Xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội

30/06/2021
Những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xét xử trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", TSTN thu hồi tăng cao. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã chia sẻ với phóng viên về những chuyển biến tích cực và phương hướng nâng cao hiệu quả công tác này.

Xin ông chia sẻ những bước chuyển tích cực và khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng (THTSTN) thời gian qua?
Trong những năm gần đây, công tác THTSTN đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả tích cực, mang lại niềm tin của nhân dân đối với công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước. Bước chuyển quan trọng nhất chính là sự nhận thức ngày càng rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ THTSTN, sự nhất quán, quyết liệt trong nhận thức và hành động từ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương. Từ năm 2013 đến năm 2019, số tiền, tài sản thu được trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt tương đương 9.000 tỷ đồng; năm 2020 là 14.017 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 61% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, kết quả THTSTN chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào thái độ chấp hành pháp luật, sự tự nguyện, thành khẩn của người phải thi hành án và nhất là hiệu quả công tác điều tra, xác minh ban đầu, công tác xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đương sự trong giai đoạn thi hành án. Thực tiễn cho thấy, nơi nào, vụ việc nào được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thì nơi đó, vụ việc đó tỷ lệ thu hồi cao. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn hoặc chưa rõ cơ chế xử lý đã dẫn đến khó khăn, kéo dài trong thực hiện.
Hệ thống pháp luật hiện nay đang đặt ra những thách thức nào đối với THTSTN? Theo ông, Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập mới được ban hành đã có những sửa đổi nào tác động tích cực tới công tác này?
Thời gian qua, hệ thống pháp luật về PCTN và THTSTN đã không ngừng được hoàn thiện... với nhiều đạo luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những quy định chưa theo kịp yêu cầu của công tác PCTN như: chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục trong hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; một số quy định pháp luật về thanh tra, kiểm toán, về đất đai, về tín dụng, phá sản... cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp thực tiễn xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng và nâng cao hiệu quả THTSTN.
Với những điểm mới trong Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 130/2020/NĐ-CP, trong đó trọng tâm là kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng xác minh tài sản của người phạm tội tham nhũng, truy vết dòng tiền tham nhũng, ngăn chặn hiệu quả hơn nguy cơ tẩu tán TSTN.
Một số chuyên gia cho rằng THTSTN ở nước ta đang được thực hiện qua kênh truy tố, xét xử khiến tội phạm có thời gian tẩu tán, hiệu quả thu hồi thấp và cần đổi mới theo hướng tịch thu TSTN không qua thủ tục kết tội để nâng cao tỷ lệ thu hồi. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, cơ chế THTSTN chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có ưu điểm công khai, minh bạch, được phán quyết bằng một Tòa án có thẩm quyền, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ vẫn phải được coi là kênh chủ yếu để THTSTN.
Năm 2020, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng Báo cáo "Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội". Cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản ngay cả khi người phạm tội không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất là phải chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp do phạm tội mà có. Tuy nhiên, do đây là một cơ chế mới, phức tạp nên việc thực hiện sẽ đặt ra một số vấn đề như bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực hiện; cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để tương thích đối với cơ chế này; các phương án, tổ chức bộ máy, các điều kiện và nguồn lực cần thiết để triển khai... Cần phải nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện bảo đảm thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện để có những đề xuất phù hợp điều kiện, thực tiễn của Việt Nam.
Việc thực hiện các giải pháp buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản có mâu thuẫn gì với nguyên tắc, quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện hành không, thưa ông?
Điều 20 (Làm giàu bất hợp pháp) của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định tội phạm là người thực hiện một cách cố ý hành vi làm giàu bất hợp pháp. Nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể thì bị coi là tội phạm. Trong quá trình xây dựng dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, nhiều ý kiến cho rằng, việc hình sự hóa ngay hành vi này là chưa phù hợp vì chúng ta chưa kiểm soát tốt tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; vẫn còn tình trạng dùng tiền mặt trong các giao dịch dân sự, thương mại; mô hình gia đình truyền thống ở Việt Nam là tài sản chung, thuộc về tất cả các thế hệ trong gia đình đang sống chung với nhau. Vì vậy, có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong tố tụng hình sự nên quy định này chưa được bổ sung trong Bộ luật Hình sự 2015. Trong tương lai, khi chúng ta kiểm soát tốt các vấn đề nêu trên thì việc đặt vấn đề nghiên cứu, đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để phù hợp với Công ước và nâng cao hiệu quả THTSTN là cần thiết.
Ông có thể chia sẻ những giải pháp đột phá khắc phục những vướng mắc, bất cập và góp phần nâng cao hiệu quả THTSTN?
Công tác THTSTN có tính chất liên ngành, thiếu một khâu nào đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có chức năng nhiệm vụ riêng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Do đó, bên cạnh các giải pháp bổ sung, hoàn thiện về thể chế, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức tham gia vào các giai đoạn tố tụng, kể cả tiền tố tụng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chống mọi biểu hiện tiêu cực, thì hiệu quả THTSTN sẽ được nâng lên. Các cơ quan tố tụng Việt Nam cần tăng cường phối hợp các cơ quan nước sở tại để thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự trong các giai đoạn tố tụng nhằm THTSTN ở nước ngoài thuận lợi, đạt hiệu quả.
Về phía Bộ Tư pháp, một mặt, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan thi hành án dân sự tích cực xác minh, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, kịp thời thu hồi tài sản cho Nhà nước, mặt khác, tiếp tục đánh giá thực tiễn để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về THTSTN. Đồng thời, kiến nghị thực hiện nghiêm các quy định về truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản trong giai đoạn tố tụng; các quy định về hoạt động cho vay và thẩm định giá trị của tài sản bảo đảm cho khoản vay của các tổ chức tín dụng; đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi có vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất và các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố...
Vừa qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp xây dựng trình Ban Bí thư Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và kiến nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về công tác này. Trong đó đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong THTSTN; nghiên cứu, ban hành quy định riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản; tăng cường trách nhiệm của các cán bộ thực thi pháp luật truy tìm, truy thu, xác minh tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng...
Trân trọng cảm ơn ông!
       TUẤN ANH (thực hiện)

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản (THTS) bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về THTS bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi; về cơ chế THTS bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác THTSTN.