Tìm hiểu quy định về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức

16/12/2013
Có thể nói việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nguồn nhân lực nói chung và xác định vị trí việc làm để làm cơ sở bố trí, sử dụng biên chế nói riêng trong các cơ quan nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và hiện đại hóa nền công vụ ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, lần đầu tiên Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định mới khái niệm “Vị trí việc làm”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định này về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức để các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương và địa phương có cơ sở triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến những nội dung cơ bản về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên.


1. Mục đích, ý nghĩa của việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Điều này sẽ giúp tuyển đúng người cho công việc. Xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức được pháp luật xác định là nhiệm vụ bắt buộc đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Vị trí việc làm được hiểu là chỗ làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vị trí việc làm có thể có một hoặc nhiều công việc, có tính thường xuyên, lặp đi lặp lại chứ không bao gồm những công việc thời vụ, tạm thời. Ý nghĩa của việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức là nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức; phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả cho hoạt động tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng công chức, đánh giá quy hoạch cán bộ và cải cách tiền lương hiệu quả.

Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa đó của việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, lần đầu tiên Luật cán bộ, công chức 2008 đã bổ sung thêm một số nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức. Trong đó, đáng chú ý là nguyên tắc kết hợp tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Nguyên tắc này tạo cơ sở khoa học đồng thời mang tính thực tiễn cao; giúp cho việc xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong quản lý biên chế cũng như bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Việc xác định biên chế được thực hiện trên cơ sở khoa học, không chỉ dựa vào nhu cầu công việc, nhiệm vụ của cơ quan, mà còn căn cứ vào tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ được kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ; việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ - đây chính là việc vận dụng nguyên tắc thực tài trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Gắn với nguyên tắc này là việc quy định chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.

2. Cơ sở pháp lý chung để xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Để đạt được mục đích, ý nghĩa nêu trên, sớm triển khai những nội dung mới của Luật cán bộ, công chức vào thực tiễn, ngày 22/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây gọi chung là Nghị định số 36/2013/NĐ-CP). Do việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức có nhiều nội dung mới nên để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, ngày 25/6/2013 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (sau đây gọi là Thông tư số 05/2013/TT-BNV). Hai văn bản này đã quy định một số khái niệm liên quan đến vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức như sau: Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cấu trúc của mỗi vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm bản mô tả công việc và khung năng lực phù hợp để hoàn thành công việc. Vị trí việc làm được phân loại gồm vị trí việc làm do một người đảm nhận, vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận và vị trí việc làm kiêm nhiệm. Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị là tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch phù hợp với Danh mục vị trí việc làm và biên chế công chức tương ứng.

Việc triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức căn cứ vào quy định chung của Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, Thông tư số 05/2013/TT-BNV và những văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Đối tượng xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Nghị định số 36/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức sau đây: i) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; ii) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; iii) Các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, của Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật quy định có công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; iv) Các cơ quan, tổ chức bao gồm Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân; các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cũng được áp dụng quy định của Nghị định này trong việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

4. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Điều 5 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP quy định việc xác định vị trí việc làm phải bảo đảm các nguyên tắc: i) Phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; ii) Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn; iii) Mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch công chức nhất định. Đối với vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lý thì có thêm chức danh lãnh đạo, quản lý và iv) Phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý công chức.

Việc xác định cơ cấu ngạch công chức phải dựa vào các nguyên tắc sau đây: i) Phải căn cứ số lượng Danh mục vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế đã được xác định; ii) Việc xác định chức danh ngạch công chức của mỗi vị trí việc làm phải đảm bảo phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên ngành; iii) Phải tuân thủ quy định về ngạch công chức cao nhất được áp dụng trong từng cấp hành chính hoặc từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và iv) Căn cứ tiêu chuẩn ngạch công chức và bản mô tả công việc, khung năng lực phù hợp của mỗi vị trí việc làm.

5. Căn cứ xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Điều 6 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP đưa ra sáu căn cứ xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, bao gồm: Một là, văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền ban hành. Hai là, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ba là, mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi và đối tượng phục vụ, quản lý; quy trình, thủ tục quản lý hoặc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Bốn là, mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin. Năm là, vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự và Sáu là, thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc xác định cơ cấu ngạch công chức căn cứ vào Danh mục vị trí việc làm và Tiêu chuẩn và chức danh ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm.

6. Phương pháp xác định vị trí việc làm:

Việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo phương pháp tổng hợp (Điều 7 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP). Xác định vị trí việc làm theo phương pháp tổng hợp là việc kết hợp giữa hoạt động phân tích tổ chức và phân tích công việc, được thực hiện theo tám bước sau:

Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (kể cả các công việc thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo các quy định của pháp luật). Việc thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như sau:

- Từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành thống kê công việc hiện đang được giao đảm nhận.

- Việc thống kê công việc phải tuân thủ nguyên tắc chỉ thống kê các công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại, gồm:

+ Những công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của các tổ chức cấu thành;

+ Những công việc thực thi, thừa hành thuộc về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi chung là công việc chuyên môn nghiệp vụ);

+ Những công việc thực thi, thừa hành mang tính phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành (gọi chung là công việc hỗ trợ, phục vụ).

- Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trình tự từ đơn vị cấp dưới lên đơn vị cấp trên trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và bản thống kê các công việc của cán bộ, công chức và người lao động, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thống kê công việc của tổ chức, đơn vị mình quản lý và báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.

- Việc thống kê công việc của từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động; việc thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Phụ lục số 1A và Phụ lục số 1B ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Bước 2: Phân nhóm công việc;

Trên cơ sở thống kê công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ đạo, triển khai việc tổng hợp và phân nhóm công việc bao gồm: các nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; các nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ. Việc phân nhóm công việc thực hiện theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng;

- Đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương thì vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: Tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý công việc; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thực trạng chất lượng, số lượng công chức của cơ quan, tổ chức; số lượng, khối lượng công việc được cấp có thẩm quyền giao; yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý và chất lượng công việc; chế độ làm việc, cách thức tổ chức công việc của cơ quan; những yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động...

- Ngoài các yếu tố như đối với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, việc xác định vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức ở địa phương còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: quy mô dân số, diện tích tự nhiên; mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

- Các yếu tố ảnh hưởng được xác định theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức hiện có (số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ);

Việc thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện bởi 2 báo cáo sau:

- Báo cáo thống kê thực trạng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (kể cả những người ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật) tại thời điểm xây dựng đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Báo cáo đánh giá thực trạng việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung báo cáo gồm: i) Đánh giá việc đáp ứng và sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đội ngũ công chức và người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ii) Đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp của việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức và người lao động theo nhiệm vụ đang đảm nhận.

- Việc thống kê thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo Biểu mẫu 01/BNV ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.

Bước 5: Xác định danh mục và phân loại các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (kể cả các công việc phải thực hiện chế độ hợp đồng lao động);

- Trên cơ sở thống kê công việc, phân nhóm công việc; các yếu tố ảnh hưởng; báo cáo thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định các vị trí việc làm và tổng hợp thành danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Mỗi vị trí việc làm khi xác định phải được quy về thuộc một nhóm công việc nói tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 05/2013/TT-BNV, bao gồm một hoặc một số công việc cụ thể.

- Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân thành các nhóm công việc: các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi, thừa hành; các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.

- Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổng hợp từ các vị trí việc làm cụ thể và được sắp xếp theo thứ tự: vị trí lãnh đạo, quản lý; vị trí thực thi, thừa hành (thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ); vị trí hỗ trợ, phục vụ. Danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thể hiện ở cột 2 của Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

- Dự kiến số lượng biên chế cần có để bố trí theo từng vị trí việc làm số biên chế dự kiến này chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào điều kiện, tính chất, đặc điểm công việc; tổ chức lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khối lượng, số lượng công việc... Nội dung này được thể hiện ở cột 4 Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV:

Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm;

- Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm được xác định tại Điều 5 Thông tư số 05/2013/TT-BNV, việc xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm được thực hiện gồm các nội dung sau:

+ Mô tả các công việc, các hoạt động và thời gian phải thực hiện (nếu xác định được) để hoàn thành từng công việc, từng hoạt động ở mỗi vị trí việc làm. Ví dụ: tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; nghiên cứu; soạn thảo văn bản; xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tế, tổ chức cuộc họp, trao đổi ý kiến; phối hợp;...

+ Kết quả (sản phẩm) công việc của vị trí việc làm;

+ Điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản lý, phương tiện, môi trường làm việc, phạm vi hoạt động, quan hệ công tác).

- Đối với những vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành, nếu kiêm thêm các công việc thuộc nhóm thực thi, thừa hành thì phần mô tả về công việc thực thi, thừa hành được thực hiện như đối với vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm;

 Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng gồm các năng lực và kỹ năng phải có để hoàn thành các công việc, các hoạt động nêu tại Bản mô tả công việc ứng với từng vị trí việc làm. Khung năng lực của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

Bước 8: Xác định ngạch công chức tương ứng (và chức danh lãnh đạo, quản lý - nếu có) với mỗi vị trí việc làm đã được xác định.

Việc xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được tiến hành gắn liền với quá trình xác định danh mục vị trí việc làm và căn cứ vào các yếu tố sau: lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ; tên của vị trí việc làm; bản mô tả công việc; khung năng lực; vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định về ngạch công chức cao nhất được sử dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung này được thể hiện ở cột 3 Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV.

7. Về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:

Trên cơ sở quy định của Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, Điều 11 Thông tư số 05/2013/TT-BNV đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức bao gồm các bước sau:

Bước 1: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của đơn vị mình trình cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.

Bước 2: Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.

Bước 3: Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ và Sở Nội vụ các tỉnh có trách nhiệm:

- Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ giúp Bộ thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ, trình lãnh đạo Bộ có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.

- Sở Nội vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc tỉnh; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.

8. Nội dung của đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm:

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 05/2013/TT-BNV thì cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm của đơn vị mình theo Phụ lục số 7 về đề án (mẫu) ban hành kèm theo Thông tư này. Hàng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Nếu có sự thay đổi về tổ chức, về nhiệm vụ, về số lượng, khối lượng công việc, thì xây dựng đề án điều chỉnh vị trí việc làm theo các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP. Nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị không gửi công văn và đề án đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vị trí việc làm theo quy định thì giữ ổn định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt. Nội dung của Đề án vị trí việc làm theo quy định tại Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV, bao gồm hai phần (Phần I là sự cần thiết và cơ sở pháp lý, Phần II là xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu ngạch công chức) và các Phụ lục kèm theo Đề án vị trí việc làm.

9. Về hồ sơ Đề án vị trí việc làm đề nghị phê duyệt:

Điều 11 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP quy định hồ sơ đề án vị trí việc làm đề nghị phê duyệt gồm: i) Công văn đề nghị phê duyệt Đề án vị trí việc làm; ii) Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; iii) Văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; iv) Bản sao Quyết định về việc thành lập; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và v) Các văn bản có liên quan đến việc xây dựng đề án.

10. Điều kiện và nội dung thẩm định Đề án vị trí việc làm:

Điều 12 Thông tư số 05/2013/TT-BNV quy định về điều kiện thẩm định Đề án vị trí việc làm như sau: Đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thẩm định khi có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trong nội dung của đề án được thành lập theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Các nội dung thẩm định Đề án vị trí việc làm được quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP bao gồm: i) Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định vị trí việc làm theo quy định; ii) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án; iii) Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực phù hợp và cơ cấu ngạch công chức tương ứng và iv) Điều kiện bảo đảm thực hiện sau khi đề án được phê duyệt.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ Hồ sơ hợp lệ về việc đề nghị thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức phải hoàn thành việc thẩm định để trình cơ quan có thẩm quyền ký văn bản gửi về Bộ Nội vụ theo quy định.

Nguyễn Văn Nghĩa


Các tin khác