Giải pháp nào cho xử lý tài sản bảo đảm là tàu cá?

09/10/2023
Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (được sửa đổi bằng Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018) . Có thể nói Nghị định đã tạo những chính sách mang tính đột phá, tạo động lực phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau thời gian thi hành cũng đã bộc lộ những khó khăn, đặc biệt là các trường hợp người dân vay vốn đóng tàu nay phải trả nợ để thi hành án.


Chấp hành viên Cục THADS Bình Định trao đổi với người phải thi hành án tại hiện trường
Bài 1: Tàu ngừng ra khơi, ngư dân khóc ròng
Ông Trần Ngọc Hoàng và bà Nguyễn Thị Quá là người phải thi hành án theo bản án số 190/2022/QĐST-DS ngày 26/10/2022 của TAND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Theo quyết định thi hành án, 2 ông bà phải trả toàn bộ số nợ gốc là 4.195.000.000; tiền lãi hơn 301 triệu đồng cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Số nợ này là của hai hợp đồng tín dụng được ký kết vào năm 2015. Quyết định thi hành án nêu rõ, Agribank Chi nhánh TP. Tam Kỳ, Quảng Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp của ông Trần Ngọc Hoàng và bà Nguyễn Thị Quá để thu hồi nợ gồm 2 tàu đánh cá; Ngoài ra hai ông bà phải chịu chi phí thẩm định giá tài sản.
Ông Trần Ngọc Hoàng thẫn thờ bên con tàu bị kê biên, bán đấu giá
Thực hiện quyết định của Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Tam Kỳ đã tiến hành các quy trình xác minh thi hành án, xác minh hiện trạng tài sản thế chấp. “Hiện nay ngoài tài sản thế chấp (tàu cá -PV) thì hai ông bà không có tài sản gì khác. Họ đề nghị cơ quan THADS tiến hành cưỡng chế kê biên và bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay 2 tàu cá này đã thẩm định và bán đấu giá, hạ giá nhiều lần nhưng không có người mua”, đại diện Chi cục THADS TP. Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết.
“Hai năm đầu ra khơi, tàu cho thu nhập tốt, ngoài trả nợ mỗi năm trừ chi phí chúng tôi lãi được khoảng 100 triệu đồng. Nhưng từ khoảng năm 2018, chi phí xăng dầu lên cao, giá thủy sản lại giảm xuống, không đủ chi phí để tiếp tục ra khơi đánh bắt, dẫn đến việc không trả được nợ, tàu đã bị kê biên, bán đấu giá để trả cho ngân hàng”. Ông Hoàng buồn rầu kể chuyện.
Tàu không còn ra khơi, ông Hoàng ngậm ngùi trở về đất liền. Hiện nay ông ở với người con trai út, ai thuê gì làm đấy, thu nhập bếp bênh do việc lúc có lúc không. Nhưng nỗi lo lớn nhất của ông là món nợ lớn của Ngân hàng hiện không có khả năng thanh toán. “ Để giảm chi phí neo đậu, bảo quản, tôi đưa tàu về đỗ nhờ ở cửa sông Trường Giang, định kỳ thay nước, kiểm tra tàu để tránh hư hại, xuống cấp”, ông Hoàng cho biết.
Tương tự là trường hợp bà Nguyễn Thị Huệ, xã Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định. Theo quyết định thi hành án, bà Huệ phải trả cho Ngân hàng Agibank hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tài sản bảo đảm là tàu cá vỏ thép vẫn đang trong thời gian tổ chức bán đấu giá (lần 3) nhưng chưa có người mua. Trong cái dáng lam lũ, khắc khổ so với tuổi 56 của mình, bà Huệ kể nhà bà có 4 đứa con, nhỏ nhất vẫn đang đi học, cả hai vợ chồng bà đều đi biển. Năm 2017, khi có chính sách cho vay phát triển nghề cá, hai vợ chồng bà làm thủ tục vay ngân hàng để mua 2 tàu vỏ thép, dùng chính hai tàu này làm tài sản bảo đảm thế chấp khoản vay. Năm đầu 2018 ra khơi, gia đình bà thắng lớn, trả Ngân hàng được khoảng 1,6 tỷ đồng. Năm thứ hai, chẳng may trong một chuyến đi biển, chồng bà bị tai nạn, ảnh hưởng đến vận hành con tàu nên chỉ trả được 200 triệu.
Bà Nguyễn Thị Huệ, xã Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định nói về hoàn cảnh gia đình khi tàu không còn ra khơi
Thời gian sau đó là dịch bệnh Covid 19 ập đến, thị trường giá dầu tăng cao còn giá hải sản thì hạ xuống, chi phí nhân công cũng tăng lên, người lao động mất việc, tàu phải nằm bờ. Gia đình bà bị Ngân hàng khởi kiện để đòi nợ. Năm 2022 hai tàu bị kê biên để thi hành án. Hiện đã hạ giá 7,8 lần chưa bán được (định giá đến nay chỉ còn hơn 1,9 tỷ đồng/tàu).
Ông Nguyễn Ngọc Châu bên con tàu đang ngày càng xuống cấp
Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Châu, SN 1978, thôn An Quang, xã Cát Khánh cũng không là ngoại lệ. Trước đây ông cũng có 4 chiếc tàu gỗ (2 chiếc hậu cần, 2 chiếc lưới rút đêm), nhưng làm ăn không hiệu quả, không đánh bắt được xa bờ nên năm 2015 ông Châu vay BIDV hơn 20 tỷ đồng. Cùng với việc vay vốn mua tàu đóng mới và đầu tư ngư lưới cụ, năm 2017 gia đình ông đưa tàu vỏ thép ra khơi. Trong năm đầu, gia đình ông trả ngân hàng được gần 1 tỷ, năm 2018 trả được khoảng 400 triệu. Năm 2020 khi dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, tàu cá dừng hoạt động. Theo báo cáo của cơ quan THADS, số tiền ông Châu đã thi hành được hơn 1,83 tỷ đồng, số còn lại trên 23 tỷ. Ông Châu mong mỏi Nhà nước có chính sách xem xét lại việc trả nợ cho ông vì hiện nay ông đang đi ở nhờ nhà vợ, làm thuê ở Cảng cá Đề gi, mỗi tháng được khoảng 5- 6 triệu tiền công, vợ ông cũng bán cá ở Cảng cá. Mức thu nhập hàng tháng của vợ chồng ông chỉ để duy trì tối thiểu đời sống hàng ngày, không có điều kiện thi hành án.
Cảng cá Đề gi, nơi nhiều chủ tàu làm việc sau khi tàu cá nằm bờ
Không ít người rơi vào trường hợp như kể trên. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển theo Nghị định 67, những năm đầu khi ngư trường thuận lợi, hàng ngàn tàu cá với công suất hiện đại có khả năng đánh bắt xa bờ ra khơi giúp người dân cải thiện đời sống; trả được nợ cho ngân hàng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên từ khoảng những năm 2019 trở lại đây, nhiều yếu tố dẫn đến việc khai thác hải sản bị ngưng trệ, các tàu cá hoạt động không hiệu quả; ngư dân ra khơi làm ăn thua lỗ, không trả được nợ, bị Ngân hàng khởi kiện ra tòa và nay tàu bị kê biên để thi hành án.