, bao gồm các nội dung về khái quát đặc điểm, nội dung và tính chất hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và những yếu tố tác động đến hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.

Cơ sở pháp lý xây dựng đề án vị trí việc làm trong lĩnh vực thi hành án dân sự đó là những văn bản quy định về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; những văn bản điều chỉnh, tăng, giảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; những văn bản pháp lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; những văn bản quy định về ngạch, cơ cấu ngạch công chức và số lượng biên chế trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự và những văn bản khác có liên quan.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự những văn bản là cơ sở pháp lý xây dựng đề án vị trí việc làm có thể kể đến chủ yếu bao gồm Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật Tố tụng hành chính năm 2010; Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009; Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/03/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Thông tư số 13/2013/TT-BTP ngày 13/9/2013 của Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Cục thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự; Thông tư số 10/2010/TT-BNV ngày 28/10/2010 của Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chấp hành viên và thư ký thi hành án dân sự; Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; Quyết định số 2785/QĐ-BTP ngày 25/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt cơ cấu tổ chức Cục Thi hành án dân sự, số lượng lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự và lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự.

Phần II. Xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức

Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện việc xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức của đơn vị mình với các nội dung sau đây:

Một là, xác định vị trí việc làm: Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 của Thông tư số 05/2013/TT-BNV, việc xác định danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương được thực hiện theo thứ tự sau: vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ. Việc liệt kê cụ thể vị trí việc làm các ngạch công chức của Cục và Chi cục Thi hành án dân sự căn cứ vào các văn bản là cơ sở pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; ngạch, cơ cấu ngạch và biên chế của cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

- Đối với Cục Thi hành án dân sự: Vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành gồm vị trí việc làm của Cục trưởng, Phó Cục trưởng và vị trí việc làm của các Trưởng phòng chuyên môn và các Phó trưởng phòng (hoặc tương đương) thuộc Cục. Vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ chủ yếu bao gồm vị trí việc làm của các ngạch Chấp hành viên; vị trí việc làm của các ngạch Thẩm tra viên; vị trí việc làm của các ngạch Thư ký thi hành án; vị trí việc làm của ngạch chuyên viên, kế toán, cán sự, văn thư, thủ quỹ, thủ kho, nhân viên đánh máy và vị trí việc làm một số ngạch chuyên môn, nghiệp vụ khác theo yêu cầu của công việc. Vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan Thi hành án dân sự chủ yếu gồm vị trí việc của cơ sở Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban nữ công, Lái xe và Nhân viên phục vụ.

- Đối với Chi cục Thi hành án dân sự: Vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành gồm vị trí việc làm của Chi Cục trưởng và Phó Chi Cục trưởng. Đối với vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ được thực hiện tương tự như đối với Cục Thi hành án dân sự, trừ những ngạch công chức không được bố trí hoặc những công việc không thuộc thẩm quyền của Chi cục Thi hành án dân sự theo quy định.

Hai là, dự kiến biên chế: Căn cứ Điều 5, Điều 6 của Thông tư số 05/2013/TT-BNV, Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự dự kiến biên chế đối với từng vị trí việc làm của đơn vị. Dự kiến số lượng biên chế cần có để bố trí theo từng vị trí việc làm số biên chế dự kiến này chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào điều kiện, tính chất, đặc điểm công việc; tổ chức lao động của cơ quan; khối lượng, số lượng công việc...  Việc dự kiến biên chế phù hợp sẽ giúp cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và chức trách được giao. Nội dung này được thể hiện ở cột 4 Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Ba là, xác định cơ cấu ngạch công chức: Việc xác định cơ cấu ngạch công chức trong hệ thống Thi hành án dân sự căn cứ vào Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 05/2013/TT-BNV. Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan Thi hành án dân sự  là tỷ lệ của số lượng các ngạch công chức ứng với toàn bộ danh mục vị trí việc làm. Việc xác định cơ cấu ngạch công chức đối với cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chỉ thực hiện với các vị trí việc làm không phải thực hiện hợp đồng lao động. Căn cứ dự kiến số lượng biên chế theo từng vị trí việc làm và ngạch công chức tương ứng để xác định số lượng ngạch công chức của mỗi vị trí việc làm. Đối với Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự, cần xác định rõ số lượng và tỉ lệ phần trăm của từng ngạch công chức như các ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký, Kế toán, Văn thư, Thủ kho, Thủ quỹ… so với tổng số danh mục vị trí việc làm (bao gồm vị trí lãnh đạo, quản lý; vị trí thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí hỗ trợ, phục vụ).

Bốn là, về những kiến nghị, đề xuất: Từ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ và bố trí, sử dụng công chức trong cơ quan, đơn vị mà cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc bố trí, sử dụng biên chế nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định. Có thể nói thi hành án dân sự là công việc khó khăn, phức tạp, số lượng việc thi hành án dân sự nhiều, tuy nhiên được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà tổ chức bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng được kiện toàn, công chức làm công tác thi hành án dân sự ngày càng được chuyên môn hóa theo các ngạch chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo quy định thì số lượng các vị trí việc làm của các cơ quan Thi hành án dân sự là rất nhiều, một số công việc vẫn còn phải kiêm nhiệm, một số tỉnh, thành phố lớn thì số lượng việc phải thi hành trên mỗi chấp hành viên là rất lớn nên dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Do đó, sau khi rà soát, xác định lại vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì các cơ quan Thi hành án dân sự có thể sẽ có những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh liên quan đến việc bố trí, sử dụng công chức của cơ quan.

Năm là, đề án áp dụng cơ quan, tổ chức, đơn vị có sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Theo quy định tại mục V Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV thì đối với cơ quan Thi hành án dân sự có sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức do cơ quan có thẩm quyền quyết định thì nội dung đề án điều chỉnh vị trí việc làm cần bổ sung các nội dung sau: Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và thực tế thực hiện về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tương ứng theo mục I (xác định vị trí việc làm), mục II (dự kiến biên chế) và mục III (xác định cơ cấu ngạch công chức) của Đề án vị trí việc làm. Cụ thể:

- Mục I: Bổ sung danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vị trí việc làm thực tế thực hiện và đề xuất bổ sung hoặc giảm vị trí việc làm.

- Mục II: Bổ sung biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, biên chế thực tế có mặt và đề xuất bổ sung hoặc giảm số lượng biên chế.

- Mục III: Bổ sung cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất ngạch công chức đối với vị trí việc làm mới, số lượng biên chế tăng thêm.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, đề án vị trí việc làm còn có các Phụ lục gửi kèm, bao gồm: văn bản thẩm định đề án của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; dự thảo Quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; các văn bản có liên quan và các mẫu biểu phục vụ xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, số lượng biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực hiện Luật cán bộ, công chức, các văn bản hướng dẫn thi hành và theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự thì các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị. Mặc dù, đây là những quy định mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện đề án vị trí việc làm theo quy định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp một số những khó khăn, lúng túng nhất định. Ví dụ, phương pháp thống kê vị trí việc làm đối với các ngạch công chức, (nên thống kê vị trí việc làm một lần đối với tất cả công chức có cùng ngạch hay mỗi công chức đều phải thống kê vị trí việc làm của mình); một số công chức do phân công kiêm nhiệm nhiều việc nên khi xác định vị trí việc làm không biết có thống kê cả những nhiệm vụ khác ngoài chuyên môn vào hay không; một số công việc mang tính dài hạn như xây dựng các kế hoạch, đề án … khó xác định chính xác thời gian hoàn thành và sản phẩm đầu ra cuối năm; chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định mức độ của các yếu tố ảnh hưởng; việc ước tính % thời gian thực hiện nhiệm vụ cũng như đầu ra của mỗi nhiệm vụ, số lượng đầu ra … cũng khó thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, v.v. Việc xác định vị trí việc làm của mỗi ngạch công chức và các yếu tố khác có liên quan càng chính xác thì việc dự kiến biên chế càng sát hơn với yêu cầu công việc. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở khoa học để điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên biên chế hiện có.  Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định nhưng đây là bước đầu triển khai thực hiện xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong toàn ngành, hy vọng rằng kết quả xây dựng đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương sẽ sớm phát huy tác dụng nhằm tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Nghĩa