Tăng cường hợp tác với Cộng hòa Pháp trong công tác thi hành án dân sự

04/11/2022
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp giai đoạn 2022-2023, Đoàn công tác của các cơ quan Cộng hòa Pháp đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam. Trong khuôn khổ của chuyến công tác, Tổng cục THADS phối hợp với Ủy ban Tư pháp quốc gia Cộng hòa Pháp (National Chamber of Commissioners of  Jusstice) tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác THADS, trong đó có thu hồi tài sản ở nước ngoài và “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hồ sơ THADS và bảo mật thông tin dữ liệu điện tử”.

Ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS đã chủ trì buổi trao đổi Tọa đàm. Tham dự buổi Tọa đàm còn có bà Nguyễn Linh Kha – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục; Cục Bổ trợ Tư pháp và Cục Công nghệ Thông thông tin. Tham dự Tọa đàm Về phía Cộng hòa Pháp, có Bà Agnès Carlier - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Tư pháp quốc gia Pháp, Ông Luc Ferrand Thẩm phán - Giám đốc Vụ Tuân thủ, các vấn đề Châu Âu và quốc tế và Ông Lionel Decotte - Ủy viên Ủy ban Tư pháp quốc gia Pháp.
 
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục THADS, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi đã đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Cộng hòa Pháp đối với công tác THADS Việt Nam thời gian qua. Cụ thể, Cộng hòa Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực pháp luật chính thức được thiết lập bằng việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về hợp tác pháp luật và tư pháp năm 1993. Ngày 21/4/2015, Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp đã ký Thỏa thuận hợp tác. Đây là những văn kiện quan trọng tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai các hoạt động hợp tác pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp nói chung và trong lĩnh vực THADS nói riêng trong những năm gần đây.

Trong lĩnh vực thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án, Cộng hòa Pháp là nước có lịch sử phát triển lâu đời và nhiều kinh nghiệm. Từ năm 2008, các chuyên gia Pháp đã hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Luật THADS. Luật THADS năm 2008 của Việt Nam đã nhận được nhiều sự đóng góp và chia sẻ kinh nghiệp của các chuyên gia Pháp. Trong thời gian gần đây, Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp và nhiều chuyên gia của Cộng hòa Pháp đã hỗ trợ Tổng cục THADS tổ chức các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm ở Pháp cũng như tổ chức các Hội thảo trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về THADS cho Chấp hành viên và công chức thuộc Tổng cục THADS tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, các hoạt động tọa đàm, hội thảo cũng thường xuyên được tổ chức.
 
Đặc biệt, nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long và Chủ tịch Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia đã cùng ký Chương trình hợp tác năm 2022-2023. Đây chính là cơ sở để Tổng cục THADS phối hợp với Ủy ban Tư pháp quốc gia Cộng hòa Pháp tổ chức Tọa đàm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của các cơ quan Tư pháp tai Việt Nam lần này.
 
Tại Tọa đàm, đại diện Tổng cục THADS đã chia sẻ thực trạng về công tác thi hành án dân sự hiện nay, trong đó có những khó khăn, vướng mắc, bật cập mà THADS Việt Nam đang gặp phải, từ đó mong muốn được hỏi hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ chuyên gia Cộng hòa Pháp.
 
Các chuyên gia Cộng hòa Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, nhất là sau khi chức danh “Thừa phát lại” và “Đấu giá viên” được hợp nhất; kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ THADS và bảo mật thông tin dữ liệu điện tử.
 
Qua trao đổi, phía bạn cũng đã thông tin cho Việt Nam rằng, hiện nay Cộng hòa Pháp đang trong quá trình sáp nhập bộ phận thừa phát lại (bailiffs) và nhân viên tịch thu, phát mại tài sản (auctioneers) thành một bộ phận chung với tên mới là Ủy ban Tư pháp quốc gia (the National Chamber of Commissioners of Justice). Việc sáp nhập 02 bộ phận này được thực hiện theo lịch trình chi tiết bắt đầu từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2026. Để thực hiện quá trình sáp nhập, hai khối ngành thừa phát lại và tịch thu, phát mại tài sản bắt buộc phải trải qua các khóa đào tạo chuyên môn để nhân viên thừa phát lại có thể làm công tác tịch thu, phát mại tài sản và ngược lại.
 
Các chuyên gia cũng đã trao đổi với phía Việt Nam về kinh nghiệm trong thi hành án đối với các loại tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản ảo, tài sản số; thứ tự ưu tiên thanh toán trong thi hành án. Bạn cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong thu hồi tài sản thi hành án có yếu tố nước ngoài trong khu vực Liên minh châu Âu cũng như các nước ngoài Liên minh. Đối với vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu THADS tại Pháp, các chuyên gia cho biết Cộng hòa Pháp hiện nay đã thực hiện chuyển đổi số, lưu trữ số hóa 100% các bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, Cộng hòa Pháp không xây dựng cơ sở dữ liệu chung về thi hành án dân sự mà có các nguồn dữ liệu riêng, khi cần thực hiện thi hành án thì kết nối các trường thông tin, trích xuất dữ liệu của đương sự phục vụ thuận lợi cho công tác thi hành án và đảm bảo bảo mật thông tin dữ liệu điện tử.
 
Trên cơ sở kết của Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi đã cám ơn các chuyên gia của Cộng hòa Pháp đã có chuyến thăm, làm việc và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Tổng cục THADS về công tác thi hành án dân sự;  qua đó, mỗi bên có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về pháp luật cũng như thực tiễn của nước kia, từ đó tiếp tục có các đề xuất nghiên cứu, trao đổi và tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu, mang tính chuyên môn nhiều hơn trong thời gian tới.
Văn phòng Tổng cục