Trao đổi kinh nghiệm thi hành án dân sự: Công tác nhân sự được xem trọng

01/08/2011
Ngày 27/7, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) – Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, tổ chức “Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác THADS cho cán bộ THADS các tỉnh thuộc khu vực phía Nam”.

Trần Kim Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Tiền Giang đã đến dự và phát biểu chào mừng Hội nghị.

“Khổ” vì dân không hiểu luật!

“Thiếu nợ thì từ từ trả, làm gì phải cưỡng chế, hơn nữa đây là việc thiếu nợ của người dân lẫn nhau chứ đâu phải thiếu nợ Nhà nước…” Ông Dương Minh Chiến, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Vĩnh Long kể lại câu chuyện thiếu hiểu biết pháp luật về THADS của người dân. Không ít trường hợp viện nhiều lý do Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho dân nghèo nên họ không chấp hành án. Dẫn đến khi cưỡng chế họ chống đối quyết liệt cho rằng chấp hành viên thi hành sai. Dù án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đương sự vẫn khiếu nại, khi có được phiếu nhận đơn của VKSNDTC, TANDTC thì họ lấy phiếu đó để đối phó với cơ quan THADS. Họ cho rằng đang khiếu nại, cấp trung ương đã nhận đơn, đang chờ giải quyết, khi nào có kết quả giải quyết của cấp trên thì sẽ thi hành án. Luật quy định, quyết định thi hành án và các quyết định khác về thi hành án phải được tống đạt đến tận tay đương sự, nhưng khi chấp hành viên đến nhà thì đương sự đang chấp hành hình phạt tù, còn người thân của họ không hợp tác. Trong khi, trại giam thì ở quá xa Cơ quan THADS và mỗi lần tiếp xúc đương sự phải xin giấy giới thiệu của Cục quản lý trại giam, mà Cục này đóng ở TP.HCM nên gây khó cho công tác THADS. Liên quan đến các đương sự đang chấp hành hình phạt tù, đại diện Cục THADS TP.HCM bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ: “Chấp hành viên, chuyên viên cần tăng cường đến các trại giam để thực hiện các thủ tục thông báo, thu tiền THA thông qua việc xác nhận THADS các trại giam thực hiện được nhiệm vụ xét đặc xá, miễn chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân”.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác dân vận trong THADS, bà Nguyễn Thị Cúc, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Ninh Thuận viện dẫn vụ việc: Cục Thi hành bản án hình sự phúc thẩm của TANDTC tuyên hai tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại tài sản”, về trách nhiệm dân sự, 14 bị cáo phạm tội “Hủy hoại tài sản” và hai đối tượng có nghĩa vụ liên quan liên đới bồi thường hơn 344 triệu đồng cho 116 cá nhân và 4 tổ chức. Vụ án này, về phần dân sự không có gì phức tạp. Nhưng đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do liên quan đến đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó, không có điều kiện THA, số người được THA khá đông. Sau khi xảy ra vụ án, hầu hết tài sản bị hủy hoại, ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của người dân, gây bức xúc trong cộng đồng. Họ không chịu làm đơn yêu cầu THA, mà tụ tập đến các cơ quan của tỉnh và THADS tạo áp lực yêu cầu giải quyết bồi thường, hỗ trợ thêm tiền và tạo điều kiện cho vay vốn để sớm ổn định cuộc sống. Trước sự vụ, Cục THADS phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra việc khiếu nại, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các đương sự… Chính vì vậy, sau 3 năm thi hành bản án, phần bồi thường dân sự đã thi hành xong, cụ thể tổ chức thi hành xong 118 vụ việc, giúp giảm án tồn đọng của Cục.

“Kéo” Chủ tịch xã sang làm án

Nói về công tác phân loại án, ông Nguyễn Văn Lộc, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Dương chia sẻ: Sau khi phân tích án, chấp hành viên tiến hành phân loại án theo các tiêu chí. Trong đó tập trung phân rõ loại án đang giải quyết và án chưa có điều kiện để có biện pháp giải quyết phù hợp. Để số liệu chính xác, chấp hành viên cập nhật số liệu thực tế của hồ sơ. Việc cập nhật này dễ dẫn đến sai sót. Do vậy, Cục ứng dụng “phần mềm” vào công tác này. Cụ thể, chấp hành viên cập nhật nội dung và quá trình THA, phần mềm tự động cập nhật và cho ra theo các mẫu báo cáo hàng tháng và lũy tiến; Hàng tháng số liệu sẽ được “chốt”, chấp hành viên sẽ không thể tùy tiện sửa đổi, do vậy số liệu luôn sát thực. Tiếp theo ông Lộc, ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An nói về công tác xác minh, phân loại việc THA của Cục thời gian qua đã kịp thời hơn. Để có được điều đó, cán bộ, chấp hành viên tỉnh đã tích cực xuống tận cơ sở phối hợp với UBND xã, phường các cơ quan liên quan…xác minh phân loại án; Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng bức xúc của người phải THA để vận động, thuyết phục họ; Khi không thể được thì mới lên kế hoạch xin ý kiến Ban chỉ đạo THA tiến hành cưỡng chế… Ông Gấn cũng nhìn nhận, thời gian qua Cục chưa làm tốt công tác THA Bộ giao, làm lãnh đạo Tổng cục buồn. Do vậy, Cục “hứa” tích cực làm mọi việc để khắc phục những cái tồn tại mà Cục đang gặp, nhất là đạt chỉ tiêu của năm 2011 mà Bộ giao, nhằm vượt ra khỏi “tốp đèn đỏ” (hai năm liên tiếp chưa hoàn thành chỉ tiêu).

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang chia sẻ về công tác giải quyết khiếu nại rằng: Cán bộ làm “khâu” này phải được bố trí ổn định, chọn trong số các đồng chí có trình độ, am hiểu các quy định của pháp luật; Chú trọng công tác nghiệp vụ, công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm nâng cao trình độ nghiệp vụ ngành. Đặc biệt, là công tác giáo dục đạo đức, tác phong, văn minh công sở; Kiên trì thuyết phục, động viên, giải thích đương sự hiểu rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo không có căn cứ hoặc không đúng sự thật… Đối với những vụ việc phức tạp, chưa thống nhất quan điểm, phải báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo THA để có biện pháp giải quyết, không để dẫn đến tình trạng khiếu nại phức tạp, đông người… Còn ông Huỳnh Văn Tam, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang, đơn vị 7 năm liền đạt chỉ tiêu Bộ đề ra chia sẻ: Đó là nhờ Cục chú trọng công tác tổ chức cán bộ đối với từng cá nhân ,đơn vị. Đặc biệt, Cục xem những chủ tịch xã mà có năng lực thì “xin” chuyển sang làm Chi cục trưởng; Mạnh dạn giao án cho cả các nhân viên, thư ký có năng lực để họ có cơ hội phát huy; Chú trọng giải quyết án lớn để giúp tăng giá trị THA; Đối với các chấp hành viên đạt 20 việc/tháng thì Cục sẽ khen thưởng; Đơn vị nào có 3 cá nhân trở lên làm được 20 việc thì tập thể cũng được khen thưởng…

Phong Trần

 

Ông Nguyễn Văn Luyện, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp phát biểu, nếu chúng ta không có “động thái” gì thì nhiều địa phương sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Làm thế nào chúng ta phải đạt được chỉ tiêu đề ra, không thể kết quả năm nay thấp hơn năm trước được. Tôi yêu cầu các Cục trưởng xem xét, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các địa phương bạn để áp dụng vào đơn vị mình.

 

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, trưởng Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM đồng chủ tọa buổi tọa đàm nói về khó khăn, tồn tại trong THA ở một số địa phương như: Một số lượng lớn bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng chưa thi hành... Công tác THADS trong 9 tháng đầu năm 2011 tại khu vực phía Nam chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa có những giải pháp mang tính đột phá, vì vậy kết quả THADS về việc cũng như về giá trị đạt tỷ lệ không cao (về việc đạt 66,22%; về giá trị chỉ đạt 48,61%); chưa giảm chỉ tiêu án tồn về việc và giá trị. Việc phân loại án có điều kiện thi hành về giá trị chỉ đạt trung bình trong toàn khu vực 37,5%, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt thì không ít địa phương sẽ khó đạt chỉ tiêu. Thống kê của Cơ quan đại diện: Hiện có 15 Cục đạt tỷ lệ thi hành về giá trị (số tiền thực thu) dưới 40%, 13 Cục đạt tỷ lệ thi hành về việc (xong hoàn toàn) dưới 60% - Đây chính là những lý do để Ban tổ chức thực hiện hội nghị này, với mục đích khu vực sẽ hoàn thành chỉ tiêu Bộ đề ra.