Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thanh tra Bộ), các đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục (Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2, Vụ Nghiệp vụ 3, Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin); một số tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; tại các điểm cầu Cục THADS tỉnh, thành phố có đại diện Lãnh đạo các Cục THADS (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Cao Bằng).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Để tổ chức thi hành các Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền, Chấp hành viên cơ quan THADS phải thực hiện nhiều công đoạn, nhiều tác nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, để đạt được mục đích cuối cùng thu được tiền, tổ chức thi hành dứt điểm một vụ việc thi hành án thì không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá uy tín. Đây là 02 trình tự, thủ tục có khả năng làm thay đổi kết quả thi hành án, nếu thực hiện tốt thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc thi hành án và ngược lại sẽ làm quá trình thi hành án bị chậm trễ, dễ phát sinh sai sót, khiếu nại, tố cáo thậm chí là bồi thường nhà nước hoặc trách nhiệm hình sự của Chấp hành viên. Thông qua thực tiễn theo dõi công tác lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản của các Cục THADS địa phương nhận thấy cơ bản hoạt động thẩm định giá, đấu giá đã dần đi vào nề nếp, các sai sót, vi phạm đã được hạn chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: (i) việc định giá tài sản còn tình trạng chênh lệch lớn so với giá trị tài sản cùng loại đã được giao dịch trên thị trường; xác suất còn hiện tượng Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với tổ chức không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) việc lựa chọn tổ chức đấu giá thiếu khách quan; một số tổ chức đấu giá dùng thủ thuật để hạn chế người tham gia đấu giá nộp hồ sơ....Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, pháp luật chưa quy định rõ, trách nhiệm của Chấp hành viên, trách nhiệm của người đứng đầu hoặc trách nhiệm của các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá, quan trọng nhất là chưa có cơ chế quản lý cụ thể đối với nội dung này.
|
Để khắc phục tình trạng nêu trên, trên cơ sở quy định của Luật đấu giá tài sản và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, xác định tầm quan trọng của việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, Tổng cục THADS đã rà soát quy định của Luật Giá, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn; pháp luật về thi hành án để tìm ra khó khăn, vướng mắc, đánh giá thực trạng; thực hiện các bước quy trình xây dựng Quy trình nội bộ về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản làm cơ sở, tiền đề, nâng cao vai trò quản lý công tác thẩm định giá, bán đấu giá trong thời gian tới theo chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức. Mặc dù là quy trình nội bộ trong Hệ thống thi hành án dân sự, nhưng cũng tác động đến các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá có tham gia trong quá trình thi hành án vụ việc. Do đó, Tổng cục THADS tổ chức buổi Hội thảo để lấy ý kiến đối với Dự thảo Quy trình, đồng thời, lắng nghe các kinh nghiệm của cơ quan THADS đã ban hành Quy trình, hiệu quả áp dụng; những vướng mắc ở các địa phương mà lượng án bán đấu giá lớn. Từ đó, trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp để hoàn thiện Quy trình, đưa ra áp dụng trên thực tiễn có tính khả thi cao.
|
|
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự đã trình bày tổng quan những nội dung cơ bản của Dự thảo Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án, theo đó, trên cơ sở pháp lý, thực tiễn và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dự thảo Quy trình gồm 03 Chương, 17 Điều. Quá trình xây dựng, đã tổ chức 02 cuộc họp Tổ soạn thảo và 03 lần gửi lấy ý kiến các thành viên Tổ soạn thảo; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, trao đổi và hoàn thành việc xây dựng, lấy ý kiến Dự thảo 1, hoàn thiện Dự thảo Quy trình 2. Đơn vị chủ trì soạn thảo cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trong Dự thảo Quy trình như: Dự thảo bảng tiêu chí lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá; trường hợp một bên là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án yêu cầu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá; thời hạn thông báo, lựa chọn tổ chức thẩm định giá; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS trong việc cho ý kiến trước khi Chấp hành viên lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá...
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tích cực tham gia ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận, trình bày các tham luận liên quan (Kết quả thực tiễn và kinh nghiệm từ việc thực hiện Quy trình thẩm định giá, đấu giá tài sản tại thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội...) nhằm góp phần hoàn thiện để Quy trình khi ban hành, áp dụng thực tiễn bảo đảm tính khả thi cao./.