Tham dự Hội nghị quốc tế về công tác Thi hành án dân sự

13/07/2022
Nhận lời mời của Cục Thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp Thái Lan, ngày 12/7/2022, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã có đại diện tham dự “Hội nghị quốc tế về THADS: các thách thức hiện nay trong thi hành án điện tử”. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng hòa Lithuania, Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ), Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Hội nghị đã được nghe một số tham luận giới thiệu những thành tựu trong công tác THADS. Đại diện Tòa án Trung ương về Sở hữu trí tuệ và Thương mại quốc tế Thái Lan trình bày về giải pháp ứng dụng công nghệ và xây dựng tòa án thông minh trong đại dịch covid-19, đảm bảo khả năng tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm cho người dân. Đại diện UIHJ giới thiệu về Bộ luật toàn cầu về thi hành án (Global Code of Enforcement, ban hành năm 2015) và Bộ luật toàn cầu về thi hành án số (Global Code of Digital Enforcement, ban hành năm 2022). Đây là những nguyên tắc chung có tính khuyến nghị và tham khảo cho các nước nhằm xây dựng quy trình thi hành án thống nhất, tương thích và hiện đại. Đại diện Cục Thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp Thái Lan trình bày về thi hành án điện tử nhằm xây dựng Cục Thực thi pháp luật theo mục tiêu 5G (Growth Mindset: Tăng cường nhận thức; Good Plan & Process: Kế hoạch và quy trình công việc tốt; Good Communication & Collaboration: Giao tiếp và hợp tác chủ động; Good Service: Nâng cao chất lượng dịch vụ; Great Digital Organization: Phát triển để trở thành tổ chức số).
 
Ngoài ra, Hội nghị thảo luận toàn thể hai phiên với các chủ đề thời sự về thi hành án điện tử.
Phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề “Nhận thức về các luật và quy định liên quan khác đến thi hành án điện tử”. Các diễn giả trình bày tầm nhìn và quan điểm về nhận thức về pháp luật và các quy định có liên quan khi áp dụng thi hành án điện tử. Vì thi hành án điện tử không chỉ tác động đến việc truy cập thông tin cá nhân của những người liên quan, như thông tin về tài sản của người phải thi hành án, mà quy trình nhận và gửi tài liệu điện tử cũng phải xác định được người gửi, đảm bảo tính xác thực. Do đó, những người thực thi pháp luật và các bên liên quan cần hiểu biết về pháp luật về giao dịch điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân, chữ ký số, khai thác và quản lý dữ liệu điện tử.
 
Chia sẻ về thực tiễn tại Việt Nam, đại diện Tổng cục THADS cho biết, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý và tăng cường công khai, minh bạch trong THADS. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện chủ trương chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai thi hành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án, xây dựng Cơ sở dữ liệu THADS để kết nối với các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp, Cơ sở dữ liệu của Tòa án điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các nhiệm vụ nêu trên sẽ là tiền đề để sớm điện tử hóa quy trình tổ chức THADS tại Việt Nam. Do đó, việc nhận thức rõ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, chữ ký số, bảo mật, khai thác, quản lý và sử dụng thông tin dữ liệu… sẽ góp phần triển khai hiệu quả, an toàn mục tiêu thi hành án điện tử.
 
Phiên thảo luận thứ hai tập trung vào nội dung “Thực tiễn tốt trong đấu giá điện tử”. Các diễn giả của UIHJ, Lithuania, Malaysia, Nhật Bản, Singapore trình bày về quá trình thi hành án liên quan đến đấu giá điện tử. Hiện nay, nhiều quốc gia đã sử dụng và phát triển công nghệ, xây dựng các hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến tập trung nhằm tạo điều kiện và thu hút nhiều người tham gia đấu giá để bán được tài sản thi hành án hiệu quả hơn.
 
Tại Việt Nam, hình thức đấu giá trực tuyến đã được quy định trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP. Để được Giám đốc Sở Tư pháp cấp phép thành lập tổ chức đấu giá trực tuyến, tổ chức đấu giá tài sản phải thiết lập Trang thông tin điện tử để tổ chức đấu giá trực tuyến và phải đáp ứng ba điều kiện: (i) có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá trực tuyến; (ii) có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; và (iii) có phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. Đến nay, Việt Nam đã có 06 tổ chức đấu giá trực tuyến;[1] các tổ chức này đã thực hiện được nhiều cuộc đấu giá trực tuyến,[2] nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, việc đấu giá trực tuyến tài sản THADS chưa phổ biến. Do đó, cần tăng cường các giải pháp để áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến trong công tác THADS, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý tài sản THADS.
 
Hội nghị quốc tế về THADS: các thách thức hiện nay trong thi hành án điện tử kết thúc tốt đẹp vào chiều cùng ngày. Hội nghị đã giúp các đại biểu tham dự nâng cao nhận thức về những vấn đề mới, chia sẻ những thành tựu và kinh nghiệm tốt trong việc điện tử hóa, số hóa công tác THADS.
 
Nguyễn Thị Ngân
Văn phòng Tổng cục THADS
 

[1] Thông tin do Cục Bổ trợ tư pháp cung cấp.
[2] Tham khảo website Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – Quốc gia, tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam: https://daugiaviet.vn/about