Bộ Tư pháp đã có các hoạt động nghiên cứu về mô hình tổ chức, quy trình, thủ tục thi hành án dân sự tại Cộng hòa Phần Lan. Sau đây là một số nội dung cơ bản về mô hình, tổ chức và quy trình, thủ tục thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan:
1. Hệ thống tổ chức thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan hiện nay
Cơ quan thi hành án quốc gia Phần Lan là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, chịu trách nhiệm thi hành các phán quyết của tòa án và thu các khoản phải thu có thể thi hành trực tiếp, chẳng hạn như tiền phạt, thuế và phí bảo hiểm theo yêu cầu.
Cơ quan này được thành lập ngày 01/12/2020, trên cơ sở chuyển đổi và hợp nhất Văn phòng Hành chính Quốc gia về Thực thi (National Administrative Office for Enforcement) và 22 văn phòng thi hành án khu vực (regional enforcement offices) với mục tiêu thống nhất một cơ quan quản lý, nâng cao hiệu suất, chất lượng, công bằng và giảm chi phí và chuyên môn hóa trong hoạt động thi hành án.
|
Bên cạnh các cơ quan quản lý ở trung ương, các cơ quan thi hành án được được chia thành 03 Vụ (cơ quan): Vụ thi hành án cơ bản, Vụ thi hành án mở rộng và Vụ thi hành án đặc biệt. Chức danh công chức thi hành án tại Vụ Thi hành án cơ bản (Basic Enforcement Unit) gọi là Thanh tra Thi hành (Enforcement Inspectors); tại Vụ thi hành mở rộng và Vụ Thi hành đặc biệt được gọi là Thanh tra Thi hành cấp cao (Senior Enforcement Inspectors). Tổng Cục trưởng và Phó Tổng Cục trưởng Cơ quan thi hành án quốc gia Phần Lan cũng là các Thanh tra viên và đều là công chức.
Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan thi hành án:
- Vụ Thi hành án cơ bản (Basic Enforcement Unit): Có khoảng 64 văn phòng trên cả nước[1] với 08 người đứng đầu và 164 Thanh tra viên thi hành án. Vụ có chức năng thi hành khoảng 80% các loại việc thi hành án đơn giản (sẽ giới thiệu ở phần sau) mà không cần tiếp xúc trực tiếp với đương sự (có thể trao đổi thông qua điện thoại, email hoặc giải pháp khách hàng điện tử như khấu trừ tài khoản, thanh toán tiền).
- Vụ Thi hành án mở rộng (Extensive Enforcement Units): Có 05 văn phòng tại 05 khu vực[2] với 19 Thanh tra viên trưởng và 113 thanh tra viên thi hành án (cao cấp, trung cấp). Vụ có chức năng thi hành các việc liên quan đến cưỡng chế động sản hoặc bất động sản và phải liên hệ trực tiếp với đương sự (sẽ giới thiệu cụ thể ở phần sau).
- Vụ Thi hành án đặc biệt (Special Enforcement Unit): Quản lý các nhiệm vụ thi hành đòi hỏi nhiều thời gian và xác minh, hợp tác với các cơ quan chức năng khác và tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm và vi phạm về tài chính.
Số liệu thống kê thi hành án Phần Lan năm 2022:
- Dân số 5,5 triệu
- Nhân viên Cơ quan thi hành án 1.150
- Số lượng người phải thi hành án 569.613
- Cá nhân 90.8 %, pháp nhân 9.2 %
- Chậm thi hành trung bình 9,3 tháng
- Số người đã thi hành xong 36,7 %
Số người chưa đủ điều kiện thi hành án 22,7 %
- Số vụ việc 2.800.778
- Kết quả thu €1.264.153.000
- Thu từ thu nhập 43 %, yêu cầu thanh toán 18 %, thanh lý 11 %
Thanh lý 3.282
Thu hồi 4.339
|
2. Quy trình thủ tục tổ chức thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan
Tại Cộng hòa Phần Lan, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là số hóa được áp dụng một cách hiệu quả trong tổ chức thi hành án.
2.1. Đối với quy trình các vụ việc thuộc thẩm quyền của Vụ Thi hành án cơ bản tổ chức thực hiện:
|
Cơ quan này tổ chức thi hành các nghĩa vụ thanh toán bằng tiền,cụ thể là các loại việc:
+ Cá nhân không phải là doanh nhân (không có công ty);
+ Số tiền cần thu trong mỗi vụ việc ít hơn 5.000 Euro;
+ Các khoản phải thu trong thi hành án hạn chế (Trong thi hành án hạn chế có thể khấu trừ thu nhập định kỳ hoặc tiền hoàn thuế và tài sản khác mà tài sản đó không cần thanh lý).
Để tổ chức thi hành án, Thanh tra thi hành án sẽ sử dụng hệ thống thông tin/đăng ký thi hành án. Hệ thống thông tin của cơ quan thi hành án phục vụ việc quản lý dữ liệu của người phải thi hành án, khoản nợ cần được thu hồi và người được thi hành án. Các thông tin đã đăng ký công khai của người phải thi hành án về nhân thân, tài sản, thu nhập, thuế và các vấn đề có liên quan…được Thanh tra viên thi hành án đánh giá, phân tích và đưa ra quyết định về việc tổ chức thi hành. Tất cả đều được thực hiện thông qua Sổ đăng ký thi hành án điện tử và thông qua giao diện kỹ thuật hoặc thông qua các phương tiện/biện pháp điện tử trong Hệ thống thông tin thi hành án, không yêu cầu phải gặp trực tiếp người đó. Nhân viên thi hành án, người được thi hành án và người phải thi hành án đều có thể truy cập, giải quyết việc thi hành án ngay trên môi trường mạng mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thi hành án cơ bản không có kết quả, và khi có các điều kiện sau đây xảy ra, việc thi hành án cơ bản sẽ chuyển sang thành đối tượng của thi hành án mở rộng:
+ Các khoản nợ không được thanh toán trong vòng 06 tháng;
+ Thu nhập hoặc tài sản cần thanh lý;
+ Tình hình tài chính không rõ ràng hoặc cần phải gặp trực tiếp.
Một điều cần lưu ý là: Việc thi hành án cũng có thể chuyển từ thi hành án mở rộng sang thi hành án cơ bản sau khi các biện pháp thi hành án của thi hành án mở rộng đã được thực hiện:
+ Tiền lương hoặc tiền công bị khấu trừ định kỳ;
+ Giám sát hiệu quả của việc khấu trừ và đánh giá lại tình hình kinh tế của người phải thi hành án ít nhất 12 tháng một lần.
2.2. Đối với quy trình các vụ việc thuộc thẩm quyền của Vụ thi hành án mở rộng tổ chức thực hiện:
Vụ Thi hành án mở rộng có chức năng thi hành tất cả các loại nghĩa vụ đang chờ xử lý và các biện pháp bảo đảm: các nghĩa vụ thanh toán; thu hồi tài sản; áp dụng các biện pháp bảo đảm, thu giữ tài sản; thi hành án liên quan đến chuyển giao quyền nuôi con và tiếp cận con; thu hồi và thanh toán các khoản phải trả theo từng kỳ; các nghĩa vụ khác: nghĩa vụ phải thực hiện, nghĩa vụ không được thực hiện, nghĩa vụ cho phép người khác thực hiện. Các văn bản liên quan đến việc khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyết định tự khắc phục.
|
Quy trình, thủ tục được thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
- Bước 1. Vấn đề cần xử lý (hoặc đang chờ xử lý): Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, Nhân viên thụ lý sẽ đề nghị Thanh tra viên thi hành án có nên tiếp tục tổ chức thi hành án theo yêu cầu hay không?
- Bước 2. Yêu cầu thanh toán: Nếu vụ việc được tiếp tục thực hiện, Thanh tra viên thi hành án sẽ gửi thư điện tử đến con nợ và cho thời hạn để con nợ tự nguyện thanh toán. Sẽ có hai trường hợp xảy ra từ bước 3:
- Bước 3:
+ Trường hợp 1: Con nợ thanh toán tiền. Việc thi hành án kết thúc.
+ Trường hợp 2: Con nợ không trả tiền. Việc thi hành án tiếp tục sang bước 4.
- Bước 4. Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Thanh tra viên thi hành án sẽ tìm kiếm thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra viên thi hành án có thể yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp (cơ quan đăng ký tài sản…). Kết quả tại bước này cũng có hai trường hợp xảy ra tại bước 5.
- Bước 5:
+ Trường hợp 1: Người phải thi hành án có tài sản, Thanh tra viên thi hành án sẽ thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản để thanh toán cho người được thi hành án và kết thúc việc thi hành án (bước 6).
+ Trường hợp 2: Người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng sau khi xử lý tài sản đó vẫn không đủ để thi hành án thì vụ việc được coi là không có điều kiện thi hành án và người được thi hành án thực hiện việc yêu cầu thi hành án hàng năm.
2.3. Đối với quy trình các vụ việc thuộc thẩm quyền của Vụ thi hành án đặc biệt tổ chức thực hiện:
Cơ quan thi hành án đặc biệt (SEU) tập trung vào những người phải thi hành án mà tình hình tài chính và việc thực hiện các biện pháp đòi hỏi khối lượng công việc lớn và chuyên môn đặc biệt đến mức không phù hợp để tiếp tục thực hiện bằng các biện pháp thi hành khác, là cách giải quyết những vụ việc giá trị lớn và khó khăn nhất, cụ thể như:
+ Nghi ngờ trốn tránh việc thi hành án hoặc thông báo không đầy đủ cho cơ quan chức năng;
+ Cần các biện pháp điều tra diện rộng, chuyên môn và nhiều thời gian hơn;
+ Các thỏa thuận phức tạp với các công ty hoặc nguồn tài chính;
+ Mức sống thực tế và khai báo của người phải thi hành án không tương xứng;
+ Cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng và người nộp đơn;
+ Phải sử dụng một số mục/quy định nhất định của Bộ luật thi hành án để nâng cao hiệu quả thi hành án;
+ Khoản nợ lớn và khoản nợ do phạm tội hình sự;
+ Khoản phải thi hành có tính chất xuyên biên giới…;
+ Vụ việc phức tạp, kéo dài, có khiếu nại, tố cáo, báo cáo hành vi phạm tội cho cơ quan công an điều tra.
Nhìn chung, cơ quan thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan áp dụng triệt để thành tựu của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tổ chức thi hành án. Trong đó, chủ yếu các vụ việc do cơ quan thi hành án cơ bản thực hiện nhiệm vụ trên nền tảng số, môi trường mạng. Cơ quan thi hành án mở rộng có quyền hạn rộng hơn và nhiệm vụ đa dạng hơn so với thi hành án cơ bản; có quyền hạn tương tự như thi hành án đặc biệt nhưng phải giải quyết nhiều vụ việc hơn, không có nhiệm vụ đặc biệt và ít có sự phối hợp hơn với các cơ quan khác. Cơ quan thi hành án đặc biệt về cơ bản có nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình, thủ tục tương tự như cơ quan thi hành án mở rộng nhưng chủ yếu thi hành đối với các vụ việc lớn, phức tạp hơn, đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng nhiều hơn trong quá trình tổ chức thi hành án.
3. Các dịch vụ hỗ trợ hoạt động thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan:
Với mục tiêu đổi mới hệ thống quản lý, tạo cơ hội chuyên môn hóa, quy trình đạt năng suất, hiệu quả cao, Cộng hòa Phần Lan đã tổ chức thi hành án theo hướng tập trung hóa và sử dụng các dịch vụ điện tử. Hiện nay, tại Cộng hòa Phần Lan sử dụng hệ thống các dịch vụ như sau:
3.1. Thực hiện việc liên hệ, kết nối qua hòm thư điện tử và tin nhắn
Dịch vụ này thường được thực hiện trong trường hợp cần có sự liên hệ, trao đổi giữa nhân viên cơ quan thi hành án và người được thi hành án, người phải thi hành án về khoản phải thi hành, tiến độ, kết quả và phương án xử lý đối với vụ việc.
Kết quả: Toàn hệ thống đã nhận được khoảng 18.000 email mỗi tháng. Trường hợp các cá nhân hoặc công ty đã chọn sử dụng tin nhắn Suomi.fi sẽ nhận được thư thi hành án điện tử qua dịch vụ.
3.2. Thực hiện việc liên hệ, kết nối qua điện thoại
Tổng đài điện thoại: Các nhân viên thi hành án phục vụ qua điện thoại trong giờ hành chính vào các ngày trong tuần để cung cấp thông tin về khoản phải thi hành, tiến độ, kết quả thi hành, cũng như giải đáp thắc mắc và tiếp nhận các yêu cầu của người phải thi hành án, người được thi hành án và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kết quả thực tế cho thấy, Tổng đài nhận được trung bình từ 16.000-18.000 cuộc gọi điện thoại mỗi tháng với tỷ lệ phản hồi là 82,4 %. Trong đó, bộ phận dịch vụ quản lý 65-70% các cuộc gọi và phần còn lại được liên kết với các chuyên viên phụ trách theo thẩm quyền.
3.3. Thực hiện việc liên hệ, kết nối qua các điểm dịch vụ khu vực
Toàn quốc có 64 điểm dịch vụ khu vực để người dân có thể tiếp cận, yêu cầu thi hành án, trong đó:
- Có 06 điểm mở vào giờ hành chính các ngày trong tuần;
- 30 điểm mở cửa ít nhất 01 lần một tuần;
- 28 điểm chỉ mở cửa khi có yêu cầu.
Trên thực tế, nhu cầu của người dân về các điểm dịch vụ khu vực đã giảm mạnh do hiện nay, tại Phần Lan đã phát triển hơn các dịch vụ điện tử trong các cơ quan thi hành án cũng như trong toàn xã hội Phần Lan.
3.4. Thực hiện việc thi hành án qua hệ thống điện tử Ulsa
Dịch vụ thi hành điện tử cũng có sẵn bằng tiếng Anh tại địa chỉ: asiointi2.oikeus.fi/ulosotto. Dịch vụ điện tử bao gồm các dịch vụ dành cho người phải thi hành án, người nộp đơn thi hành án, luật sư của người nộp đơn, người nhận lệnh cấm thanh toán, chính quyền và công dân Phần Lan
- Ulsa - dịch vụ dành cho người phải thi hành án, gồm một số nội dung cơ bản như sau:
+ Xem các vấn đề thi hành án của bản thân;
+ Tải xuống và in các vấn đề thi hành án;
+ Trả nợ;
+ In biên lai thanh toán để thi hành án;
+ Nộp đơn xin hoãn khấu trừ, giới hạn số tiền khấu trừ hoặc xin miễn một tháng;
+ Trả lời tin nhắn nhận được từ cơ quan thi hành án và gửi tin nhắn cho họ;
+ Khai báo số tài khoản ngân hàng của bạn
- Ulsa – dịch vụ dành cho người nộp đơn, gồm các nội dung cơ bản như sau:
+ Nộp đơn xin thi hành án;
+ Xem các vấn đề thi hành án;
+ Gửi thông báo về thanh toán và thay đổi;
+ Truy vấn số dư trong sổ đăng ký thi hành án thụ động;
+ Tải xuống và in báo cáo quyết toán;
+ Trả lời tin nhắn nhận được từ cơ quan thi hành án và gửi tin nhắn cho họ;
+ Cập nhật chi tiết liên lạc của người nộp đơn.
|
Kết quả:
Số lần đăng nhập
2020 1 318 560
2021 2 157 117
2022 2 783 506
8/23 2 228 491
Số lần thanh toán bằng euro
2019 25 954 829
2020 41 927 742
2021 75 648 580
2022 100 599 333
8/23 73 955 686
Về Hệ thống thông tin – ULJAS: Đây là Hệ thống quản lý vụ việc của cơ quan thi hành án kể từ ngày 01/3/2004. Tất cả các vụ việc thi hành án đều được lưu trữ tại Uljas và các biện pháp, thu hồi nợ, thanh lý, v.v. đều được thực hiện tại Uljas. Bên cạnh đó, nó cũng dành cho những người đăng ký sử dụng hệ thống thông tin và phần lớn các vụ việc đều được thực hiện trên hệ thống này. Do đó, hiện nay, hàng năm các cơ quan thi hành án tại Phần Lan chỉ nhận được khoảng 30.000 đơn đăng ký nộp trực tiếp.
4. Một số vấn đề có thể tham khảo
Qua nghiên cứu, trao đổi cho thấy về cơ bản, hoạt động thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan cũng có nhiều điểm tương đồng với hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam hiện nay, nhất là việc áp dụng các biện pháp khấu trừ, xử lý tài sản của người phải thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án…Bên cạnh đó, có một số nội dung có thể tham khảo để phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự trong thời gian tới, như:
- Các cơ quan thi hành án tại Phần Lan được tổ chức và hoạt động theo hình thức kết hợp giữa mức độ khó khăn, phức tạp của vụ việc được tổ chức thi hành với hạt, khu vực, vùng. Theo mô hình này sẽ đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có tính chất phức tạp, tài sản và người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau (đang là một trong những bất cập đối với công tác thi hành án tại Việt Nam hiện nay). Vì vậy, mô hình tổ chức và hoạt động của thi hành án tại Cộng hòa Phần Lan cần tiệp tục được tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo, phù hợp với điều kiện ở nước ta trong thời gian tới.
- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động THADS, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn nghiệp vụ thi hành án, đảm bảo công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thi hành án, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới xây dựng nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
|
|
- Đơn giản hóa thủ tục xử lý tài sản của người phải thi hành án. Trường hợp xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác, cơ quan THADS có trách nhiệm thực hiện việc thông báo cho đồng sở hữu tài sản nhưng không bắt buộc phải thông báo được cho người đó vì các lý do khách quan (ở nước ngoài, không xác định được nơi cư trú…).
- Xác định thẩm quyền và đơn giản hóa thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo tho hướng chỉ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở những giai đoạn nhất định. Ví dụ như tại Cộng hòa Phần Lan, người phải thi hành án có tài sản bị xử lý để thi hành án có quyền khiếu nại sau khi có quyết định đưa tài sản ra bán của cơ quan thi hành án và thời hạn này thường là 03 tuần lễ. Khi có khiếu nại, việc xử lý tài sản sẽ bị tạm dừng để chờ Tòa án xem xét, giải quyết. Sau khi tài sản đã được bán, xử lý thì mọi khiếu nại về việc bán, xử lý tài sản sẽ không được xem xét, xử lý./.
Phan Huy Hiếu, Chánh văn phòng Tổng cục THADS
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tại Phần Lan