Toạ đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”

24/08/2024

Ngày 23/8, tại Quảng Ninh, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn và Tổng Thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng.
Tham dự Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Vụ 11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, các đơn vị thuộc Bộ Tư Pháp (Thanh tra Bộ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm); các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục; một số cơ quan THADS địa phương và đại diện các tổ chức tín dụng ngân hàng.
1. Tại buổi Toạ đàm đại diện Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 1 đã trình bày tham luận khái quát nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, dự thảo hiện đang sửa đổi, bổ sung 16 nội dung liên quan đến 16 Điều, tập trung vào các nội dung như: hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản đặc thù là cổ phần, cổ phiếu và phần vốn góp; bổ sung biện pháp nhằm hạn chế người phải THA tẩu tán tài sản; không giới hạn địa giới hành chính khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; xử lý trường hợp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá khi người mua được tài sản không nộp hoặc nộp không đủ tiền; bổ sung trường hợp đương sự yêu cầu chứng kiến thoả thuận ngoài trụ sở cơ quan THADS; xác minh qua cơ sở dữ liệu; bổ sung quy định thông báo thi hành án, nhất là trường hợp có nhiều người được thi hành án,…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã ghi nhận sự cần thiết của việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung; thống nhất cao với các nội dung sửa đổi. Đồng thời, có nhiều ý kiến góp ý bao quát hoàn thiện nội dung của toàn bộ Dự thảo. Ngoài ra, còn đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế như hướng dẫn một nghĩa vụ đảm bảo bằng nhiều tài sản; hoặc trường hợp lựa chọn tài sản lớn để thi hành nhưng thực tế phát sinh tài sản có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản kém, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án nên cần hướng dẫn lựa chọn tài sản để thi hành án…Sau quá trình trao đổi thảo luận sôi nổi, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn đã cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu và giao Tổ thường trực tổng hợp toàn bộ các ý kiến, rà soát, sửa đổi hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP trình Chính phủ dự kiến tháng 10/2024.
2. Tiếp tục chương trình buổi chiều, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng đã nêu ra bức tranh tổng thể của công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, trước tình hình số lượng việc, tiền phải thi hành cho các TCTD/VMAC trong hệ thống THADS ngày càng tăng nhanh, 10 tháng 2024 so với năm 2020 đã tăng 47,3% về việc, 26% về tiền (tăng 14.960 việc, tương ứng 40.002 tỷ 900 triệu 257 nghìn đồng)[1] đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan THADS. Tổng cục trưởng cho rằng, mặc dù công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiếp nối chương trình, đồng chí Nguyễn Quôc Hùng- Tổng Thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã khẳng định, công tác phối hợp giữa các tổ chức tín dụng và cơ quan THADS ngày càng chặt chẽ, tuy nhiên có nơi có lúc chưa đạt hiệu quả như mong muốn, cần tăng cường hơn đối với công tác này. Do vậy, tại Toà đàm hôm nay nhằm chia sẻ thông tin và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các bản án tín dụng ngân hàng cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các cơ quan có liên quan để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trong xử lý thu hồi nợ xấu.
Để nắm bắt được khó khăn vướng mắc từ các bên có liên quan, các đại biểu đã có tham luận để làm sâu sắc từng nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Hiệp Hội Ngân hàng trình bày về “Thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng dưới góc nhìn của Hiệp hội”; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 có liên quan trực tiếp đến các khó khăn vướng mắc trong THADS như đất nông nghiệp hết hạn sử dụng, việc chênh lệch diện tích tài sản bảo đảm; …Đại diện Lãnh đạo Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đánh giá sâu sắc hơn kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng 10 tháng đầu năm 2024, đồng thời, nêu khó khăn vướng mắc từ thể chế đến công tác phối hợp và đưa ra một số tình huống thực tiễn. Từ đó, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Vụ 11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có tham luận về công tác phối hợp qua quá trình kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự rõ từng vấn đề từ việc bản án quyết định của Toà án tuyên không rõ, khó thi hành như việc tuyên tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp; hoặc việc thẩm định cho vay tài sản của ngân hàng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ; các vụ việc vay tín chấp còn tồn đọng;….

Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức tín dụng ngân hàng, cơ quan THADS địa phương cũng trao đổi thảo luận sôi nổi về từng tình huống, ví dụ điển hình trong việc phối hợp, khó khăn, vướng mắc về thể chế…
Qua một ngày trao đổi thảo luận, Tổng cục trưởng THADS đã cảm ơn sự tham gia đầy đủ của các đại biểu, các ý kiến trao đổi thảo luận thẳng thắn, thiết thực; sự phối hợp tổ chức Toạ đàm của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất có ý nghĩa. Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục THADS sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác THADS mà các Đại biểu đưa ra. Từ đó, Tổng cục THADS là cơ quan quản lý chung về công tác thi hành án dân sự sẽ có đánh giá toàn diện, khách quan, có hướng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự (đặc biệt là đẩy nhanh việc thu hồi các khoản nợ xấu của các TCTD/VAMC). Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án; rà soát khó khăn, vướng mắc để chung tay cùng hệ thống THADS xây dựng Luật THADS (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi, thống nhất.
 

[1] * Năm 2020: Tổng thụ lý án TDNH là 31.602 việc tương ứng với số tiền là 153.855 tỷ 691 triệu 856 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019 số thụ lý tăng 2.822 việc và tăng hơn 6.621 tỷ 833 triệu đồng.
* Năm 2021: Tổng thụ lý án TDNH là 36.215 việc tương ứng với số tiền là 125.875 tỷ 493 triệu 381 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 số thụ lý tăng 4.613 việc và giảm hơn 27.980 tỷ 198 triệu đồng.
* Năm 2022: Tổng thụ lý án TDNH là 37.058 việc tương ứng với số tiền là 137.311 tỷ 299 triệu 746 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2021 số thụ lý tăng 843 việc và tăng 11.435 tỷ 806 triệu đồng.
* Năm 2023: Tổng phải thi hành án là 39.710 việc, tương ứng 153.681 tỷ 889 triệu 060 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2022, tăng 2.652 việc, 16.370 tỷ 589 triệu 313 nghìn đồng.
* 10 tháng năm 2024: Tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng 193.858 tỷ 592 triệu 113 nghìn đồng, so với cùng kỳ năm 2023, số phải thi hành án tăng 7.039 việc và tăng 39.406 tỷ 020 triệu 292 nghìn đồng.